Ngộ độc arsenic trong nước - Vấn đề cần được quan tâm

13:40, 22/12/2008

Ngộ độc arsenic có thể cấp hay mạn nhưng thường chủ yếu là ngộ độc mạn do dùng nước. Vì vậy, để phòng tránh sự nhiễm độc này cần có các biện pháp chủ động và ngăn chặn thích hợp.


Arsenic vốn có sẵn trong thiên nhiên: đất đá, không khí, trầm tích lâu ngày và đi vào mạch nước ngầm (ở các giếng khoan sâu). Arsenic còn có trong các hợp kim chế tạo đài bán dẫn, máy laser, trong sản xuất kính, vải, hồ dán kim loại, chất bảo quản gỗ, vũ khí. Một số ít có trong thuốc trừ sâu, trong phụ gia chế biến thức ăn gia súc. Khi các vật này bị thải loại, môi trường bị ô nhiễm, arsenic có thể có ở những mạch nước nông hơn (nước giếng, ao, hồ). Arsenic trong mạch nước ngầm chủ yếu gây ngộ độc mạn do dùng lâu dài nước có arsenic vượt tiêu chuẩn.

Nước giếng khoan dễ nhiễm arsenic.
 

Ngộ độc arsenic mạn diễn ra từ từ, ít nhất là sau 4-5 năm dùng nước có nồng độ arsenic vượt quy định. Trên da có các đốm sẫm màu ở đầu chi, niêm mạc lưỡi, hay ở các vị trí khác, bị sừng hoá da (thường thấy ở bàn tay, bàn chân), có khối u da, có các mảng đen trên da, sạm da, viêm da kiểu eczema, một phần da bị đỏ ửng, sau đó chảy nước, lở loét ; tóc rụng ; phù mi mắt, viêm kết mạc; đau cơ âm ỉ ; đau tai; đau răng; hồng cầu và bạch cầu bị giảm, mạch máu bị thương tổn, rối loạn nhịp tim; trí nhớ giảm; buồn nôn, đôi khi rối loạn tiêu hoá nhẹ; sút cân, mệt mỏi, suy nhược toàn thân; đôi khi có khối u ở gan phổi, xơ gan; gây ung thư (cứ 10.000 người dùng nước có nồng độ arsenic cao hơn quy định của WHO thì có 6 người bị ung thư). Arsenic cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Biểu hiện ban đầu tập trung trên da, nên thường hay bị nhầm là bị bệnh da liễu thông thường.

Arsenic (dưới dạng oxit) tan chậm trong nước lạnh, tan nhanh trong nước nóng không màu, không mùi, không gây ra cảm giác khó chịu nào (ngay ở liều gây độc) nên còn được gọi là “sát thủ vô hình”.

Thực trạng nhiễm arsenic từ nước

Lâu nay người ta thường chú ý nhiều đến chỉ tiêu nhiễm khuẩn (chỉ số E. coli), tiêu chuẩn nhiễm bẩn (chỉ số chất hữu cơ), chỉ tiêu nhiễm kim loại nặng (chỉ số kim loại toàn phần) trong nước mà chưa chú ý đến chỉ tiêu nhiễm arsenic. Theo báo cáo chưa đầy đủ của Chương trình nước sạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có 10-15 triệu dân nước ta dùng nước mạch ngầm (giếng khoan), cần được chú ý đặc biệt, nhưng cũng không nên bỏ qua số người dùng các nguồn nước nông hơn (ở trong vùng môi trường bị ô nhiễm arsenic). Theo quy định của WHO, nồng độ arsenic trong nước là 0,01mg/lít, của Việt Nam là 0,05mg/lít. Qua kiểm tra 1 triệu giếng khoan của chương trình này cho thấy: tỷ lệ nhiễm arsenic lên đến 26%- 46% (tuỳ vùng) có nồng độ arsenic cao gấp 20-50 lần tiêu chuẩn của WHO, bao gồm không chỉ ở vùng trung du (khoan sâu) mà cả ở vùng thành phố, đồng bằng (khoan nông hơn) như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nam, Hà Tây, Hưng Yên, Nam Định, An Giang, Đồng Tháp. Tuy nhiên khi thực hiện chương trình khoan giếng, chính chúng ta lại không nhớ đến cảnh báo này (!). Cần đánh giá lại chính xác tình trạng nước nhiễm arsenic, có khuyến nghị cách giải quyết thích hợp.

Và biện pháp phòng ngừa

Biện pháp chủ động

Chỉ khoan lấy nước ngầm ở những vùng thật sự cần thiết (khi không thể có nguồn nước từ khe suối dẫn về, không thể đào giếng như vùng trung du). Hiện nay nhiều gia đình ở vùng đồng bằng có thể đào được giếng nhưng vẫn thích khoan vì tưởng nước mạch ngầm sạch hơn và tiện hơn (do giá rẻ, ít chiếm diện tích, bơm thẳng nước lên cao).

Khi khoan lấy nước mạch ngầm cho một vùng cần phải thăm dò. Nếu khoan ở độ sâu 30-150m thì hàm lượng arsenic rất cao (3,2mg/lít), nếu khoan ở độ sâu từ 150-200 m thì hàm lượng arsenic thấp ( 0,005 mg/lít). Độ sâu an toàn này có thể thay đổi theo vùng. Hiện nay các nơi làm dịch vụ khoan giếng ít khi thăm dò, thường khoan theo đơn đặt hàng và khoan ở độ sâu 50-100m (ở độ sâu này đã có nước và đỡ tốn tiền) nên nước khoan thường chứa nhiều arsenic.

Biện pháp ngăn chặn

Người dân cần nhận biết được các biểu hiện nhiễm độc thông thường do arsenic gây ra (như các biểu hiện trên da) để chính họ tự phát hiện ra khi mình đã bị nhiễm độc. Ở nơi có nước nhiễm arsenic (và sắt) cần xây bể lọc thủ công: Bơm nước lên một máng, hay ống nhựa có khoan lỗ nhỏ (đường kính 1,5-2mm). Nước theo lỗ nhỏ rơi xuống như mưa, sẽ làm cho arsenic (và sắt) bị không khí, ánh sáng oxy hoá. Sau đó cho nước này đi qua một bể lọc có 2 ngăn. Ngăn lọc chứa than hoạt, sét, cát, sỏi và một ngăn sạch chứa nước đã lọc. Hai ngăn được thông với nhau. Arsenic (và sắt) sẽ bám lại tại các lớp lọc, nước sạch sẽ đi vào ngăn sạch qua lỗ thông của hai ngăn này. Sáu tháng nên thay vật liệu lọc một lần. Nước qua bể lọc không còn hay chỉ còn arsenic (và sắt) ở mức thấp hơn quy định chuẩn. Chi phí một bể lọc thủ công chỉ trên dưới 1 triệu đồng.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xử lý chất thải y tế tại các Bệnh viện thực trạng và giải pháp
HGĐT- Rác thải y tế là một trong những chất thải nguy hại vào bậc nhất, nhưng số lượng các bệnh viện trên địa bàn tỉnh ta có hệ thống xử lý loại rác này rất hiếm hoi. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh mới có 3/13 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế. Đây thực sự là mối quan tâm, lo lắng không chỉ với ngành Y tế mà cả với người dân sống quanh khu vực bệnh viện.
31/10/2008
Nhiệt độ thấp nhất tại miền Bắc xuống 2 độ C
Không khí lạnh tăng cường khá mạnh đã kéo nhiệt độ miền Bắc xuống thấp nhất từ đầu mùa đông đến nay. Đêm qua, tại Sìn Hồ (Lai Châu) chỉ còn 2 độ C, Sapa (Lào Cai) 5 độ C, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu 7 độ C.
28/11/2008
Ra mắt Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
HGĐT- Ngày 21.11, Sở Y tế tổ chức Lễ ra mắt Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Văn phòng Sở Y tế và lãnh đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh.
27/11/2008
Tập huấn an toàn bức xạ trong y tế
HGĐT- Trong 3 ngày từ 20 - 22/11, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, mở lớp tập huấn an toàn bức xạ trong Y tế cho các học viên là cán bộ quản lý, người phụ trách an toàn bức xạ và nhân viên bức xạ của các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Lớp tập huấn được giảng viên Cục An toàn bức xạ và hạt nhân giảng dạy.
26/11/2008