Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Niềm tin cho người bệnh
HGĐT- Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 6 phòng chức năng, 3 đơn vị hậu cần, 19 khoa lâm sàng và 2 khoa cận lâm sàng, với tổng số 419 cán bộ, trong đó bác sỹ chuyên khoa II mới chỉ có 5 người, bác sỹ chuyên khoa I là 23 người, 6 bác sỹ đã trải qua lớp đào tạo thạc sỹ, 5 dược sỹ đại học và 188 điều dưỡng viên.
Một ca cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: P.V |
Quy mô của bệnh viện là 350 giường bệnh, tập thể đội ngũ thầy thuốc nơi đây đề ra hướng phấn đấu tới năm 2010 sẽ tăng quy mô lên 500 giường bệnh và năm 2020 là 600 giường. Trong năm 2008, bệnh viện tỉnh đã khám cho trên một trăm nghìn lượt người bệnh. Trong đó, điều trị nội trú được gần hai mươi nghìn lượt người, với hàng nghìn ca phẫu thuật, ca cấp cứu khó được tiến hành thành công, đem lại niềm tin, sự sống cho người bệnh và gia đình họ.
Nhưng thực tế cho thấy, những ca bệnh khó nằm ngoài khả năng điều trị của tuyến tỉnh phải chuyển lên tuyến trên, thì mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, một bệnh tật khác nhau. Người có điều kiện về kinh tế thì vẫn phải trải qua một chặng đường gần chục giờ đồng hồ chịu đớn đau trên xe cứu thương mới về được đến tuyến Trung ương điều trị. Người bệnh quá nặng thì quãng thời gian đó là rào cản chính để không có cơ hội chữa trị kịp thời mà hậu quả để lại có khi là các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Còn đồng bào nghèo đến từ các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh phải chuyển tuyến thì họ lại không có điều kiện kinh tế, đành ngậm ngùi phó mặc tính mạng cho sự may rủi của số phận. Từ đó, Ban giám đốc Bệnh viện trăn trở, họp bàn nghiên cứu tìm ra những phương thức mới nhằm khắc phục khó khăn để làm sao những người dân Hà Giang không có điều kiện về tuyến Trung ương khám, chữa bệnh thì vẫn có thể hưởng những dịch vụ chăm sóc tốt nhất ngay tại tỉnh nhà, vừa giảm được chi phí khám, chữa bệnh, vừa có nhiều cơ hội được cứu sống hơn do rút ngắn được thời gian chuyển tuyến. Không phụ lòng mong mỏi của bệnh nhân, trong những năm qua, hàng loạt đề tài ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại được đưa vào triển khai tại tỉnh nhà. Điển hình như phẫu thuật nội soi, với trên 800 ca thành công, 1.800 lượt bệnh nhân được chạy thận nhân tạo, mổ mắt bằng phương pháp Phaco được trên 200 ca, chụp CT - Scaner cho trên 3.000 lượt người, trên 10.000 lượt người được áp dụng kỹ thuật siêu âm màu, hàng trăm trẻ sinh non được cấp cứu kịp thời. Trong đó, đáng chú ý nhất là những ca phẫu thuật khó như: Cắt phân thuỳ gan, cắt đại tràng một thì, nối mật ruột, cắt khối tá tuỵ, nuôi trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 2 kg... Tất cả những kỹ thuật mới đó đều thành công ngoài sự mong đợi của cả người bệnh và đội ngũ y, bác sỹ, cứu sống hàng trăm người bệnh trong cơn nguy kịch trở về với cuộc sống hàng ngày.
Song song với công tác khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn làm tốt công tác chỉ đạo tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao lòng tin, giảm chi phí cho người bệnh nghèo và nâng cao tay nghề cho mạng lưới y tế cơ sở. Qua đó, tiếp nhận, chuyển giao và tranh thủ học hỏi những kỹ thuật mới từ đội ngũ bác sỹ có tay nghề cao. Trong năm qua, Bệnh viện đã tiếp nhận sự hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến Trung ương, như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Viện các Bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia và Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương. Bằng phương pháp cầm tay chỉ việc và sự cần cù, chăm chỉ, quyết tâm học hỏi cao, đội ngũ y, bác sỹ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhà đã nhận chuyển giao được những kỹ thuật hiện đại như: Mổ thoát vị đốt sống L4-5, phẫu thuật nối dây thần kinh, kéo dài gân Asin. Bên cạnh đó, Ban giám đốc Bệnh viện còn thường xuyên cử các bác sỹ có trình độ chuyên môn giỏi về tăng cường hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến huyện và tham gia hướng dẫn đào tạo chuyên môn về hồi sức cấp cứu, sử dụng khí dung trong điều trị viêm phổi, sử dụng thuốc vận mạch trong cấp cứu, tham gia khám, chữa bệnh, mổ cấp cứu và mổ phiên tại bệnh viện huyện... Đây là công tác tích cực nhằm hỗ trợ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, gây dựng lòng tin cho bệnh nhân ngay từ tuyến cơ sở.
Ngoài ra, Bệnh viện thường xuyên tổ chức các đợt thi đua nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giúp đỡ người nghèo như: Phong trào hiến máu nhân đạo, quyên góp ủng hộ bếp ăn tình thương, ủng hộ đồng bào lũ lụt với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Điều đó cho thấy những người thầy thuốc nơi đây không chỉ ngày đêm lo lắng, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mà họ còn thực sự sống cuộc sống của bệnh nhân, lo lắng cho người bệnh, lo từ giải pháp chữa bệnh đúng đắn, đơn thuốc điều trị đặc hiệu, cử chỉ chăm sóc nhẹ nhàng đến bữa ăn, giọt máu quý giá cứu sống người bệnh. Để người bệnh thực sự được giúp đỡ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Năm 2009, với tinh thần cầu thị vươn lên, nguyện cống hiến hết mình vì công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân của tập thể thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người dân Hà Giang đã và đang đặt vào họ niềm tin yêu, sự chờ đợi, kỳ vọng sẽ được những người thầy thuốc có đủ Tài và Đức chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình, gia đình và cộng đồng các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc