Truyền thông góp phần nâng cao chất lượng dân số
HGĐT- Truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thay đổi nhận thức của cộng đồng về chăm sóc SKSS/KHHGĐ và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Trong những năm qua, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông một cách mạnh mẽ và sâu rộng dưới nhiều hình thức phong phú.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) tư vấn cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Hiện nay, 100%xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh có cán bộ chuyên trách dân số, cùng với đó là 2.191 cộng tác viên dân số hoạt động tại các thôn bản, đáp ứng yêu cầu các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ được triển khai khá đồng bộ và rộng rãi, có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài các chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, thì tùy đặc thù từng vùng được tăng cường thêm một số đề án dân số khác. Đối với các xã vùng sâu, vùng khó khăn, tỉnh ta đã tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, xã khó khăn. Bên cạnh đó, công tác dân số còn hướng đến cung cấp dịch vụ KHHGĐ; tầm kiểm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh... Để người dân tiếp cận được chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ thì hoạt động truyền thông được xem là giải pháp hàng đầu nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức dẫn đến hành vi. Từ đó, người dân nắm bắt và thực hiện tốt chính sách dân số của Đảng và Nhà nước đã đề ra, một số tín hiệu khả quan trên các mặt trong 6 tháng đầu năm nay như: Tổng số sinh là 7.286 trẻ, giảm 68trẻso với cùng kỳ năm 2013; số sinh là con thứ 3 trở lên là 1.170 trẻ, chiếm 16,1%, giảm 114 trẻ so với cùng kỳ... Thực hiện Chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép và đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 93/140 xã, đạt 66,4% kế hoạch. Kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng đạt 65,5% kế hoạch; khám phụ khoa đạt 169%, phát hiện bệnh và điều trị phụ khoa: 1.981/3.086 trường hợp, chiếm 26% trong tổng số người được khám phụ khoa. Công tác truyền thông, giáo dục vận động luôn được đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đẩy mạnh, ở những địa bàn trọng điểm chiến dịch, vùng có mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 cao; duy trì các hoạt động truyền thông trực tiếp, tư vấn, gặp gỡ tại nhà. Tổ chức 5.850 buổi truyền thông lưu động tại các thôn, bản, tổ dân phố với 59.500 lượt người nghe, cấp phát 44.000 tờ rơi làm mẹ an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai.
Đạt được kết quả như vậy, Chi cục DS - KHHGĐ hướng dẫn Trung tâm DS - KHHGĐ các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông dân số bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Phối hợp với Báo Hà Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện các chuyên mục Dân số và phát triển. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại các xã có mức sinh cao. Ngoài ra, các huyện còn thường xuyên mở lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn cho các cán bộ, cộng tác viên dân số tại các xã, thị trấn. Truyền thông nhóm thông qua mô hình sinh hoạt các Câu lạc bộ gắn nội dung DS - KHHGĐ. Hiện nay toàn tỉnh có trên 51 Câu lạc bộ của 23 xã có mô hình tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân tại huyện Bắc Quang, Vị Xuyên; duy trì hoạt động 44 Câu lạc bộ giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 20 xã của 3 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần... Nhờ đó mỗi năm, có hàng nghìn lượt người thuộc các nhóm đối tượng như các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ, lứa tuổi vị thành niên được tư vấn, tiếp cận và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Nhờ đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi dưới nhiều hình thức nên nhận thức của xã hội về DS - KHHGĐ ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, nhận thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chuyển biến ngày càng tích cực... Tuy nhiên, để công tác DS - KHHGĐ đạt được những mục tiêu đề ra, rất cần sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, và nhân dân cùng đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi... Có như vậy, chất lượng dân số mới được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc