Nhập lậu chó, mèo - Nhập luôn dịch bệnh?

08:06, 27/08/2013

Sau gà lậu là chó lậu và mèo lậu đang được các đối tượng buôn bán hàng lậu hám lời “tuồn” vào Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Thông tin từ buổi Tọa đàm “Loại trừ bệnh dại từ chó ở khu vực Đông Nam Á” do Liên minh Bảo vệ chó châu Á phối hợp với cơ quan chức năng 4 quốc gia: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội cho thấy, việc nhập lậu chó vào Việt Nam đang ngày một tăng.


Thực trạng này cùng với việc người dân ở một số địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên bỗng dưng bị chó lạ tấn công (báo SK&ĐS số 135 ra ngày 24/8 đã có bài phản ánh) đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng phát các dịch bệnh từ chó, mèo lậu...

Nhập lậu chó, mèo - Nhập luôn dịch bệnh? 1
 Chó mèo nhập lậu không được kiểm dịch là nguồn lây bệnh rất lớn.

Mỗi năm khoảng 200.000 con chó lậu được “tuồn” vào Việt Nam

Thông tin tại buổi tọa đàm cho thấy, cảnh sát Thái Lan đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép chó không rõ nguồn gốc từ Thái Lan qua Lào để tuồn sang các nước, trong đó có Việt Nam. Cuối năm 2011, một số người Việt tại Thái Lan đã bị cảnh sát nước này bắt giữ vì vận chuyển chó trái phép và đã bị tòa án Thái Lan phạt tù 8 tháng. Các đối tượng này buôn lậu chó từ Thái Lan về Việt Nam để cung cấp cho các quán nhậu.

Theo điều tra của giới chức Thái Lan về nạn buôn chó từ Thái Lan vào Việt Nam, có khoảng 200.000 con chó được nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm. Các đối tượng buôn lậu thu gom chó tại các tỉnh, thành phố của Thái Lan, sau đó vận chuyển qua Lào rồi tuồn lậu vào Việt Nam. Hoặc cũng có thể chó được đưa thẳng từ Thái Lan sang biên giới, rồi đi qua các cửa sông vào Việt Nam tiêu thụ. Nguồn chó chủ yếu vẫn là ở các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Ông Kasichon - đại diện Cục Thú y Thái Lan cho biết, thống kê số vụ bắt giữ chó buôn lậu từ năm 2010 - 2013 là 64 vụ, với tổng số 12.154 con. Đáng lo ngại là riêng 6 tháng đầu năm 2013, số lượng chó lậu bị phát hiện lên tới 3.106 con.

Không chỉ có chó lậu mà mèo lậu cũng đã được “tuồn” vào Việt Nam. Liên tiếp trong thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng trăm kg, thậm chí có vụ lên đến gần 4.000kg mèo lậu đang trên đường được các đối tượng buôn lậu vận chuyển từ biên giới vào nội địa đi tiêu thụ bằng cả đường bộ và đường thủy.

Mối nguy hại đến sức khỏe con người

Tại buổi tọa đàm liên quan đến loại trừ bệnh dại từ chó ở các nước Đông Nam Á, các chuyên gia, các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế đã cho rằng, nạn buôn bán thịt chó đều mang lại một mối nguy hại cho cả sức khỏe của con người và quyền lợi của động vật. Đặc biệt, nạn buôn chó còn liên quan trực tiếp đến việc bùng nổ các dịch bệnh như giun xoắn, bệnh tả và bệnh dại. Ông John Dalley, sáng lập viên Tổ chức Soi Dog Thái Lan nhấn mạnh: Chỉ cần một động vật nhiễm bệnh cũng đủ để bắt đầu một đại dịch. TS. Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho rằng, việc buôn bán thịt chó đã thúc đẩy việc vận chuyển một số lượng lớn chó bị vận chuyển trái phép không rõ tình trạng bệnh tật và không kiểm soát tiêm chủng, đồng thời làm giảm hiệu quả của các nỗ lực xóa sổ bệnh dại ở khu vực, tạo ra mối lo ngại sâu sắc đối với cam kết mà Bộ trưởng Y tế các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đưa ra đối với việc loại bỏ hoàn toàn bệnh dại vào năm 2020. Cũng về vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo: Nạn buôn chó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc bùng phát bệnh dại ở Indonesia và bệnh tả ở Việt Nam.

GS.TS. Lê Đăng Hà - nguyên Viện trưởng Viện Nhiệt đới T.Ư cho rằng, chó, mèo chính là nguồn lây nhiều bệnh giun sán và các bệnh nguy hiểm khác cho người. Chó, mèo thả rông, nhập lậu không được tiêm phòng, không được vệ sinh nên nguy cơ lây nhiễm bệnh càng lớn. Những virut hoặc trứng giun, sán chó, mèo sống trong phân, trong máu, nước dãi có thể dính qua lông, da, lây nhiễm vào thịt trong quá trình chế biến. Người mổ thịt và chế biến thịt chó, mèo có thể bị nhiễm bệnh qua tiếp xúc, qua các vết xước trên da. Còn người dân nếu ăn thịt chó, mèo bị bệnh chế biến chưa kỹ đều có thể nhiễm bệnh.     

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn từ năm 1991 - 2010 đã có 8,9 triệu người nghi bị chó dại cắn, trong đó có 3.500 ca tử vong. Riêng trong năm 2012, cả nước ghi nhận 98 trường hợp tử vong do bệnh dại. Theo PGS.TS. Trần Ðắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, gần 100% các trường hợp bị chó cắn tử vong là do không đi tiêm vaccin và huyết thanh kháng dại. Ðến nay, số trường hợp tử vong do bệnh dại vẫn đứng hàng đầu trong các trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập huấn an toàn, vệ sinh lao động
HGĐT - Trong 2 ngày 29, 30.7, Sở Y tế Hà Giang phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế-Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh lao động (VSLĐ) năm 2013.
31/07/2013
Phòng ngừa tăng huyết áp
HGĐT - Huyết áp (HA) lên xuống trong những điều kiện nhất định (như chạy bộ, thể dục quá sức, mang vác nặng...) là bình thường. Tăng HA là khi HA của bạn lúc nào cũng cao hơn mức bình thường khi tim co bóp (tâm thu), hoặc lúc tim dãn ra (tâm trương). HA được gọi là tăng khi >140/90mmHg sau khi đo lặp đi lặp lại nhiều lần và đúng cách.
31/07/2013
Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật tạo hình niệu quản thành công
HGĐT- Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phẫu thuật tạo hình niệu quản thành công cho bệnh nhân Hoàng Thị Thanh, 53 tuổi thường trú tại huyện Bắc Quang.
30/07/2013
Tạm đình chỉ công tác 2 cán bộ y tế tại Quảng Trị
Tỉnh Quảng Trị vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác 2 cán bộ có liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B, tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa.
30/07/2013