“Sinh nhiều con, khổ lắm rồi!”
HGĐT- Lưng địu, tay dắt 2 con hoặc mẹ, cha đi trước, đàn con lếch thếch theo sau là những hình ảnh để lại nhiều cảm xúc buồn cho người chứng kiến. Vì nhiều lý do khác nhau, họ sinh con thứ 3 một cách tự nhiên mà chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước sự phát triển toàn diện của đàn con thơ. Để khi ngẫm lại thì mọi việc đã quá muộn màng: “Giá như... nghe lời cán bộ. Sinh nhiều con, khổ lắm rồi”.
“Mỗi gia đình chỉ nên có 1 hoặc 2 con” là thông điệp xuyên suốt, góp phần đảm bảo cho một gia đình hạnh phúc.
Trong ảnh: Anh Hoàng Văn Hộ, thôn Nặm Đăm dạy con học bài để vợ có thời gian tham gia sinh hoạt phụ nữ do thôn tổ chức.
Không thể phủ nhận tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho sự phát triển KT-XH tại địa phương... Những năm gần đây, qua công tác truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), tình trạng trên mới chỉ giảm theo hướng lùi bước nhỏ. Nhưng đó cũng là kết quả ban đầu đáng ghi nhận cho nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại địa phương; khi họ gặp phải những rào cản lớn bắt nguồn từ trình độ dân trí không đồng đều cùng hoàn cảnh kinh tế khó khăn của bao gia đình trên mảnh đất thuần nông – Ngọc Linh.
Ở Ngọc Linh, gốc rễ của “bi kịch” gia đình nghèo thêm khó, con sinh ra không có điều kiện phát triển toàn diện bản thân; vợ chồng hy sinh cả cuộc đời bên ruộng lúa, nương ngô... bắt nguồn từ nhận thức lệch lại về việc sinh con thứ 3 trở lên. Đó là quan niệm “thêm người, thêm vui”, là không thể không có con trai “nối dõi tông đường”, mặc dù trước đó họ đã có từ 3-4 cô con gái. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn e dè, thậm chí chưa biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn nên đàn con ngày thêm đông và nheo nhóc. Thực tế chứng minh, việc sinh con ngoài kế hoạch trở thành rào cản, chắn lối sự phát triển kinh tế gia đình, tạo nhiều gánh nặng cho xã hội. Song, người chịu nhiều thiệt thòi nhất chính là chị em phụ nữ. Khi gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai, buộc họ “đầu tắt, mặt tối”, xoay “ba đầu, sáu tay” để lo phát triển kinh tế gia đình, chăm chồng, chăm con. Gánh nặng trên khiến chị em phụ nữ ít còn cơ hội chăm sóc bản thân và tham gia nhiều hoạt động xã hội bổ ích... như một điều tất yếu.
Trước thực tế trên, năm 2013, xã Ngọc Linh đã đưa nội dung: Nếu gia đình nào sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị phạt 500.000 đồng vào nội dung Hương ước của 16 thôn, bản để mong nhận được sự thay đổi tích cực trong nhận thức của đồng bào. Cùng với đó, hiệu quả truyền thông về dân số, KHHGĐ trên địa bàn xã bước đầu có tín hiệu vui. Chị Vũ Thị Việt Thu (Trạm Y tế xã Ngọc Linh) chia sẻ: Nếu như trước đây, một số chị em không dám đến Trạm y tế xã để sinh con, vì tâm lý ngại việc hộ sinh của đội ngũ y tá, thì nay, họ tự nguyện đến Trạm để được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mẹ và con thời kỳ mới sinh. Đồng thời, 877 chị em trong độ tuổi sinh con đã biết áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn như tiêm, uống thuốc tránh thai, đặt vòng,... Đặc biệt, qua nhiều buổi truyền thông về dân số, bằng những hình vẽ hướng dẫn, minh họa cụ thể thì nhiều nam giới (đồng bào dân tộc thiểu số) đã biết sử dụng bao cao su để bảo vệ sức khỏe bản thân, trước những bệnh lây qua đường tình dục và tránh thai an toàn cho vợ...
Hiện nay, trên địa bàn xã Ngọc Linh vẫn còn nhiều hộ nghèo như gia đình chị: Bàn Thị Nhũ (thôn Tân Lập), Vàng Thị Cợ, Thào Thị Chá (thôn Nậm Nhùng) đều có từ 3-5 người con, với chung nỗi niềm: “Giá như được sinh con lại từ đầu...” thì nhiều gia đình khác đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về việc sinh đẻ có kế hoạch, nhờ chính sự tuyên truyền của cán bộ dân số xã. Đó là gia đình chị Lưu Thị Tuyên (thôn Khuổi Vài), là anh Hà Văn Kiết (thôn Ngọc Thượng). Dù mới có một con gái đầu lòng ở tuổi lên 3, vợ chồng anh Kiết đã tạm dừng sinh con thứ 2 khi điều kiện kinh tế gia đình còn quá khó khăn. Vì anh nghĩ: “Sinh con, nuôi tạm đủ ăn không khó nhưng nuôi học thành người thì khó lắm. Nhìn đàn con nheo nhóc, thua kém bạn bè, lúc ấy, khổ lòng người làm cha, làm mẹ; khổ cho xã hội nhiều lắm!”.
Lời chia sẻ của anh Kiết cũng chính là thông điệp mà đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, KHHGĐ của xã Ngọc Linh gửi tới bao thế hệ làm cha, làm mẹ; để mong sao mỗi gia đình ấy thực sự là một “tế bào” khỏe mạnh, thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.
Ý kiến bạn đọc