10 phát minh và ứng dụng thành công nhất trong lĩnh vực y học thế giới 2008

07:58, 31/12/2008

1. Kỹ thuật mới khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn tim hiến tặng
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 22 triệu người mắc bệnh tim, tim bị suy yếu không hoạt động được, các loại thuốc mới chỉ giúp được một phần nhỏ nỗi cực nhọc cho nhóm người này.


Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn tim hiến tặng, các chuyên gia ở Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) đã phát minh ra một phương pháp mới tạo ra những quả tim được sắp xếp lại tế bào (Recellucarized heart), có nghĩa là sử dụng tim hiến tặng lấy các tế bào ra, sau đó đưa các tế bào tim của người bệnh vào. Nó không chỉ khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn tim hiến tặng, mà còn khắc phục tình trạng đào thải của chính cơ thể bệnh nhân. Dự án trên đã được thử nghiệm và ứng dụng thành công trên chuột và trên người.

2. Ra đời kính hiển vi tế bào

CellSeope là sản phẩm mới nhất do các chuyên gia Đại học California Berkeley Hoa Kỳ phát minh có nhiều tính năng ưu việt, sử dụng công nghệ Bluetooth, wifi và mạng điện thoại, trông giống như một chiếc điện thoại di động có khả năng phóng 50 x 60, rất tiện lợi cho các nhân viên y tế, bệnh viện hoặc các cơ sở chữa bệnh dùng để phân tích đánh giá các loại bệnh về máu và da do ký sinh trùng gây ra, nhất là ký sinh trùng sốt rét. Đây thực chất là một thiết bị truyền thông có gắn camera phone rất hữu ích, chụp và truyền hình ảnh dữ liệu tới cho trung tâm để phân tích. Rất phù hợp dùng cho những vùng bệnh sốt rét đang phát triển mạnh như ở châu Phi và các nước châu Á. Tương lai sẽ được người ta cải tiến dùng tại gia cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là để đếm số lượng các tế bào máu trắng.

3. Hệ thống Lab nha khoa siêu nhạy

Hệ thống Lab nha khoa có tên là Sensable Dental Lab System (SDLS) là sản phẩm độc đáo nhất ra đời năm 2008 của hãng Sensable (Hoa Kỳ). Đây là hệ thống phản hồi xúc giác đầu tiên do con người chế tạo, dùng cho lĩnh vực điều trị bệnh răng lợi. SDLS sử dụng bút xúc tác để kích thích cảm giác của người bệnh, sau đó người ta sẽ dùng máy in 3 chiều (3-D) tạo ra một hàm răng mẫu y như thật, để sản xuất ra những hàm răng phù hợp với yêu cầu của con người, giảm được một nửa thời gian so với phương pháp quy ước. Quy trình này tạo ra những hàm răng nhân tạo nói trên bao gồm có 3 công đoạn: một là sử dụng máy quét 3 chiều (3D Scanner) tạo ra hàm răng số bằng nhựa plastic; hai là tạo khuôn 3 chiều và sử dụng hệ thiết kế, trong kỹ thuật này người ta sử dụng phần mềm để thiết kế hàm răng bằng sáp, có độ chính xác cao; ba là sử dụng máy in nhựa 3 chiều (3D Resin Printer) được dựa vào mẫu sáp hoàn thiện trên máy tính và in ra mẫu sản phẩm cuối có chất lượng giống y hàm răng sinh học của con người.

4. Ra đời máy quét có tốc độ nhanh nhất thế giới

AquilionONE là sản phẩm máy quét (Scaner) dùng cho y học có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay do hãng Toshiba của Nhật chế tạo. Chiếc máy đầu tiên đang được sử dụng tại Trung tâm Y học Beth Israel Deaconess ở Boston (Hoa Kỳ). Máy có thể quét được các bộ phận nội tạng, các vật liệu tắc trong thành mạch máu, khối u siêu nhỏ và ưu việt hơn là có tốc độ chẩn đoán cực nhanh, sử dụng ít hơn tới 80% các tia X so với các loại máy quét CT truyền thống. Đây là loại máy hiện đại có độ phân giải 320, thậm chí có thể ghi lại được toàn bộ cả một quá trình nhịp đập của tim.

5. Viên thuốc camera

Các chuyên gia Viện Kỹ thuật y sinh Fraunhofer (IBMT) của Đức mới đây đã nghiên cứu cho ra đời một sản phẩm độc đáo viên thuốc camera (Camera Pill). Đây thực chất là một viên thuốc có chứa một camera nhỏ xíu đã được cải tiến, giúp bác sĩ có thể khám phá được những “địa danh” cụ thể trong cơ thể con người, nó có thể “dừng và tìm đến đúng” vị trí ấn định, chụp được những bức ảnh bên trong thành ruột giúp chẩn đoán nhanh những nguy cơ mắc bệnh. Cấu trúc chính của viên thuốc camera bao gồm một camera, một thiết bị biến đưa có nhiệm vụ truyền tín hiệu tới cho nơi nhận, một nguồn pin và nhiều diodes phát sóng lạnh có nhiệm vụ phát ra tín hiệu ánh sáng khi máy ghi hình các vị trí đã phát hiện được, khác với nguyên lý sử dụng từ tính của các loại thuốc ghi hình đã có trước đây.

 

6. Sinh sản trong ống nghiệm nhưng không cần đến ống nghiệm

Một công cụ y học đặc biệt có tên là con nhộng INVOcell do công ty BioXcell của Hoa Kỳ sản xuất được xem là phát minh tiêu biểu trong năm. Viên nhộng này cho phép quá trình thụ tinh nhân tạo xảy ra ngay trong cơ thể người phụ nữ chứ không phải trong phòng thí nghiệm Lab. Trong kỹ thuật này, trứng và tinh trùng được kết hợp với nhau ngay trong nhộng INVOcell, sau đó cài vào cơ thể người mẹ trong thời gian 3 ngày, để làm nhiệm vụ “ấp” khi thụ thai và giúp phôi thai phát triển trong những ngày đầu. Đây là phương pháp thụ thai không thâm nhập, an toàn, đơn giản và dễ thực hiện hơn so với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mà con người hiện nay đang áp dụng.

 Thụ tinh trong ống nghiệm sẽ không cần tới ống nghiệm.

7. Ra đời loại mũ bảo hiểm bảo vệ đầu và cột sống

Pro-Neck-Tor (PNT) là sản phẩm y học độc đáo, do các chuyên gia Đại học British Columbia thiết kế dùng cho việc bảo vệ đầu và cột sống của con người, đặc biệt là cho các vận động viên thể thao trong trường hợp bị va đập. Theo đó, nếu bị va đập mạnh thì mũ sẽ có nhiệm vụ “phong bế” lực tác động gây ảnh hưởng đến đầu và cột sống. Mũ PNT thiết kế đặc biệt, có khả năng làm giảm lực từ bên ngoài ở mức 50%, rất phù hợp cho các vận động viên đua xe, bóng mềm, hockey hoặc các loại hình thi đấu cần đến mũ, kể cả dùng cho giao thông.

8. Môn game Wii Fit

Wii Fit thực chất là môn game mô phỏng các bài tập thể dục nhịp điệu mới nhất do hãng Nintendo của Nhật sản xuất và tung ra thị trường hồi cuối tháng 6/2008. Wii Fit là bước đột phá trong ngành công nghiệp game vì nó là một trò chơi không hướng tới các đối tượng game thủ mà lại dùng cho mọi người để “chơi mà lại có ích”, đặc biệt là cho sức khỏe và những ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ trong gia đình và cộng đồng.

9. Tim nhân tạo siêu nhỏ

Cơ quan Quản lý Thực - Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa phê duyệt cho lưu thông một thiết bị trợ tim, đó là tim nhân tạo Impella do các chuyên gia ở Bệnh viện St. Paul Hoa Kỳ nghiên cứu sản xuất, có công suất bơm 2,5 lít máu/phút cao hơn 0,5 lít so với các loại bơm mà lâu nay con người đang sử dụng. Đây là loại bơm tim nhỏ nhất thế giới và đã từng được cấy ghép thành công cho bệnh nhân Sikander Sakota 13 tuổi Hoa Kỳ.

10. Thiết bị phân tích nhanh nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Các chuyên gia ở Đại học Texas Hoa Kỳ vừa qua cho biết, họ đã sản xuất thành công chip sinh học cấp nano dùng để thử nghiệm, phát hiện nhanh nguy cơ mắc bệnh suy tim ở con người, nó có độ chính xác cao, đơn giản và rẻ tiền hơn so với những phương pháp thử nghiệm hiện có. Chip này có thể phân tích hàm lượng protein có trong nước bọt và phát hiện nhanh các dấu hiệu suy tim trước khi đưa người bệnh đi cấp cứu. Có kích thước bằng một chiếc danh thiếp và có kết quả ngay sau 15 phút thử nghiệm. Qua thử nghiệm ở 56 người mắc bệnh tim và 59 người khỏe mạnh ở Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã phát hiện được 32 loại protein, thủ phạm gây bệnh chứng mạch vành.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chăm sóc người cao tuổi theo y học hiện đại
Người cao tuổi (NCT) thường ốm đau do nhiều bệnh, cần uống nhiều thuốc. Thế giới đã đúc kết kinh nghiệm chăm sóc bồi dưỡng và sử dụng thuốc cho các cụ. Bài báo này tóm tắt kinh nghiệm tốt ở nước ngoài để nghiên cứu áp dụng.
29/12/2008
Nhiệt độ thấp nhất tại miền Bắc xuống 2 độ C
Không khí lạnh tăng cường khá mạnh đã kéo nhiệt độ miền Bắc xuống thấp nhất từ đầu mùa đông đến nay. Đêm qua, tại Sìn Hồ (Lai Châu) chỉ còn 2 độ C, Sapa (Lào Cai) 5 độ C, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu 7 độ C.
28/11/2008
Ra mắt Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
HGĐT- Ngày 21.11, Sở Y tế tổ chức Lễ ra mắt Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Văn phòng Sở Y tế và lãnh đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh.
27/11/2008
Tập huấn an toàn bức xạ trong y tế
HGĐT- Trong 3 ngày từ 20 - 22/11, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, mở lớp tập huấn an toàn bức xạ trong Y tế cho các học viên là cán bộ quản lý, người phụ trách an toàn bức xạ và nhân viên bức xạ của các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Lớp tập huấn được giảng viên Cục An toàn bức xạ và hạt nhân giảng dạy.
26/11/2008