Chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B: Cần xây dựng chính sách ứng phó phù hợp
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm rất phức tạp và chưa thể kiểm soát. Bởi vậy, trong lộ trình chuyển các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, Việt Nam cần phải tính toán trên cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chính sách ứng phó phù hợp.
Chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B cần căn cứ vào khoa học và thực tiễn
Bộ Y tế cho biết đang xây dựng Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023, trong đó có nội dung quan trọng nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Việt Nam hiện ghi nhận hơn 8,4 triệu ca nhiễm Covid-19. |
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, để đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B phải căn cứ vào diễn biến của dịch.
Đầu tiên, Việt Nam cần xem xét dịch bệnh Covid-19 có còn gây bùng phát mạnh hay không, có xuất hiện các biến chủng nữa không và thể hiện tính ổn định qua các năm và dự báo được?
Thứ hai, tình hình chuyển nặng và tử vong do nhiễm Covid-19 có lớn không, gây ra quá tải hệ thống y tế hay không?
Thứ ba, phải căn cứ vào khả năng đáp ứng về y tế, hiệu quả của vaccine, thuốc điều trị?
Thứ tư, liệu dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, an sinh của người dân hay không?
Theo ông Phu, nếu dịch đặc biệt lây lan nhanh, còn bệnh nhân nặng, quá tải đáp ứng y tế và khả năng kiểm soát dịch còn khó khăn thì chưa công nhận thành bệnh truyền nhiễm nhóm B được.
“Chúng ta phải căn cứ từ luận chứng khoa học đến thực tiễn mới đưa ra quyết định chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Hiện nay WHO cũng đang nghiên cứu xem xét đề xuất đưa Covid-19 sang bệnh lưu hành”, ông Phu nói.
Người dân được khám, điều trị Covid-19 miễn phí khi Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A. |
TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020, khi công bố Covid-19 là dịch bệnh nhóm A tức là loại bệnh lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Khi đó, nhà nước có quyền can thiệp vào việc thực hiện quy định phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, khi tuyên bố Covid-19 là bệnh lưu hành, chuyển sang bệnh nhóm B, Nhà nước không kiểm soát dịch chặt chẽ nữa, người dân có quyền tự do đi lại, sinh hoạt. Khi bỏ việc cách ly bắt buộc rất khó trông chờ vào sự tự giác của người dân và như vậy, bệnh càng có điều kiện lây lan mạnh hơn.
Cơ sở khoa học để một bệnh truyền nhiễm nhóm A có thể chuyển sang nhóm B, trở thành bệnh thông thường là khi số ca mắc mới và số ca nặng ổn định. Khi đó, Covid-19 không có khả năng gây làn sóng dịch mới, tỷ lệ tử vong không cao. Bên cạnh đó, hệ thống y tế phải thật tốt để đáp ứng với tình hình điều trị Covid-19.
Hiện tại Việt Nam, số ca nhiễm vẫn tăng nhanh và tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Do đó, PGS Dũng cho rằng, nếu tuyên bố Covid-19 là bệnh lưu hành nhưng tỷ lệ mắc vẫn cao thì người dân vẫn có nỗi sợ hãi. Bởi vậy, cần phải căn cứ trên thực tiễn của nước mình, phân tích trên yếu tố có lợi hay không có lợi cho người dân và nền kinh tế Việt Nam.
Khi tuyên bố chuyển dịch Covid-19 sang nhóm B, Nhà nước sẽ mất đi quyền kiểm soát dịch và kiểm soát các quy định phòng dịch. Theo ông Dũng, Nhà nước vẫn nên giữ quyền này bởi chúng ta vẫn cần có những biện pháp cứng rắn để kiểm soát được dịch, thí dụ như bắt buộc tiêm chủng vaccine, yêu cầu tuân thủ 5K, người nhiễm phải cách ly hay cung cấp thuốc điều trị miễn phí cho người dân.
“Nếu đưa Covid-19 ra khỏi nhóm A thì khó có thể kiểm soát đại dịch tương tự như với người mắc HIV, không thể yêu cầu họ cách ly, họ toàn quyền có thể đi đến đâu mà họ muốn…”, ông Dũng nói.
Nhà nước có thể nới lỏng một số hoạt động như cho mở lại hoạt động dịch vụ, cho F1, F0 không triệu chứng đi làm. Tùy từng tình huống có thể giảm biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường sự tự do, thoải mái cho người dân, bảo đảm phát triển kinh tế, không mâu thuẫn với phát triển kinh tế.
