Vai trò của gia đình trong điều trị hen phế quản

09:21, 16/10/2012

Hen phế quản (HPQ) trẻ em thường xảy ra với trẻ 2 - 10 tuổi, cơn hen thường xuất hiện từ đêm đến sáng sớm, sau một đợt nhiễm trùng nặng ở đường hô hấp hoặc do bụi, lông súc vật, khói bếp than, khói thuốc lá, phấn hoa, hoạt động gắng sức… Hen thường kèm theo viêm họng, sốt. Thời điểm giao mùa, ở các tỉnh miền Bắc, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn chính là nguyên nhân gia tăng lượng trẻ nhập viện vì hen hoặc lên cơn hen.


Cách nhận biết các thể hen phế quản ở trẻ em

Hen do virut

Cơn hen thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virut hoặc vi khuẩn, khi thay đổi thời tiết trong những đợt chuyển mùa. Trẻ có biểu hiện: cơn khó thở, thở rít. Có tới 1/3 số bệnh nhi này có thể bị hen và thường bị chẩn đoán là viêm phế quản co thắt. Việc chẩn đoán nhầm dẫn tới điều trị không thích hợp thì bệnh nhân dễ chuyển thành thể hen nặng kéo dài hay tái phát gây dị dạng lồng ngực, giảm phát triển cơ thể. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu sau thì cần nghĩ đến hen phế quản: thở khò khè trước 3 tuổi và cha hoặc mẹ bị hen phế quản hoặc bị chàm; tăng bạch cầu ái toan trong máu, khò khè dù không bị cảm lạnh và viêm mũi dị ứng.

Khi bị hen phế quản do virut, trẻ thường có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi.

Hen khởi phát do vận động

Sau khi tập luyện, vui chơi, chạy nhảy, cơ thể trẻ cần nhiều ôxy hơn nên trẻ thở nhanh qua miệng. Đường thở phản ứng lại với không khí khô và lạnh bằng cách co thắt các cơ bao quanh phế quản  làm hẹp đường thở. Những triệu chứng hen do vận động thường là: Khò khè, ho, cảm giác nặng ngực, khó thở.

Các triệu chứng này có thể xảy ra trong hoặc thông thường hơn sau khi vận động và đạt đỉnh  khoảng 5 - 10 phút sau khi ngưng vận động. Nhiều trường hợp triệu chứng tự biến mất trong vòng 20 - 30 phút mà không cần dùng thuốc cắt cơn. Loại hình vận động, thời lượng tập luyện, cường độ tập luyện… là những yếu tố quan trọng góp phần gây kích phát cơn hen. 

Hen dị ứng

Thông thường tác nhân gây ra hen thường do bị dị ứng với bọ mạt, với bụi nhà. Đối với những trường hợp này hen xảy ra quanh năm. Ở một số người khác lại dị ứng với phấn hoa, hen chỉ xảy ra theo mùa. Hen cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với một vài loại hóa chất (SO2, NH3 hoặc một số chất khác trong môi trường sản xuất bột mì, sợi bông…).

Một số loại thức ăn như: bò, gà, trứng gia cầm, tôm, cua, cá biển và sulfite trong thức ăn như đồ khô, cà chua chế biến hoặc các thức ăn đóng hộp khác cũng có thể gây kích hoạt cơn hen suyễn.

 Liều lượng thuốc phải được bác sĩ chỉ định tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ.        Ảnh: H. Lan

Phòng ngừa và kiểm soát cơn hen

Khi lên cơn hen cấp: Cho trẻ ra chỗ thoáng khí, không khí trong lành; cho uống nhiều nước hoặc hít hơi nước làm đờm loãng ra sẽ dễ thở.

Nếu cơn hen nhẹ: Dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như: ventolin, atrovent, bricanyl... Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng khí dung, bình xịt định liều, thuốc dạng viên hoặc siro. Liều lượng thuốc dùng sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ.

Nếu cơn hen nặng: Thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh ventolin khí dung hoặc xịt theo chỉ dẫn của bác sĩ, 3 lần, mỗi lần cách nhau 30 phút, ngoài ra cho trẻ uống thêm corticosteroid với liều 2mg/kg/ngày, sau ăn no, nếu tình trạng không cải thiện, cha mẹ phải cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

Nếu trẻ có kèm theo sốt, cơn hen kéo dài trên 3 ngày, có thể trẻ bị viêm bội nhiễm do vi khuẩn. Trong những trường hợp hen bội nhiễm phải cho trẻ uống kết hợp thêm kháng sinh. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thuốc hít phải dùng qua mặt nạ, hay buồng đệm để có hiệu quả tốt hơn, giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ (lắng đọng thuốc ở họng, miệng).

Cha mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa cơn hen nhưng việc kiểm soát bệnh nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ.

Xây dựng mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân

Bệnh hen tiến triển rất thất thường, một số trường hợp ổn định sau khi trẻ lớn trên 5 - 6 tuổi, nhưng một số khác sau 15 năm lại bị hen lại, thậm chí sau 20 - 30 năm. Nếu bệnh được phát hiện sớm và được quản lý điều trị dự phòng hiệu quả thì sẽ làm giảm đáng kể tần suất hen khi lớn, nhất là các thể hen nặng.

Khi chẩn đoán HPQ nghĩa là bệnh không chữa khỏi được nhưng có thể kiểm soát được.  Tất cả các phương pháp điều trị phải tùy thuộc trên từng trẻ, cha mẹ của trẻ cần phải có sự trao đổi, bàn bạc với thầy thuốc về kế hoạch theo dõi điều trị lâu dài. Nếu có điều kiện, tốt nhất nên thăm khám, điều trị cùng một bác sĩ từ nhỏ cho đến lớn sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, lúc đó bác sĩ sẽ nắm được quy luật, tiến triển của bệnh và cơ địa của từng bệnh nhân để có y lệnh điều trị phù hợp.
 

Vai trò của gia đình trong điều trị HPQ

Gia đình có vai trò quan trọng trong việc điều trị HPQ. Cha mẹ cần biết được diễn biến của bệnh để lập kế hoạch điều trị cụ thể cho trẻ. Hiện nay, nhiều người mới chỉ chú ý đến việc điều trị cắt cơn trong khi nguyên nhân gây bệnh còn là do di truyền, do gen… Chính vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa hô hấp ngay khi trẻ có cơn hen điển hình: bắt đầu với hắt hơi, ngứa mũi, ngứa họng và càng lúc càng khò khè, khó thở, phải ngồi chồm người để thở và vận dụng các cơ hô hấp phụ. Ngoài ra, trẻ bị ho, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần sau khi vận động mạnh, khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn (bụi bặm, khói thuốc, nấm mốc…), khi thay đổi thời tiết…

Tránh những yếu tố làm khởi phát cơn hen, bắt đầu ngay từ trong phòng ngủ của trẻ, không dùng thảm, không nuôi súc vật, không hút thuốc lá, không cho trẻ dùng các đồ chơi làm từ bông, lông, sợi; vệ sinh chăn đệm và phòng ở thường xuyên, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ốm, hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm công nghiệp có các chất bảo quản, hằng năm nên cho trẻ tiêm phòng cúm. Đối với những trẻ bị hen do khí hậu, nếu có thể thì chuyển trẻ đến nơi ở có môi trường khí hậu trong lành hơn.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên hoan tuyên truyền viên Dân số năm 2012
HGĐT- Ngày 27.9, Ban chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức Liên hoan tuyên truyền viên dân số năm 2012. Tham gia Liên hoan có 11 đội với trên 50 thành viên đến từ Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố.
28/09/2012
Quang Bình mít tinh hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống bệnh dại”
HGĐT- Sáng ngày 28.9, tại xã Tân Bắc, UBND huyện Quang Bình đã tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống bệnh dại”. Tham dự có hơn 600 đại biểu các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, các lực lượng vũ trang huyện Quang Bình, nhân dân, học sinh trong khu vực xã Tân Bắc; lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh.
28/09/2012
Hội thảo nâng cao chất lượng hiệu quả công tác truyền thông Dân số - KHHGĐ
HGĐT- Ngày 26.9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở y tế phối hợp tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng hiệu quả công tác truyền thông Dân số - KHHGĐ năm 2012.
26/09/2012
Dự phòng lao cho bệnh nhân HIV/AIDS
HGĐT- HIV tấn công phá huỷ lympho CD4 dẫn đến cơ thể suy giảm sức chống lại sự phát triển của vi khuẩn lao làm cho bệnh Lao tăng tốc phát triển, rút ngắn thời gian chuyển từ nhiễm Lao sang bệnh. Người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh Lao gấp từ 10 đến 30 lần người không nhiễm. Ở người nhiễm HIV, bệnh Lao thường tiến triển nhanh và lan tràn.
25/09/2012