Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế bằng cách nào?
Không ai phủ nhận lợi ích từ việc xã hội hóa ngành y tế, nhưng trước hàng loạt sự việc liên quan tới trục lợi BHYT từ trang thiết bị xã hội hóa, câu hỏi đặt ra là vấn đề quản lý và quy trình khám chữa bệnh liệu đã chặt chẽ hay chưa?
Nếu như không có nguồn đầu tư xã hội hóa thì Bệnh viện Bạch Mai chỉ có một máy cộng hưởng từ và một số máy siêu âm đen trắng, máy chụp X quang thế hệ cũ. Và nếu không có những máy móc từ nguồn xã hội hóa thì với 5.000 lượt bệnh nhân có nhu cầu chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân phải chờ từ 30-35 ngày. Theo GS.TS. Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để chống lạm dụng xét nghiệm không có cách nào khác là phải làm đúng quy trình phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng như trách nhiệm kiểm soát của người đứng đầu.
“Việc xã hội hóa có mặt trái, nếu không có kiểm soát thì sẽ có lạm dụng kỹ thuật, mà lạm dụng nhiều nhất là trong chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm về sinh hóa huyết học, các thủ thuật kỹ thuật… Khám xét bệnh nhân bao giờ cũng có quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị, mà quy trình thông qua Hội đồng khoa học của bệnh viện được Bộ Y tế phê duyệt. Khi có phác đồ, có quy trình điều trị, nếu bệnh viện nào không làm đúng tức là lạm dụng xét nghiệm. Nếu người đứng đầu làm tốt và đúng theo các quy định thì không có hiện tượng lạm dụng kỹ thuật”, GS.TS. Phạm Minh Thông nói.
Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trên các máy móc ở bệnh viện được đầu tư bằng nguồn vốn của tư nhân, trong đó có cả vốn do các y, bác sỹ góp là để thu hồi vốn nhanh và người đầu tư có lợi nhuận cao nhất. Đây chính là một khiếm khuyết của việc xã hội hóa y tế mà chưa có giải pháp để khắc phục và kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng: “Lạm dụng hay không lạm dụng là rất khó vì chúng ta chưa có chuẩn mực, Bộ Y tế phải nghiên cứu để ban hành chuẩn mực này, điều quan trọng nhất là Bộ phải có những quy định pháp luật về trang thiết bị y tế”.
Để từng bước khắc phục tình trạng này, trung tuần tháng 8, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải thành lập Hội đồng Thuốc và Điều trị trong bệnh viện với chức năng tư vấn cho Giám đốc bệnh viện về các vấn đề liên quan đến thuốc và điều trị bằng thuốc của bệnh viện. Bên cạnh đó, Hội đồng chuyên môn hàng tuần, hàng tháng phải bình đơn thuốc, bệnh án để xem bệnh án, đơn thuốc có đúng không, có hiệu quả hay kê tràn lan thuốc.
Liên quan đến vấn đề lạm dụng tại các bệnh viện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ trình Chính phủ đề án “giám định tỷ lệ” - tức là cơ quan BHXH sẽ lựa chọn mẫu ngẫu nghiên trên tổng số hồ sơ bệnh án ra viện trong 1 kỳ, khi phát hiện sai sót thì lấy sai sót đó nhân với tổng thể hồ sơ bệnh án trong kỳ. Với cách làm này, các bệnh viện sẽ phải nâng cao trách nhiệm và chủ động kiểm soát chi phí, vì nếu không sẽ bị khấu trừ trên toàn bộ hồ sơ thanh toán.
Ý kiến bạn đọc