Báo động ATVSTP trong các bếp ăn tập thể trường học
HGĐT- Năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm làm 5 người chết, trong đó có tới 3 vụ xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học khiến 69 học sinh ngộ độc, rất may không có học sinh nào tử vong.
6 tháng đầu năm 2014 chưa ghi nhận vụ ngộ độc nào, tuy nhiên với con số thống kê của ngành Y tế trong năm 2013, sau khi kiểm tra 488/537 bếp ăn tập thể (BATT) tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, có đến 386 (chiếm hơn 79%) số bếp ăn (BA) không đạt tiêu chí và đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Với những số liệu trên, tình trạng thiếu ATVSTP trong các bếp ăn tập thể trường học thực sự đang báo động đối với các ngành chức năng.
Không có phòng ăn, học sinh Trường THCS bán trú xã Yên Cường (Bắc Mê) phải ăn ngaytại phòng ở.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đa phần các BATT không đủ tiêu chuẩn ATVSTP nằm ở các huyện, xã đặc biệt khó khăn và nguyên nhân chính do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị không đảm bảo. Hơn nửa số BA có diện tích phòng ăn không đủ tiêu chuẩn, cũ kỹ, thậm chí ẩm thấp... Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên phục vụ một số BA còn thiếu và ít tham gia tập huấn về kiến thức ATVSTP; không có nhiều dụng cụ phục vụ chuyên dụng như quần áo, mũ, găng tay cho nhân viên chế biến... Đây là những điều kiện thuận cho các vi khuẩn, trực khuẩn nguy hiểm tích tụ, sinh sôi và có thể bám vào thức ăn gây ra ngộ độc.
Trực tiếp “mục sở thị” BATT tại trường THCS bán trú xã Yên Cường (Bắc Mê), một trong những BA có số lượng suất ăn mỗi bữa trên 300 suất. Thế nhưng hiện nay BA này không có nhà ăn, khu vực chế biến thức ăn ngay sát khu vệ sinh, diện tích hẹp, nhân viên phục vụ không có bất cứ dụng cụ chuyên dụng nào để chế biến thức ăn... Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ: “Nhà trường đang cố gắng tu sửa 2 phòng cấp 4 để làm phòng ăn cho học sinh và chuyển vị trí nhà vệ sinh ra khu vực khác. Tuy nhiên, nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị là không nhỏ, chỉ có thể khắc phục những hạ tầng cần nguồn kinh phí nhỏ và được người dân hỗ trợ mà thôi, do vậy đến nay, BA chưa thể đạt các tiêu chí ATVSTP”.
Thực tế cho thấy, 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học trong năm 2013 xảy ra trên địa bàn huyện Xín Mần, một huyện nghèo ĐBKK do trực khuẩn tụ cầu vàng gây ra. Loại trực khuẩn này có mọi nơi trong tự nhiên nhưng sẽ sinh sôi phát triển nhanh trong điều kiện ẩm mốc, mất vệ sinh và sẽ dễ gây ngộ độc khi bám vào thức ăn. Từ đó có thể thấy, đối với những trường ở vùng ĐBKK, điều kiện vật chất, thiết bị và con người chưa được đầu tư nhiều, tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP cao.
Trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nguyễn Như Chưởng được biết: “Khó khăn là ở chỗ hầu hết số BATT ở các trường thuộc huyện, xã ĐBKK không đạt tiêu chí, tiêu chuẩn ATVSTP cơ bản những nhà ăn này được xây dựng bằng sự đóng góp của nhân dân, nên chủ yếu là các nhà tạm hoặc bán kiên cố. Các địa phương này nguồn kinh phí dành cho sự nghiệp giáo dục rất ít, vì thế việc đầu tư xây dựng mới hay tu sửa các BA cũng hạn chế. Do vậy, nếu không được tỉnh, huyện đầu tư thì đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn thực sự khó”.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn mất ATVSTP trong các BATT trường học, thời gian gần đây, các cấp, các ngành đã quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho những BATT trường học tu sửa, xây mới các nhà ăn, khu vực chế biến và bổ sung trang thiết bị, bàn, ghế ăn cho học sinh... Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ vẫn còn hạn hẹp và với điều kiện kinh tế khó khăn của một tình nghèo như Hà Giang không thể một lúc đầu tư xây dựng các BA đạt chuẩn. Nhưng để đảm bảo ATVSTP trong các BA, tránh xảy những vụ ngộ độc, đầu năm 2014, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm soát ATVSTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở các xã. Theo đó, trước mắt, các BATT phải đảm bảo vệ sinh nơi chế biến, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân người tham gia chế biến và người phục vụ; vệ sinh trong chế biến và bảo quản thực phẩm, lưu mẫu theo quy định; không mua bán, sử dụng thực phẩm khi chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm trôi nổi, ôi thiu, ẩm mốc... Thực hiện nghiêm túc 10 quy tắc vàng về ATVSTP cho người làm bếp và 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý cho giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tập huấn kiến thức về ATVSTP cho lãnh đạo, cán bộ y tế trường học, nhân viên cấp dưỡng, phục vụ; khám sức khỏe định kỳ cho các nhân viên cấp dưỡng, phục vụ các bếp ăn...
Hy vọng với sự quan tâm, chỉ đạo, quyết liệt trong thời gian vừa qua của các cấp, các ngành về ATVSTP trong các BATT trường học sẽ không có vụ ngộ độc nào xảy ra. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu thốn, vệ sinh thực phẩm chưa được đảm bảo trong các BATT trường học như hiện nay cần các cấp, các ngành sớm có định hướng đầu tư, hỗ trợ, cộng với tinh thần trách nhiệm của những cán bộ cấp dưỡng, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh và chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc