Liên tiếp các sự cố sau tiêm vắc xin viêm gan B:
Lại lo giảm tỷ lệ tiêm phòng
Cuối tuần qua, 2 hội đồng về tư vấn sử dụng vắc xin và đánh giá tai biến sau tiêm của Bộ Y tế đã có kết luận tiếp tục sử dụng lịch tiêm vắc xin phòng viêm gan B sơ sinh, tức tiêm mũi vắc xin phòng viêm gan B đầu trong 24 giờ sau sinh. Năm 2007, tỷ lệ tiêm phòng mũi vắc xin này đã giảm thê thảm, tới mức 20-25% bởi một loạt phản ứng sau tiêm và hiện nay Bộ Y tế cũng đang lo lắng tình trạng này có thể lặp lại.
Có cần tiêm ngay trong 24 giờ sau sinh?
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện có tới 81 quốc gia trên thế giới, đều là những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao, thực hiện lịch tiêm phòng viêm gan B mũi đầu là trong 24 giờ sau sinh. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B tới 10% dân số. Do đó, để phòng lây nhiễm trong nhóm trẻ này và cũng là bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ chuyển sang xơ gan, ung thư gan sau này, Hội đồng tư vấn của Bộ Y tế đã quyết định giữ nguyên lịch tiêm.
Tuy nhiên, ý kiến này của Cục trưởng Nguyễn Văn Bình đã gặp không ít phản bác. GS-TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế cho rằng, ông không cho con cháu tiêm mũi vắc xin này. Lý do là trẻ mới sinh chưa có nguy cơ nhiễm viêm gan B nhiều. "Ba đường lây truyền chủ yếu của viêm gan B là quan hệ tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B khoảng 10%, vậy còn 90% bà mẹ không mang vi rút và hiện đã có nhiều bệnh viện có xét nghiệm trước sinh, xác định ai nhiễm vi rút viêm gan B, ai không. Vì vậy, ngoại trừ nhóm có mẹ nhiễm vi rút viêm gan B thì không cần tiêm" - ông Nguyễn Đình Bảng góp ý.
Một quan chức của Bộ Y tế cũng đồng tình với quan điểm không tiêm mũi vắc xin này cho con cháu mình. Vì, trước khi sinh, bé thở và sống hoàn toàn nhờ mẹ, nay vừa ra môi trường bên ngoài, trở thành một cá nhân độc lập với các thay đổi về nhiệt độ, áp suất, nếu lại thêm việc tiêm chất lạ vào cơ thể thì rất đáng ngại. "Điều này tôi đã nói từ năm 2007, nhưng khi đó người ta vẫn quyết định giữ lịch tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh. Nay lại tiếp tục quan điểm này" - vị quan chức này cho hay.
Tăng cường chất lượng dịch vụ tiêm chủng
Theo báo cáo của PGS-TS Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại hội thảo về an toàn tiêm chủng vừa tổ chức tại Hà Nội, đến nay chương trình tiêm chủng đã phòng được 9/26 loại bệnh có vắc xin bảo vệ. Sau 25 năm triển khai tiêm chủng, tỷ lệ mắc một số loại bệnh có vắc xin phòng đã giảm từ 55% đến 100%, đặc biệt các bệnh bạch hầu, dị tật bẩm sinh do rubella, đậu mùa, bại liệt… vốn có số mắc rất cao trước năm 1985, nay không còn người mắc bệnh. Tuy vắc xin lưu hành ở Việt Nam đều đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc quốc tế dành cho sản phẩm, nhưng ông Đỗ Sỹ Hiển cũng đánh giá, một số loại vắc xin đang sử dụng vẫn thuộc thế hệ cũ như vắc xin ho gà toàn tế bào, vắc xin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng. Điều này phần nào ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng.
Cũng theo ông Đỗ Sỹ Hiển, tỷ lệ phản ứng cao sẽ gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng và làm giảm tỷ lệ tiêm chủng, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, điều mà Bộ Y tế lo lắng nhất là tỷ lệ tiêm ngừa sẽ sụt giảm sau hàng loạt biến cố liên quan đến vắc xin. Tính riêng trong 3 tháng đầu 2013 đã có 14 trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem (có thành phần ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng sau tiêm cao), trong đó 5 trường hợp tử vong. Và chỉ trong 2 ngày (20, 21-7), đã có đến 4 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin ngừa viêm gan B mũi đầu. Đây đều là những chùm tai biến chưa xác định được căn nguyên, ngoại trừ kết luận ban đầu "trẻ sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân", "trẻ đột tử chưa rõ nguyên nhân", làm dư luận bức xúc và thêm hoang mang.
Hiện, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 30% tổng chi cho chương trình tiêm chủng, số còn lại trông đợi vào viện trợ nước ngoài. Để chương trình tiêm chủng chất lượng hơn, ông Đỗ Sỹ Hiển đề xuất, ngân sách tăng cho chương trình lên gấp 2-3 lần so với hiện tại. Hiện, đã có 26 bệnh có vắc xin bảo vệ, nhưng cũng do ngân sách hạn chế, trẻ em mới được sử dụng rộng rãi 9 loại vắc xin. Nếu tài chính tăng thêm, có thể trẻ sẽ được tiêm phòng một số bệnh mới như thủy đậu, rota vi rút, phế cầu; tiêm nhắc bệnh viêm màng não mủ, bạch hầu - ho gà - uốn ván, có lộ trình thay thế vắc xin ho gà toàn tế bào bằng vắc xin ho gà vô bào an toàn hơn…
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong thời điểm này là bảo đảm an toàn tiêm chủng. Vụ tai biến sau tiêm vừa rồi tại Quảng Trị cho thấy việc thực hiện tiêm chủng còn bỏ sót nhiều khâu trong quy trình, còn tình trạng để lẫn vắc xin với các sinh phẩm khác, dẫn đến nguy cơ nhầm vắc xin khi có đông bệnh nhân. Tăng cường chất lượng dịch vụ tiêm chủng là điều người dân đòi hỏi và là việc Bộ Y tế cần làm để tỷ lệ tiêm chủng không giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ em, gây khó cho công tác phòng chống bệnh như đã từng xảy ra.
Ý kiến bạn đọc