Phòng, chống dịch sốt phát ban dạng sởi tại các địa phương

08:24, 13/02/2009

Năm nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam thời tiết diễn biến bất thường, là điều kiện thuận lợi cho các loại virus và cúm gia cầm phát triển.


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mới đây Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một ca bệnh sởi. Người bệnh đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu và hiện đã xuất viện. Trước tình hình đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các quận, huyện  tăng cường giám sát, phát hiện các ca bệnh sởi, không để bùng phát tại các nơi tập trung đông người như các khu công nghiệp, ký túc xá, nhà trẻ... Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi công văn tới tất cả các cơ sở y tế trong thành phố yêu cầu các ca sốt phát ban đều phải lấy xét nghiệm miễn phí tại Viện Pa-xtơ để nhanh chóng phát hiện khi có bệnh sởi, đồng thời phải điều tra dịch tễ để đánh giá tình hình.

Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Tuyên Quang vừa phát hiện ba bệnh nhân có dấu hiệu bị nhiễm virus sởi như sốt cao, phát ban khắp người, trong đó có một trường hợp là trẻ em. Ðáng chú ý là hai trong số ba trường hợp này có dấu hiệu nhiễm virus sau khi vừa từ tỉnh khác trở về. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tiến hành xác minh, lấy mẫu máu gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm; thực hiện nhiều biện pháp nhằm không để bệnh lây lan thành dịch, như giám sát thường xuyên tại các cơ sở y tế, những nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao;  khuyến cáo những bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, phát ban đến cơ sở y tế để điều trị... Ðược biết, từ tháng 11-2007, Tuyên Quang là một trong số 17 tỉnh miền núi phía bắc triển khai tiêm phòng bệnh sởi cho các đối tượng từ 6 đến 20 tuổi.

Từ ngày 8-2 đến 11-2, Khoa truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La đã tiếp nhận năm trường hợp người lớn bị mắc bệnh sởi với các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản vào điều trị. Những người bệnh này có độ tuổi từ 23 đến 29 và là những bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh sởi đầu tiên ở Sơn La. Theo các y, bác sĩ, bệnh sởi xuất hiện ở các trường hợp này do lây qua nguồn bệnh từ các tỉnh miền xuôi, cả 5 bệnh nhân đều vừa ăn Tết ở các tỉnh dưới xuôi lên Sơn La thì phát bệnh. Những bệnh nhân này từ nhỏ chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.

Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội có 322 người mắc sởi rải rác ở 66 xã, phường, chủ yếu ở lứa tuổi từ 18 đến 26; trong đó 54% là sinh viên. Các bệnh nhân đã và đang được điều trị tích cực tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Viện 103, Bệnh viện Ðống Ða... Hiện dịch vẫn ở quy mô nhỏ, tản phát, phân bố rộng. Ðể ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tăng cường giám sát người bệnh nghi sởi tại các bệnh viện Trung ương, bệnh viện ngành, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn thành phố; lấy đủ mẫu huyết thanh gửi về phòng thí nghiệm sởi - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; tổ chức tập huấn nhanh cho các trung tâm Y tế quận huyện về cách giám sát, phát hiện và lấy mẫu bệnh phẩm. Trung tâm nâng cao chất lượng công tác tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi, kiểm tra công tác an toàn tiêm chủng, bảo quản vắc-xin, nhất là vắc-xin sởi tại 29 quận, huyện và tổ chức điều tra các đối tượng có nguy cơ cao, vùng nguy cơ cao để đề xuất biện pháp phòng bệnh. Các đơn vị y tế quận huyện, phường xã cũng tăng cường giám sát bệnh nhân nghi sởi tại cộng đồng, tập huấn cho cán bộ y tế xã, phường cách phát hiện bệnh, phòng chống lây nhiễm bằng biện pháp cách ly sớm các ca bệnh sởi đúng quy định tại bệnh viện (cách ly trong suốt thời gian viêm long cho tới ít nhất bốn ngày sau khi phát ban). Các bệnh viện trong và ngoài công lập tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị và cách ly người bệnh nghi sởi tại bệnh viện, tránh lây lan ra cộng đồng.

Khoa truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận 33 ca bệnh sốt phát ban dạng sởi. Chỉ riêng ngày 11-2 đã có năm ca nhập viện với các triệu chứng sốt cao đột ngột, viêm họng, ho, phát ban toàn thân... Bác sĩ Nguyễn Ngọc Xuân, Trưởng khoa truyền nhiễm của bệnh viện cho biết: Phần lớn người bệnh có độ tuổi từ 18 đến 30; địa phương có số người bệnh đông nhất vẫn là TP Bắc Ninh. Một số người bệnh là học sinh, sinh viên có thời gian lưu trú tại Hà Nội về quê ăn Tết. Nhằm tránh dịch bùng phát, tất cả số người bệnh trên đều được thực hiện các biện pháp cách ly như đeo khẩu trang, điều trị ở những khu buồng bệnh riêng có xịt thuốc khử trùng... Hiện chưa có người bệnh biến chứng nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Ðến ngày 11-2 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã phát hiện 39 bệnh nhân bị mắc bệnh sởi, tập trung ở huyện Tân Lạc (34 người) và TP Hòa Bình (năm người). Trường hợp đầu tiên được phát hiện mắc bệnh sởi vào ngày 23-12-2008 là anh Bùi Văn Bắc (20 tuổi) ở xóm Biệng, xã  Quyết Chiến, huyện Tân Lạc. Trong số những người mắc bệnh sởi có hai trẻ bốn tuổi; một trẻ sáu tuổi; số còn lại đều trong độ tuổi từ 19 đến 37. Các trường hợp mắc bệnh sởi đều đã được tiêm chủng. Tại các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn, Cao Phong và Lạc Sơn có 15 trường hợp sốt phát ban nghi sởi nhưng chưa có danh sách điều tra cụ thể. Tuy nhiên đến nay chỉ có huyện Cao Phong lấy mẫu gửi Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để xét nghiệm. Hiện Trung tâm y tế các huyện, thành phố trong tỉnh  tiến hành các biện pháp chống dịch như cách ly, điều trị người bệnh; xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan; tư vấn hướng dẫn chế độ ăn, sử dụng thuốc và chế độ vệ sinh; tổ chức tuyên truyền dấu hiệu bệnh và các biện pháp dự phòng. Ðồng thời, xử lý khử khuẩn môi trường tại gia đình có người mắc bệnh, giám sát và báo cáo dịch hằng ngày.