Xây dựng chính sách ứng phó phù hợp với dịch Covid-19
Khi một dịch bệnh nhóm A chuyển sang nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch tễ sẽ có nhiều thay đổi.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, rất nhiều nội dung về giám sát, xét nghiệm diện rộng, cách ly tập trung, quản lý ca bệnh… cần phải điều chỉnh. Các giải pháp ứng phó không nghiêm ngặt như nhóm A nữa như không hạn chế sự tập trung đông người, không quản lý F0, không miễn phí điều trị, cách ly…
Ông Phu phân tích, hiện nay bệnh cúm mùa Việt Nam vẫn giám sát nhưng không phải giám sát toàn bộ, chỉ giám sát trọng điểm để tính toán, đánh giá tình hình dịch. Với Covid-19, khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Nhà nước không xét nghiệm trên diện rộng, không đếm ca bệnh mà chỉ ước lượng số mắc một năm để đánh giá.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, khi chuyển Covid-19 sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch, giảm áp lực lên các cơ sở y tế, nhân viên y tế. Khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, có rất nhiều chính sách về y tế, an sinh xã hội thay đổi.
Theo quy định hiện nay, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như với các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Vì vậy, khi chuyển sang nhóm B cần phải căn cứ vào việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương.
“Vì Covid-19 có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp nên cần phải xây dựng chính sách ứng phó với dịch sao cho phù hợp. Khi chuyển biện pháp ứng phó với Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng khi thấy cần phải quan tâm, Nhà nước vẫn nên có chính sách nào đó, thí dụ có chính sách về phí khám bệnh, tiêm vaccine cho người nghèo”, ông Phu nói.
Bên cạnh đó, chính sách về cách ly, khai báo y tế cũng phải thay đổi. Người dân phải cách ly, nhưng không phải bắt buộc cách ly cộng đồng như nhóm A, nhưng có khuyến cáo cách ly. Nếu Covid-19 là nhóm B, người dân có thể không phải khai báo y tế nữa.
“Theo tôi khi nghiên cứu để chuyển Covid-19 sang nhóm B cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các bộ, ngành, các cấp, Bộ Y tế và cần phải có lộ trình. Bộ Y tế nghiên cứu về dịch bệnh, còn các ngành, các cấp phải cùng nghiên cứu về chính sách. Nghiên cứu và các chính sách cần sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế, đáp ứng khác nhau”, ông Phu nói.
Trước sự phức tạp của đại dịch Covid-19, ông Phu cho rằng, một số bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn phải công bố dịch trên toàn quốc. Với Covid-19 khi chuyển sang nhóm B thì tùy theo tính chất, mức độ của dịch để có quyết định công bố dịch hay không.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, hiện nay nước ta có tỷ lệ tiêm chủng cao nên số mắc và tỷ lệ chuyển nặng phải vào viện thấp nên không làm quá tải bệnh viện, quá tải hệ thống y tế. Nhưng việc chuyển Covid-19 từ dịch bệnh nhóm A sang nhóm B cần phải có thời gian.
“Hiện nay, thế giới chưa chuyển độ của đại dịch. Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo vệ nhóm yếu thế. Nhóm này cũng cần được tiếp cận y tế sớm, giảm tỷ lệ nặng, tử vong. Về mặt ảnh hưởng với y tế, khi chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, nhiều người sẽ có tâm lý chủ quan như bỏ đeo khẩu trang, tiếp xúc khi lây lan nhanh sẽ là điều nguy hại nhất”, bác sĩ Hà nói.
Do vậy, bác sĩ Hà cho rằng, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, phòng bệnh một cách tốt nhất. Người dân vẫn phải thực hiện đeo khẩu trang, người ốm tự cách ly tại nhà để bảo vệ cộng đồng. Một số điều kiện khác không còn ý nghĩa nhiều như khai báo y tế có thể không duy trì.
Hiện nay, hệ thống y tế hiện vẫn tiếp tục củng cố để đáp ứng việc điều trị, nhằm mục tiêu hạn chế số nhập viện, nặng và tử vong. Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, tới đây, Việt Nam có thể giảm cấp độ dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nhưng những điều chỉnh này cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học và thực tiễn, không thể nhìn qua sơ lược tình hình dịch mà đưa ra quyết định ngay được.
Hiện ngành y tế vẫn đang theo dõi, chuẩn bị những dữ liệu cần thiết. Trong lúc chờ đợi những điều chỉnh về chính sách, hệ thống y tế vẫn căng mình tiêm chủng, bảo đảm công tác điều trị, bảo vệ nhóm người yếu thế.
Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc