Lùng Giàng A 3 năm liền không có người sinh con thứ 3

16:45, 20/03/2009

HGĐT- Được cán bộ của trạm Y tế xã Phong Quang giới thiệu về thôn Lùng Giàng A của xã 3 năm liền không có người sinh con thứ 3, mặc dù con đường dốc lên thôn khá khó khăn với chừng 5km đường đá, sỏi, chúng tôi đã cố gắng có mặt ở nơi đây.


 
 Chị em phụ nữ thôn Lùng Giàng A thường xuyên học tập, trao đổi kiến thức qua báo chí.

Là thôn có 100% hộ gia đình là dân tộc Dao, thôn Lùng Giàng A thuộc xã Phong Quang (Vị Xuyên) tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua người dân nơi đây luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó đặc biệt là việc thực hiên tốt công tác dân số - KHHGĐ.

Trưởng thôn Lý Văn Sảng cho biết, toàn thôn có 18 hộ với 79 nhân khẩu. Mặc dù đời sống của nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn về đường đi lại, hệ thống kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất, điện thắp sáng, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm đến 50%... nhưng, những năm qua, nhờ việc tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên toàn thôn không còn người sinh con thứ 3. Anh Sảng tâm sự, thực tế quan niệm thích sinh con trai vẫn còn mang nặng trong suy nghĩ của không ít người, nhiều gia đình muốn có một đứa con trai để có thể lo liệu việc gia đình sau này. Vì thế, nhiều năm trước đây có một vài hộ tuy đã có 2 con gái nhưng vẫn cố sinh để có thêm một đứa con trai.


Để giúp các hộ trong thôn hiểu được những hạn chế, khó khăn khi sinh nhiều con, đồng thời có các biện pháp giúp các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ, chị Lý Thị ẳn, cán bộ y tế thôn Lùng Giàng A cho biết, với vai trò là Chi hội Trưởng Hội Phụ nữ của thôn, chị đã thường xuyên tham gia vận động và tư vấn cho chị em tích cực thực hiện các biện pháp tránh thai. Với sự quan tâm, giúp đỡ của trạm Y tế xã, đến nay chị em phụ nữ trong thôn đã tích cực thực hiện các biện pháp tránh thai. Qua đó, toàn thôn có 17 chị em trong độ tuổi sinh đẻ, trừ các trường hợp chưa sinh con hoặc mới sinh 1 con thì đã có 13 chị em tích cực thực hiện các biện pháp tránh thai, trong đó có 2 ca đã thực hiện đình sản. Thông qua các buổi họp thôn hoặc các buổi sinh hoạt Chi hội Phụ nữ… đã lồng ghép việc tuyên truyền thực hiện DS-KHHGĐ cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các cặp vợ chồng. Chị em cũng thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến về việc chăm sóc con cái, đảm bảo cho các cháu được nuỗi dưỡng cũng như tiêm phòng đầy đủ.


Có thể nói, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của bà con ngày càng được nâng lên rõ rệt. Nếu như trước đây có nhiều chị em còn ngại xuống trạm xá mỗi khi sinh nở thì nay cơ bản các ca sinh nở trong thôn đều được đưa xuống trạm Y tế xã. Trưởng thôn Lý Văn Sảng đùa với tôi rằng: “Bây giờ được Nhà nước quan tâm nên trẻ con khi chưa nhìn thấy mẹ đã được… tiêm phòng đầy đủ lắm”. Vì thế, trong nhiều năm qua trong thôn không có trường hợp trẻ em tử vong khi sinh. Thấy được sự đúng đắn của chính sách DS-KHHGĐ nên mình chỉ cần vận động bà con theo cách rất dễ hiểu là: Sinh nhiều thì phải lo nhiều, sinh ít thì cái lo ít. Nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch, mặc dù là một trong những thôn khó khăn nhất của xã, nhưng đến nay, Lùng Giàng A 3 năm liền không có người sinh con thứ 3”. Quan niệm về việc phải sinh bằng được con trai đã dần được thay đổi. Để biết thêm về điều này, chúng tôi đến gia đình chị Lý Thị Quai, là gia đình có 2 con gái nhưng đã dừng lại không sinh thêm con thứ 3. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế của gia đình tương đối ổn định, đồng thời để làm vui lòng gia đình, vợ chồng chị đã bàn nhau không sinh thêm con mà xin một đứa con trai về nuôi.


Nhờ thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ nên các hộ gia đình ở thôn Lùng Giàng A đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. Cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của thôn đã giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2006, toàn thôn còn đến 14 hộ nghèo thì đến năm 2008 đã giảm xuống còn 9 hộ nghèo, thôn có 11 hộ được công nhận là gia đình văn hóa. Để giúp người dân nắm bắt thông tin kịp thời và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có việc thực hiện KHHGĐ và phát triển kinh tế, chị ẳn cũng nêu lên mong muốn của những người dân trong thôn là được các cấp đầu tư đưa điện về thôn, từ đó, giúp người dân có điều kiện được xem ti vi và nghe đài...


Phùng Nguyên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
HGĐT- Trong những năm gần đây, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đáp ứng ngày một cao nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
24/02/2009
Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm gần 20 năm xây dựng và trưởng thành
HGĐT- Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc – Mỹ phẩm – Thực phẩm Hà Giang, tiền thân là Trạm Kiểm nghiệm dược phẩm Hà Giang.
24/02/2009
Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Niềm tin cho người bệnh
HGĐT- Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 6 phòng chức năng, 3 đơn vị hậu cần, 19 khoa lâm sàng và 2 khoa cận lâm sàng, với tổng số 419 cán bộ, trong đó bác sỹ chuyên khoa II mới chỉ có 5 người, bác sỹ chuyên khoa I là 23 người, 6 bác sỹ đã trải qua lớp đào tạo thạc sỹ, 5 dược sỹ đại học và 188 điều dưỡng viên.
23/02/2009
Phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Giang
HGĐT- Tính đến ngày 15.3.2009, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát hiện 975 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong đó 299 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 133 người đã tử vong do AIDS ( số được báo cáo).
20/03/2009