Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26.12

Công tác Dân số - KHHGĐ, kết quả và thách thức

16:56, 24/12/2008

HGĐT- Công tác dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội, góp phần quyết định để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


 
 Hoàng Thị Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh

Thực hiện đồng bộ, từng bước và có trọng điểm việc điều hoà quan hệ giữa số lượng với chất lượng dân số, giữa phát triển dân số với phát triển nguồn nhân lực, giữa phân bổ và di chuyển dân cư với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số; tập trung ưu tiên cho các vùng khó khăn có mức sinh cao, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa để giải quyết các vấn đề dân số và nâng cao mức sống nhân dân. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp và rõ rệt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về dân số và phát triển, kết hợp với việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tăng cường vai trò của gia đình và thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực SKSS /KHHGĐ là các giải pháp cơ bản để bảo đảm tính bền vững của Chương trình dân số và phát triển. Xuất phát từ những quan điểm trên, bước vào năm 2008 là năm đầu tiên công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) được bàn giao cho ngành Y tế quản lý theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chính vì vậy việc chuyển chức năng, nhiệm vụ về công tác DS - KHHGĐ sang ngành Y tế đã tạo thuận lợi trong việc gắn kết công tác truyền thông, giáo dục với việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và huy động toàn ngành Y tế tham gia thực hiện công tác DS - KHHGĐ.


Ở Hà Giang, công tác DS - KHHGĐ đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho công tác DS- KHHGĐ ngày một phát triển và đi sâu vào đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Có thể nói trong những năm qua, hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn và từng bước được hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như phương thức hoạt động. Cơ quan DS - KHHGĐ các cấp đã thực sự trở thành một tổ chức tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền về công tác DS - KHHGĐ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ trong toàn hệ thống được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, mạng lưới cộng tác viên dân số được bố trí đến tận thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư. Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 141.516 hộ với dân số trung bình 708.168 người. Tổng số sinh năm 2008 đạt 14.616 trẻ, trong đó số sinh là con thứ 3 trở lên 2.041 trẻ, chiếm 13,83%, tăng 1,37% so với cùng kỳ năm 2007; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh là 1,486%.


Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được mở rộng và đẩy mạnh, qua đó đã huy động được đông đảo các lực lượng xã hội và cá nhân tham gia vào tuyên truyền, vận động về DS - KHHGĐ dưới nhiều hình thức, như truyền thông đại chúng (tuyên truyền trên Đài PTTH tỉnh, huyện, trên Báo Hà Giang), truyền thông trực tiếp của đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, cán bộ y tế và cộng tác viên dân số. Các mô hình truyền thông DS - KHHGĐ đã được xây dựng và tiếp cận với từng nhóm đối tượng, tổ chức truyền thông lồng ghép với các nội dung về chăm sóc SKSS/KHHGĐ và kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình cho 96 nhóm tín dụng, tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Tổ chức triển khai 2 đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dich vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các xã (vùng) có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao và vùng khó khăn, chiếu phim Video, tư vấn trực tiếp về các gói dịch vụ được cung cấp và thực hiện trong chiến dịch. Kết quả cung cấp gói dịch vụ KHHGĐ đạt 74,2%, gói dịch vụ viêm nhiễm đường sinh sản đạt 130%. BCĐ chiến dịch của tỉnh, huyện tổ chức triển khai kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và thực hiện chiến dịch tại 136 xã để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong qúa trình thực hiện. Đối với việc nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, vận động đối tượng tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai; cung cấp các dịch vụ kịp thời và có chất lượng, đảm bảo kỹ thuật cho đối tượng tại cơ sở, kết quả số người áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 106% kế hoạch. Trong việc nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện chương trình DS - KHHGĐ, đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên dân sốtại huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Minh; tổ chức đánh giá 1 năm thử nghiệm việc đưa chính sách DS - KHHGĐ vào hương ước, quy ước của bản, làng tại 4 xã của huyện Mèo Vạc và thị xã Hà Giang; xây dựng kế hoạch bổ sung việc đưa chính sách DS - KHHGĐ vào hương ước, quy ước của bản, làng giai đoạn khởi động, triển khai thực hiện năm 2008 tại 9 huyện còn lại, mỗi huyện 1 xã; tiếp nhận, bảo quản và phân phối các phương tiện tránh thai nhận từ Trung ương cấp phát cho các huyện, thị kịp thời.


Việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng về sự đa dạng, thuận tiện và an toàn. Hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ công cộng được củng cố và phát triển ở các cấp, BVĐK tỉnh, Trung tâm CSSK, Trung tâm Y tế dự phòng huyện, Phòng khám khu vực và trạm Y tế xã. Theo đó, các nhu cầu cơ bản về dịch vụ KHHGĐ đã được đáp ứng. Hệ thống y tế tư nhân được phát triển rộng khắp góp phần đưa dịch vụ KHHGĐ đến tận người sử dụng. Chính sách khuyến khích lợi ích trực tiếp cho những người chấp nhận KHHGĐ và những người cung cấp dịch vụ KHHGĐ; các chế độ bồi dưỡng, khuyến khích đối với các cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ đã thúc đẩy sự tham gia tích cực của nhân dân vào Chương trình DS - KHHGĐ.


Đạt được kết qủa trên là do có sự nỗ lực, cố gắng của tập thể, cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ cũng như sự nhận thức của đông đảo bà con nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh về công tác DS - KHHGĐ. Tuy nhiên, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh ta trong thời gian tới cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Tiềm năng gia tăng dân số còn lớn, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang có chiều hướng gia tăng; phong tục tập quán lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại tác động không nhỏ đến việc thực hiện chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Khoảng cách phát triển, chất lượng dân số, trình độ dân trí giữa các vùng còn chênh lệch; một số dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, không có điều kiện tiếp cận với chương trình dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Cơ cấu dân số trẻ, hàng năm số người bước vào độ tuổi sinh đẻ cao. Hệ thống tổ chức bộ máy nhất là tuyến cơ sở chưa đáp ứng được theo Thông tư 05/TT - Bộ Y tế, coi cán bộ chuyên trách DS- KHHGĐ được bố trí như một viên chức tại Trạm y tế. Là đơn vị tuyên truyền, vận động xã hội đa ngành, đa lĩnh vực, nay chuyển đổi về hoạt động theo chuyên ngành, do đó cơ chế phối hợp còn gặp nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn, thách thức đó, để công tác DS- KHHGĐ thực sự đạt hiệu quả và chính sách về DS - KHHGĐ thực sự đi sâu vào lòng dân, trong thời gian tới cần tăng cường sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đồng thời thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân số theo chương trình mục tiêu, phát huy cao nhất sự hợp tác tích cực giữa các cơ quan Nhà nước và tổ chức tham gia công tác dân số; tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ đảm bảo điều kiện triển khai mạnh và đồng bộ các hoạt động về DS - KHHGĐ, đạt và cố gắng vượt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ sinh và các chỉ tiêu về KHHGĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao và nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Chú trọng các loại hình tư vấn, đối thoại, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; tăng cường và nâng cao hiệu quả các mô hình can thiệp truyền thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và những nơi nhận thức của người dân còn hạn chế thông qua việc xây dựng các tài liệu và thông điệp truyền thông phù hợp; tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ, lồng ghép với hoạt động của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội; phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện chiến dịch tuyên truyền, vận động, tư vấn với việc cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ có chất lượng. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng và xử lý vi phạm chính sách DS - KHHGĐ; có chính sách hỗ trợ kinh phí thù lao cho cán bộ dân số xã và cộng tác viên thôn bản, động viên đội ngũ này nhiệt tình tham gia, triển khai các hoạt động cho công tác DS - KHHGĐ tại cơ sở...


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiệt độ thấp nhất tại miền Bắc xuống 2 độ C
Không khí lạnh tăng cường khá mạnh đã kéo nhiệt độ miền Bắc xuống thấp nhất từ đầu mùa đông đến nay. Đêm qua, tại Sìn Hồ (Lai Châu) chỉ còn 2 độ C, Sapa (Lào Cai) 5 độ C, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu 7 độ C.
28/11/2008
Ra mắt Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
HGĐT- Ngày 21.11, Sở Y tế tổ chức Lễ ra mắt Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Văn phòng Sở Y tế và lãnh đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh.
27/11/2008
Tập huấn an toàn bức xạ trong y tế
HGĐT- Trong 3 ngày từ 20 - 22/11, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, mở lớp tập huấn an toàn bức xạ trong Y tế cho các học viên là cán bộ quản lý, người phụ trách an toàn bức xạ và nhân viên bức xạ của các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Lớp tập huấn được giảng viên Cục An toàn bức xạ và hạt nhân giảng dạy.
26/11/2008
Ngộ độc arsenic trong nước - Vấn đề cần được quan tâm
Ngộ độc arsenic có thể cấp hay mạn nhưng thường chủ yếu là ngộ độc mạn do dùng nước. Vì vậy, để phòng tránh sự nhiễm độc này cần có các biện pháp chủ động và ngăn chặn thích hợp.
22/12/2008