Xử lý chất thải y tế tại các Bệnh viện thực trạng và giải pháp
HGĐT- Rác thải y tế là một trong những chất thải nguy hại vào bậc nhất, nhưng số lượng các bệnh viện trên địa bàn tỉnh ta có hệ thống xử lý loại rác này rất hiếm hoi. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh mới có 3/13 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế. Đây thực sự là mối quan tâm, lo lắng không chỉ với ngành Y tế mà cả với người dân sống quanh khu vực bệnh viện.
Lò đốt chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
Hàng ngày, các bệnh viện và cơ sở y tế khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh đã thải ra một lượng chất thải y tế khá lớn. Trong chất thải rắn có rất nhiều loại nguy hiểm với môi trường và con người. Do vậy, vấn đề xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Nếu xử lý không tốt, đây sẽ là nguồn lây lan các mầm bệnh và rồi chính ngành Y tế lại phải xử lý, khắc phục hậu quả này. 3/13 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có hệ thống xử lý chất thải y tế tương đối hiện đại. Hàng ngày các Bệnh viện này thực hiện phân loại rác ngay từ các khoa, phòng. Đối với chất thải lỏng, các bệnh viện có hệ thống thu gom nước thải từ các khoa, phòng vào một bể, sau đó cho chảy sang bể thứ hai có dùng hóa chất để khử khuẩn, nước thải được khử khuẩn đổ ra môi trường là nước thải đã được xử lý không còn độc hại. Chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp đốt trong lò cao áp với nhiệt độ từ 8500C đến 1.0500C. Đối với loại chất thải lây nhiễm đựng trong các túi màu vàng; chất thải hóa học nguy hại và chất thải phóng xạ được đựng trong túi màu đen; chất thải thông thường đựng trong túi màu xanh và các chất thải tái chế được đựng trong túi màu trắng. Tuỳ theo lượng rác thải, mỗi tuần các bệnh viện thực hiện đốt rác từ 3 đến 4 lần, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì lượng chất thải y tế lớn, trước đây cũng đốt 3-4 lần/tuần nhưng nay đã thực hiện đốt rác tất cả các ngày trong tuần. Việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý chất thải y tế trong điều trị bệnh. Trong khi trước đây, toàn bộ những chất thải y tế hay những sinh phẩm trong phẫu thuật đều được chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện; hệ thống nước thải được lắng lọc rồi thải ra ngoài môi trường.
Ngoài 3 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế thì 10 bệnh viện tuyến tỉnh còn lại chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế. Đối với chất thải lỏng được xử lý hoá chất, rồi đưa vào bể phốt trước khi thải ra môi trường nhưng cách làm hết sức thủ công, chưa thực sự triệt để. Đối với chất thải rắn như nhựa, giấy thì vẫn được xử lý bằng cách đốt trong lò đốt thủ công, gây ảnh hưởng đến môi trường. Các chất thải rắn không đốt được như kim tiêm được cho vào hộp cứng để chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện, những cách làm này, không thực sự đảm bảo khi mà hiện nay các loại bệnh truyền nhiễm như HIV, viên gan B… đang ngày càng phát triển. Còn đối với các phủ tạng thì được chôn sâu trong một hố, còn các chất thải không độc hại, chất thải sinh hoạt được thu gom để vào nơi quy định và được Công ty Công cộng và Dịch vụ môi trương chuyên chở đổ vào bác rác chung.
Trao đổi với chúng tôi về phương hướng của ngành Y tế đối với công tác xử lý chất thải y tế trong thời gian tới, Bác sỹ Hoàng Ngọc Quyền, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng chương trình quản lý xử lý chất thải bệnh viện. Mục tiêu của chương trình này là đến năm 2010 sẽ hoàn thành hệ thống văn bản pháp lý và hướng dẫn thực hiện liên quan đến lĩnh vực này. Như vậy, sau hơn một năm nữa, tất cả các bệnh viện ở Việt Nam sẽ có hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng với công nghệ phù hợp. Đối với Hà Giang, trong những năm tới vấn đề kinh phí cũng không còn là vấn đề khó khăn nữa. Bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, bằng chương trình mục tiêu của ngành Y tế tăng cường cho hệ thống tuyến tỉnh, tuyến huyện, hệ thống xử lý rác thải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện sẽ dần được đầu tư hoàn chỉnh hơn. Dự kiến đến hết năm 2008, tỉnh ta có thêm 2 bệnh viện (Bệnh viện Lao & Bệnh phổi và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) có hệ thống xử lý chất thải y tế đưa vào hoạt động. Các bệnh viện còn lại sẽ tiếp tục được đầu tư hoàn thiện vào năm 2009. Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hệ thống xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện và các cơ sở y tế. Chỉ đạo các Bệnh viện và cơ sở y tế trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc xử lý chất thải y tế theo Quyết định 43/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Đồng thời, các bệnh viện phải trang bị đầy đủ phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế. Thực hiện tốt các biện pháp làm giảm lượng chất thải phải tiêu huỷ thông qua các hoạt động giảm thiểu, thu gom, tái chế và tái sử dụng sau khi xử lý đúng quy định. Ngành Y tế sẽ chủ động phối hợp với Cảnh sát môi trường tăng cường công tác kiểm tra tại các bệnh viện và cơ sở y tế trong toàn tỉnh về việc thực hiện quy chế quản lý chất thải và sẽ tiến hành xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong việc thực hiện quy chế quản lý chất thải y tế…
Ý kiến bạn đọc