Khó kiểm soát chất lượng rượu sản xuất thủ công
Trong khi rượu do doanh nghiệp được cấp phép sản xuất còn có thể gây chết người, thì việc chế biến rượu thủ công, nhất là ở các vùng nông thôn đang bị đặt dấu hỏi lớn về chất lượng.
Tại làng Yên Viên, xã Vân Hà, Bắc Giang, loại rượu làng Vân đều được nấu thủ công. Làng có đến 300 hộ sản xuất rượu thường xuyên, bình quân mỗi ngày một hộ cho ra lò 40-60 lít rượu. Về chất lượng của các loại rượu, hầu hết các gia đình đều tin vào phương pháp truyền thống.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, chủ lò rượu Làng Yên Viên, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang cho biết: “Theo kinh nghiệm thì càng để lâu các chất độc sẽ bay hết. Tôi đã từng mang rượu đi kiểm nghiệm các chỉ số, tuy có cao hơn chút nhưng vẫn ở mức an toàn”.
Mỗi ngày, 300 hộ sản xuất thường xuyên của làng Yên Viên cho ra lò tới 12.000 lít rượu, mỗi tháng khoảng 360.000 lít. Theo một cán bộ huyện, việc quản lý rượu của các hộ sản xuất không thường xuyên ở các làng lân cận là rất khó.
Rượu sản xuất ngoài làng nghề, lưu thông không kiểm soát được tại huyện Việt Yên, theo tính toán sơ bộ của địa phương cũng tương đương con số 360.000 lít mỗi tháng. Còn về kiểm soát chất lượng và các tiêu chuẩn hàm lượng Etanol, Methanol thế nào thì không ai biết được.
Theo quy trình sản xuất rượu, việc loại bỏ các tạp chất có hại là không thể bỏ qua, nhưng với các loại rượu nấu thủ công thì không ai dám chắc. Tuy nhiên, Dược sĩ Phạm Quang Hiệp khẳng định: “Mỗi loại hoạt chất sẽ được khử bay hơi ở một nhiệt độ khác nhau, nhưng nấu rượu theo cách truyền thống thì tất cả các tạp chất đều được ngưng đọng trong rượu, phải chưng cất lại nhiều lần mới giảm bớt các độc tố, không thể loại bỏ hoàn toàn được”.
Lo ngại trước thực trạng này, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: “Cơ chế hậu kiểm có nhiều nguy cơ, có nghĩa sau khi cơ sở sản xuất đăng ký chất lượng sản phẩm, sau đó tiến hành sản xuất bán ra thị trường, cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu bất kỳ để kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì mới nhắc nhở cơ sở sản xuất, như vậy là quá muộn nếu có sai sót”.
Các sản phẩm rượu phải có tiêu chí bắt buộc khi đưa ra thị trường như chỉ số nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ… Tuy nhiên, với phần lớn rượu sản xuất thủ công thì người tiêu dùng không có căn cứ để chọn lựa. Thực tế là 2/3 lượng rượu được tiêu thụ trên cả nước là rượu nấu thủ công (khoảng 260 triệu lít) mỗi năm.
Ý kiến bạn đọc