Ngày 12-2, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Phạm Hồng Phương cho biết: Mặc dù ở địa phương chưa phát hiện có người bệnh sốt phát ban dạng sởi nhưng trước tình hình dịch diễn biến phức tạp tại một số tỉnh phía bắc, ngành Y tế đang khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch sởi ở người lớn, nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, không để lây lan. Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác giám sát các ca bệnh sởi thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt chú ý số người bệnh có sốt, phát ban dạng sởi từ 15 tuổi trở lên, để lấy máu xét nghiệm Mac-Elisa IgM nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, xử lý triệt để tránh lây lan. Các bệnh viện và cơ sở y tế tuyến huyện chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, đầy đủ các cơ số thuốc, trang thiết bị để tiếp nhận những trường hợp sốt phát ban dạng sởi ở người lớn để điều trị, nhất là những trường hợp viêm não do sởi.

Ðến ngày 12-2, Bắc Giang có 35 người bị sốt phát ban dạng sởi (sốt cao, phát ban, viêm họng...) ở bảy huyện, thành phố trong tỉnh, tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm cách đây một tuần. Trong số người mắc bệnh này, có hai người bệnh từ bốn tháng tuổi đến dưới một tuổi, còn lại tập trung ở lứa tưổi từ 18 trở lên, chủ yếu là những người chưa tiêm phòng sởi lần nào và chưa bị sởi bao giờ; có 17 trường hợp được điều trị, theo dõi tại bệnh viện đa khoa tỉnh và đã có mười người khỏi bệnh, chưa có bệnh nhân nào biến chứng phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Ngành y tế tỉnh đã lấy 16 mẫu bệnh phẩm gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và đã có một mẫu dương tính với bệnh sởi. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đang tập trung giám sát nhằm phát hiện sớm bệnh trong cộng đồng và nâng cao thể trạng cho người bệnh, hạn chế biến chứng của bệnh.

Vĩnh Phúc có hơn 120 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi và một trường hợp có kết quả dương tính với virus sởi. Do đã đề phòng sớm, điều trị tích cực cho  nên  có 77 trường hợp khỏi bệnh, diện lây lan giảm hẳn. Bệnh xảy ra ở 7/8 huyện, thành phố, thị xã. Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) nhanh chóng có mặt tại các địa bàn phát bệnh kiểm tra, hướng dẫn phương pháp phòng tránh và lấy 54 mẫu bệnh phẩm đưa về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm nhưng chưa có kết quả. Hiện chưa có trường hợp nào bị ác tính. Tuy chưa có thuốc đặc trị chống virus loại bệnh này nhưng các Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã đã tích cực điều trị theo chế độ ngăn chặn, chống sốt cao, tăng cường thể lực cho nên chưa có trường hợp nào bị biến chứng. Ngành y tế nhanh chóng cử các đội lưu động về các địa phương phối hợp với các đội YTDP các huyện, xã làm công tác phong trào phổ biến, vận động nhân dân cùng tham gia phòng bệnh, nhất là các vùng đã có người mắc bệnh, không để lây lan thành dịch.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

10 phát minh và ứng dụng thành công nhất trong lĩnh vực y học thế giới 2008
1. Kỹ thuật mới khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn tim hiến tặng Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 22 triệu người mắc bệnh tim, tim bị suy yếu không hoạt động được, các loại thuốc mới chỉ giúp được một phần nhỏ nỗi cực nhọc cho nhóm người này.
31/12/2008
Chăm sóc người cao tuổi theo y học hiện đại
Người cao tuổi (NCT) thường ốm đau do nhiều bệnh, cần uống nhiều thuốc. Thế giới đã đúc kết kinh nghiệm chăm sóc bồi dưỡng và sử dụng thuốc cho các cụ. Bài báo này tóm tắt kinh nghiệm tốt ở nước ngoài để nghiên cứu áp dụng.
29/12/2008
Công tác Dân số - KHHGĐ, kết quả và thách thức
HGĐT- Công tác dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội, góp phần quyết định để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
24/12/2008
Ngộ độc arsenic trong nước - Vấn đề cần được quan tâm
Ngộ độc arsenic có thể cấp hay mạn nhưng thường chủ yếu là ngộ độc mạn do dùng nước. Vì vậy, để phòng tránh sự nhiễm độc này cần có các biện pháp chủ động và ngăn chặn thích hợp.
22/12/2008