Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc: Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin
HGĐT- Thăm vợ một anh bạn mới sinh cháu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc; gần đến nơi, chúng tôi nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc oe, oe. Gặp nhau, anh bạn tôi vừa cười, vừa nói: “Đấy các chú xem, thằng nhóc khoẻ không? Mới mấy ngày tuổi mà khóc vang cả bệnh viện…”.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc đang kiểm tra tình tình vết mổ và sức khỏe bệnh nhân sau mổ.
|
Chị bạn nằm ôm con trên khuôn mặt còn nguyên vẻ mệt mỏi của lần “vượt cạn”; tâm sự: Khi mới chuyển dạ, mình lo lắm, định về dưới tỉnh đấy. Nhưng rồi vẫn quyết định đẻ tại đây. Từ y tá, đến bác sỹ đều nhiệt tình chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân…. Chú xem, ngay liền kề với giường mình là2 mẹ, con chị Giàng Thị Pà, dân tộc Mông, ở xóm Há Súng, xã Pả Vi mới phải mổ đẻ xong đấy. Mẹ cao chưa đầy 1m40, các bác sỹ đã làm đủ mọi biện pháp kỹ thuật kích đẻ nhưng không được nên phải mổ, mà thằng bé được hơn 3kg đó…”. Chị Pà tâm sự với chúng tôi qua nước mắt: “Cảm ơn bệnh viện, biết ơn cán bộ nhiều lắm! Đau bụng mãi mà không đẻ được, khi biết bác sỹ quyết định mổ mình lo lắm nhưng sau khi hết thuốc gây mê tỉnh dậy thấy con mình nằm bên, vui lắm, chẳng biết nói gì cả…
Anh Hoàng Đường Nhân, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Hiện tại, bệnh viện có 2 phòng khám khu vực tại xã Niêm Sơn và Xín Cái; cùng hơn 50 cán bộ, y, bác sỹ; 70 giường bệnh… Hệ thống điều trị gồm 5 khoa: Khám bệnh, Ngoại sản, Hồi sức - cấp cứu, Nội - nhi - lây; Y học cổ truyền, Dược - vật tư và Chẩn đoán hình ảnh - xét nghiệm. Thời gian qua, Bệnh viện tiếp nhận, khám, chữa bệnh cho gần 7.000 lượt người, trong đó trẻ dưới 6 tuổi có hơn 3.700 cháu; số lượt Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện gần 6.200 người; tại Phòng khám khu vực có hơn 4.000 người… Trong 8 tháng đầu năm, Bệnh viện thực hiện gần 60 ca mổ, trong đó có những ca rất phức tạp, những năm trước đây phải chuyển lên tuyến trên như: Mổ viêm túi mật ngoại tử, trấn thương sọ não hở và chấn thương ruột… Anh Nhân kể: Hồi đầu năm, Bệnh viện gặp một ca mổ rất khó khăn của bệnh nhân Vừ Mí Sá, 6 tuổi, người Mông ở xóm Pả Vi Hạ, xã Pả Vi khi chuyển đến trong tình trạng nghiêm trọng. Sau khi khám, xét nghiệm, bệnh nhân viêm phúc mạc toàn thể, túi mật bị hoại tử, phải tiến hành phẫu thuật gấp. Sau mấy tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật, thành công và hiện nay bệnh nhân về nhà sức khoẻ đã hồi phục… Vừa qua, Bệnh viện cũng đã thực hiện phẫu thuật thành công một ca cho bệnh nhân Lò Thị Chím, người dân tộc Giấy (xóm Nà Hin, xã Nậm Ban) bị chấn thương tắc ruột do dính, chính bác sỹ Nhân trực tiếp mổ trong hơn 3 giờ, bệnh nhân phải cắt bỏ gần 30 cm ruột do bị hoại tử, nay sức khoẻ đã dần bình phục. Tại giường bệnh, bà Chím cho hay: “Có biết gì đâu, thấy đau bụng, càng lâu càng đau hơn, gia đình càng xoa, bóp lại đau hơn. Đau quá rồi mình ngất, khi tỉnh dậy thấy nằm trong viện và thấy đứa con nó bảo: “Mẹ vừa mới bị mổ đấy, bác sỹ bảo may là đưa xuống viện kịp thời chứ chậm tí nữa thì…”. Nhìn vết mổ trên bụng bệnh nhân dài gần 40 cm và với gần 30 cm ruột bị cắt bỏ mới thấy hết sự khó khăn của ca phẫu thuật mà anh Nhân trực tiếp cầm dao mổ thành công. Tạm biệt bệnh nhân Chím, chúng tôi tiếp tục chuyến tham quan Bệnh viện cùng anh Nhân và nghe anh tâm sự: “Bệnh viện tuyến huyện còn nhiều khó khăn lắm, trước tiên là về ngôn ngữ bất đồng, khâu vệ sinh cá nhân của bệnh nhân còn kém và nhất là ý thức của người dân đến Bệnh viện chưa cao, khi bệnh nặng mới đến bệnh viện nên bệnh nhân ở vùng sâu, xa đến viện thường là những ca bệnh nặng,phức tạp…”.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ tại Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc, được trao đổi, tìm hiểu không chỉ với các y, bác sỹ mà cả những bệnh nhân hiện đang điều trị tại Bệnh viện, chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn của cơ sở cũng như sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cá nhân y, bác sỹ đang ngày, đêm chăm sóc bệnh nhân theo phương châm “Lương y như từ mẫu”. Tuy nhiên, qua buổi làm việc và đi thực tế mới thấy những bất cập chung mà không chỉ của riêng Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc. Hiện nay, với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, số ca khám, chữa bệnh, mổ phẫu thuật ngày càng phức tạp nhưng Bệnh viện mới chỉ có 1 phòng mổ phẫu thuật; còn thiếu phòng mổ vô khuẩn; mổ nhiễm trùng và một trong những điều bất cập nhất hiện của Bệnh viện là khu xử lý rác thải, cả Bệnh viện hiện chỉ có một khu xử lý rác thải: Gồm 1 bể ngưng chứa nước thải gần 5 m3 nước; 1 nhà đốt rác cứng quá nhỏ so với thực tế rác thải cứng…
Để Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc cũng như các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh đảm bảo theo đúng quy định, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, là nơi mọi người bệnh gửi gắm niềm tin, rất cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành, của toàn xã hội cũng như công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm...
Ý kiến bạn đọc