Cần nhìn nhận đúng đắn về lợi ích của tiêm chủng mở rộng
BHG - Theo thống kê của Bộ Y tế, trong hơn 30 năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã triển khai thực hiện trên toàn quốc và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm thiểu bệnh tật, loại trừ được một số bệnh như: Bại liệt, uốn ván sơ sinh. Hiện nay, vắc xin trong Chương trình TCMR chiếm trên 92% các loại vắc xin được tiêm tại nước ta. Vắc xin Quinvaxem đã được tiêm tại Việt Nam từ năm 2010, mỗi năm có gần 4,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ trong độ tuổi đảm bảo an toàn.
Ở tỉnh ta, trong những năm gần đây công tác tiêm chủng đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện theo quy định của pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 219 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng (gồm: trạm Y tế các xã, phường, thị trấn; các bệnh viện tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh và điểm tiêm dịch vụ tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố). Công tác bảo quản vắc xin và thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn trong tiêm chủng mở rộng tại hầu hết các huyện và xã đã được thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, trong năm 2015, số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đạt 97,1% chỉ tiêu so với kế hoạch, công tác giám sát và kiểm soát chặt chẽ phản ứng sau tiêm chủng được thực hiện tốt vì thế không có trường hợp nào tử vong do tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Tiêm chủng cho trẻ tại huyện Đồng Văn. |
Vắc xin Quinvaxem còn gọi là vắc xin “5 trong 1” là loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng để thay thế vắc xin DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván), giúp giảm số mũi tiêm cho trẻ và phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà trẻ nhỏ dễ mắc làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Theo lịch tiêm chủng, vắc xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ 3 lần khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Việc sử dụng vắc xin phối hợp Quinvaxem sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do có nhiều thông tin chưa chính xác về hiệu quả của vắc xin Quinvaxem đã gây hoang mang, lo lắng trong dư luận và nhân dân, dẫn đến hiện tượng nhiều người dân ở một số tỉnh, thành đã không cho trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem mà chờ đợi tiêm các loại vắc xin dịch vụ. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn nghi ngờ về độ an toàn của vắc xin trong chương trình TCMR nên chỉ đưa con em mình đi tiêm vắc xin dịch vụ. Đây là tình trạng đáng lo ngại, có thể làm mất đi miễn dịch cộng đồng, làm xuất hiện trở lại một số dịch bệnh như ho gà, bạch hầu...
Nhưng theo các nhà chuyên môn, kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm vắc xin trong chương trình TCMR trong thời gian qua đều cho thấy không liên quan đến chất lượng vắc xin, mà chủ yếu là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng. Các vắc xin được sử dụng trong chương trình TCMR đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới. Các mẫu vắc xin cũng đã được kiểm tra và khẳng định về tính an toàn tại Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế cũng như tại các phòng xét nghiệm quốc tế. Chất lượng và độ an toàn của vắc xin sử dụng trong chương trình TCMR không khác gì so với các vắc xin sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ.
Tuy nhiên, không có vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Do đó, để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, các bậc phụ huynh cần lưu ý: Phải nắm rõ tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi tiêm; khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ có bị ốm, sốt hay có tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước không; trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng; cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: Sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái.... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các bậc phụ huynh cần nhận thức một cách đúng đắn và tin tưởng về tính an toàn cũng như chất lượng các các vắc xin đang được dùng trong chương trình TCMR, đồng thời chủ động đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ số mũi, để tăng cường hệ miễn dịch và phòng được nhiều bệnh nguy hiểm cho trẻ.
Ngọc Ánh
(Trung tâm TT/GDSK)
Ý kiến bạn đọc