Quyết liệt truy quét sản phẩm sữa có chất gây sạn thận

08:43, 24/09/2008

"Bộ Y tế Việt Nam đang vào cuộc một cách quyết liệt để truy quét các sản phẩm sữa, sản phẩm liên quan đến sữa trên tinh thần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng "truy tìm" những sản phẩm sữa không đạt chất lượng có chất melamine" - TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã trao đổi riêng với PV như vậy.


Sẽ kiểm tra cả kẹo, bơ, cà phê sữa...

-

TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế): "Bộ Y tế sẽ làm quyết liệt truy quét sữa gây sạn thận". Ảnh: Lệ Hà
Thưa ông, vừa qua có thông tin nói rằng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm không nhớ đã cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và cho phép lưu hành tại Việt Nam hay chưa. Với tư cách là Cục trưởng, ông nói sao về việc này?

- Tôi khẳng định sản phẩm sữa Yili đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam ngày 27/3/2008. Việc cấp phép thực hiện theo đúng quy trình, tuy nhiên việc sản phẩm khi tung ra thị trường không đạt chuẩn có thể do sự gian lận của một khâu nào đó. 

Do đó, Bộ Y tế sẽ làm quyết liệt vụ việc này trên tinh thần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

- Sản phẩm sữa Yili không đạt chuẩn đã rõ. Bộ Y tế sẽ xử lý vụ việc này như thế nào?

- Trước mắt, toàn bộ sản phẩm sữa Yili đã được thu hồi và tiêu hủy. Những sản phẩm còn lại trên thị trường chưa thu được trong đợt này sẽ được cơ quan chức năng kiểm tra thu hồi và tiêu hủy. 

- Hiện nay, người tiêu dùng đang lo lắng không chỉ sản phẩm sữa mà kẹo, bơ, cà phê sữa... cũng có thể dính chất melamine. Bộ Y tế sẽ có động thái gì với những sản phẩm này?

- Hiện bên cạnh việc lấy mẫu sữa làm xét nghiệm thời gian tới sẽ mở rộng thêm các sản phẩm khác bị làm xét nghiệm như kẹo, bơ, cà phê sữa... Hiện các mẫu sữa đã được các cơ quan có thẩm quyền làm xét nghiệm và sẽ có kết quả trong vài ngày tới. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi tiến hành từ khâu kiểm tra nguyên liệu, các công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa, đặc biệt là các sản phẩm không nhãn mác và 22 công ty sữa của Trung Quốc kiểm tra có chứa chất gây sạn thận đã được công bố.

- Vậy Việt Nam đã tự làm xét nghiệm chất melamine được chưa hay phải gửi đi nước ngoài?

- Hiện Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm xét nghiệm chất melamine. Các mẫu sữa đã được gửi đến nhiều nơi khác nhau làm xét nghiệm cho khách quan. Chúng tôi sẽ sớm công bố kết quả xét nghiệm để người dân yên tâm.

- Có nhiều bà mẹ tỏ ra lo lắng khi cho con trẻ sử dụng sản phẩm sữa. Nhiều gia đình đã bỏ không cho con uống sữa. Vậy ông có lời khuyên nào cho các bà mẹ?

- Các bà mẹ đang cho con uống sữa nên tiếp tục con uống sữa có tên tuổi, nhãn mác đầy đủ. Bên cạnh đó, theo dõi tin tức từ các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt tình hình. Điều quan trọng hơn cả là nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho uống bú đến 2 tuổi. Không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh tại thời điểm này.

Sản xuất, nhập sữa phải tự mang mẫu đi xét nghiệm

Theo Sở Y tế TP.HCM, tuy chưa có kết quả kiểm tra chính thức để khẳng định melamine có trong lô sữa Pure - được Công ty Kim Ấn nhập từ Công ty Inner Mongolia YiLi Industrial Group Co., Ltd, Trung Quốc hay không, hàm lượng bao nhiêu, song, để ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo VSANTP có nguồn gốc từ Trung Quốc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan này đã ra công văn, yêu cầu giám đốc các cơ sở y tế  và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa trên địa bàn thành phố tăng cường giám sát việc sử dụng sữa bột không đảm bảo VSATTP và báo cáo kết quả kiểm nghiệm chất melamine trong sữa.

Theo đó, các cơ sở y tế từ Trung ương đến phường xã, bệnh viện trong quá trình khám chữa bệnh cho trẻ em phải chú ý khai thác tiền sử, bệnh sử về việc dùng sữa, đặc biệt là loại sữa bột có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi phát hiện những bất thường do sử dụng các loại sữa bột liên quan đến sức khỏe trẻ em, các bệnh viện phải tích cực điều trị và báo cáo gấp về phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế TP.HCM.

Tiêu chuẩn để khẳng định hàm lượng melamine trong sữa bao nhiêu là gây bệnh sẽ do Bộ Y tế công bố. Ảnh: Thiên Chương
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu sữa và các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu từ sữa trên địa bàn bàn thành phố, phải tự lấy mẫu, kiểm nghiệm hàm lượng melamine trong sữa thành phẩm, sữa nguyên liệu dùng trong sản xuất tại những phòng kiểm nghiệm có chức năng.

Riêng các cơ sở kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc và các công ty sữa khác là đối tác với các công ty sữa Trung Quốc, phải báo cáo đầy đủ tên sản phẩm, số lượng, tên và địa chỉ công ty sản xuất cho Phòng quản lý VSATTP.

Lập hai đoàn thanh tra sữa và nguyên liệu sữa trên toàn quốc

Ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã ký quyết định “Về việc thanh tra đột xuất về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa và sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa”.

Theo đó, hai đoàn thanh tra phía Nam và phía Bắc đá được thành lập, gồm đại diện Thanh tra, Cục VSATTP - Bộ Y tế, Cục Cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thường, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Cục Quản lý hàng hóa – Bộ Khoa học & công nghệ và Chánh thanh tra Sở Y tế - nơi đoàn kiểm tra có mặt. Không riêng tại Hà Nội, TP.HCM.

Hai đoàn có nhiệm vụ thanh tra đột xuất về VSATTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa và sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa tại tại các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam. Trong đó, đặc biệt chú trọng các sản phẩm sữa có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác. Hai đoàn sẽ kiểm tra toàn bộ hồ sơ pháp lý và nhân sự, nguyên liệu và thành phẩm, cơ sở vật chất của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm sữa, nguyên liệu sữa.


VietNamNet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi
HGĐT- Dự án Chăm sóc Sức khoẻ Sinh sản và Trẻ sơ sinh (SKSS- TSS) bắt đầu triển khai các hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 1998.
29/08/2008
Dùng thuốc quá liều: Hậu quả khó lường!
Trong sử dụng thuốc, luôn luôn có lời khuyên “phải dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian”. Đúng liều ở đây có nghĩa là phải dùng thuốc theo đúng số lượng thuốc đã được chỉ định (tức đã được bác sĩ ghi trong đơn hoặc theo hướng dẫn sử dụng thuốc) cho một lần dùng thuốc hoặc cho cả ngày (24 giờ).
29/08/2008
Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Mổ apxe thận bằng phương pháp nọi soi cho bé gái 13 tuổi
(HGĐT)- Ngày 25.8, bệnh nhân Đinh Hương Giang, 13 tuổi, ở xã Liên Hiệp, huyện Bắc Quang, lên thăm người nhà ở thị xã Hà Giang, thì thấy xuất hiện những triệu chứng đau lưng, đau bụng vùng hạ sườn và mạng sườn phải kèm theo sốt 38, 390C.
27/08/2008
Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc: Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin
HGĐT- Thăm vợ một anh bạn mới sinh cháu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc; gần đến nơi, chúng tôi nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc oe, oe. Gặp nhau, anh bạn tôi vừa cười, vừa nói: “Đấy các chú xem, thằng nhóc khoẻ không? Mới mấy ngày tuổi mà khóc vang cả bệnh viện…”.
22/09/2008