Hành trình 5 năm mang lại nụ cười cho trẻ thơ
Những đứa trẻ không lành lặn
Không được may mắn như những người bình thường khác, có những trẻ em khi mới sinh đã bị khuyết tật hoặc do tai nạn gây ra. Theo ước tính, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 5 nghìn trẻ bị khuyết tật, tàn tật và có 1.500 trẻ cần phẫu thuật. Trong đó, hầu hết hoàn cảnh gia đình của các em đều rất khó khăn. Điều đáng chú ý là có nhiều trẻ em bị khuyết tật do tai nạn thương tích gây ra. Theo số liệu thống kê trong lần phẫu thuật đợt 1 năm 2014 có khoảng 20 cháu bị bỏng cần phải phẫu thuật nhiều lần trên tổng số 112 trẻ.
Anh Giàng Vả Dình, ở xã Tả Lủng (Đồng Văn) cho biết: “Cháu Giàng Thị Máy bị bỏng từ lúc 6 tháng tuổi do bò vào bếp khi chơi ở sân bếp. Cháu bị cụt chi tay và bỏng dính gập chi tay, chân. Từ đó đến nay được phẫu thuật miễn phí 4 lần, giờ cháu đã đi lại tốt hơn trước”. Hay một trường hợp điển hình khác là cháu Giàng Mí Tủa ở xã Khâu Vai (Mèo Vạc) bị ngã vào bếp lúc 5 tuổi. Tai nạn này đã hủy hoại toàn bộ khuôn mặt, tay, chân và làm cháu không thể nói được. Dù đã đưa con đi phẫu thuật lần thứ 2 nhưng anh Giàng Mí Sính, cha của Tủa vẫn gặp khó khăn vì không thể giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Khi bác sĩ muốn nói chuyện với bệnh nhân và người nhà cần phải thông qua một người phiên dịch. Qua những trường hợp trên thấy rằng nhận thức của các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Các bậc cha mẹ chưa có sự quan tâm đúng mức tới con cái dẫn đến xảy ra nhiều trường hợp tai nạn thương tích đáng tiếc ở trẻ mà có thể để lại hậu quả mãi mãi về sau.
Cháu Giàng Thị Máy cùng cha tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phẫu thuật chỉnh hình.
Chung tay xoa dịu nỗi đau
Nhằm giảm nỗi đau cho các trẻ em khuyết tật và gia đình, trong 5 qua Dự án lồng ghép đào tạo phẫu thuật viên và tổ chức phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám sàng lọc cho 4.330 lượt trẻ và có 853 trẻ được phẫu thuật. Ông Đồng Văn An, Giám đốc Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ khuyết tật (Hà Nội), là đơn vị đồng hành và tài trợ cho dự án, đánh giá: “Nhờ sự phối hợp của Sở Y tế, Sở LĐ,TB&XH và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giúp tổ chức được 8 đợt phẫu thuật miễn phí cho trẻ khuyết tật. Qua những lần tham gia phẫu thuật cùng các chuyên gia ở các Bệnh viện Trung ương, Bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm chủ được một số kỹ thuật phẫu thuật chỉnh hình như: Mắt, môi, tai… Dự án cũng đào tạo được 104 cán bộ ở các xã biết khám sàng lọc phát hiện sớm trẻ bị khuyết tật. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa khi còn nhu cầu với điều kiện cần có sự phối hợp của tỉnh Hà Giang”.
Nhờ dự án mà nhiều trẻ khuyết tật được tạo điều kiện phẫu thuật ngay tại tỉnh. “Giải quyết được vấn đề khó khăn trước đây là có những đợt đưa trẻ về các trung tâm phẫu thuật ở trung ương do đường xa khiến sức khỏe các cháu không đảm bảo để làm phẫu thuật phải quay về. Hoặc có trường hợp gia đình đưa trẻ đi phẫu thuật nhưng không nhập viện được do cha mẹ không biết nói tiếng phổ thông, giấy tờ bị sai tên, tuổi, địa chỉ… Có bậc cha mẹ đã khóc rất thương tâm vì không biết làm thủ tục để con được phẫu thuật. Thậm chí có người đi làm nhiều lần không được trở nên nản lòng đành để con sống với khuyết tật” ông Đồng Văn An, cho biết thêm. Nguyên nhân chính là do đồng bào ở vùng sâu vùng xa không có trình độ nên không được hưởng lợi từ BHYT. Đến nay thì trẻ khuyết tật ở tỉnh đã có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Nhiều trẻ được can thiệp sớm từ lúc còn sơ sinh đến 1, 2 tuổi, không còn trường hợp để tới 14 – 15 tuổi mới đi khám chữa rất khó can thiệp. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Hoàng Tiến Việt, cho biết, qua dự án các bác sĩ của bệnh viện được chuyển giao kỹ thuật ở tất cả các chuyên khoa. Đến nay có nhiều bác sĩ có thể làm phẫu thuật chỉnh hình độc lập, điều này rất tốt cho việc phẫu thuật trẻ bị khuyết tật. Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho các trẻ khuyết tật ở vùng sâu vùng xa, thiết nghĩ còn cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc