Điểm sáng trong công tác vệ sinh, phòng, chống ngộ độc thực phẩm
(HGĐT)- Thị xã Hà Giang (TXHG) là trung tâm phát triển KT- VH - XH của tỉnh, do vậy nhận thức của người tiêu dùng cũng như người dân về vệ sinh, phòng, chống ngộ độc thực phẩm được nâng cao rõ rệt so với các địa bàn khác trong tỉnh.
Đội QLTT thị xã thường xuyên kiểm tra chất lượng VSATTP của các cửa hàng kinh doanh hàng hóa trên địa bàn.
|
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động và tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, các cửa hàng ăn uống đã góp phần đẩy lùi, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên toàn địa bàn.
Từ đầu năm tới nay, TXHG đã tiến hành kiểm tra chất lượng VSATTP được 537 cơ sở; xét nghiệm 398 mẫu và truyền thông trực tiếp được 19 buổi với 1.274 lượt người nghe; tuyên truyền trên loa, đài PT-TH được 189 lần; phát 3.300 tờ rơi về kiến thức VSATTP. Số vụ ngộ độc đã hạn chế đến mức thấp nhất, chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc ở thôn Bản Cưởm, xã Ngọc Đường, người mắc có biểu hiện ngộ độc nhẹ, không gây tử vong. Chính vì lẽ đó mà TXHG được đánh giá là một trong những điểm sáng tiêu tiểu về xây dựng mô hìnhvệ sinh, phòng, chống ngộ độc thực phẩm của tỉnh. Các vấn đề an toàn vệ sinh, nước sạch của các cơ sở chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm ngày càng được cải thiện; trình độ kiến thức của người trực tiếp làm việc tại các cơ sở chế biến thực phẩm, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày một được nâng cao, hiểu rõ về tầm quan trọng của vệ sinh, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, từ đó có hành động thiết thực nhằm đảm bảo chất lượng VSATTP trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Qua kiểm tra, có 457 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn VSATTP trên địa bàn thị xã được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Đánh giá về công tác vệ sinh, phòng, chống ngộ độc trên địa bàn thị xã trong thời gian qua, anh Lưu Đình Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thị xã, cho biết: Thị xã thường xuyên củng cố Ban chỉ đạo đảm bảo VSATTP, trực tiếp phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động của từng quý, năm, của tháng hành động VSATTP; tổng kết và đánh giá hoạt động hàng tháng, năm từ đó rút ra những kinh nghiệm, hạn chế để khắc phục; triển khai phổ biến, tuyên truyền Pháp lệnh VSATTP, các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh theo đúng quy định; phân công các đơn vị thành viên trong Ban chỉ đạo phụ trách xã, phường để đảm bảo VSATTP; mở các lớp tập huấn cho các hộ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó, tập trung vào đợt cao điểm tháng hành động VSATTP, bằng nhiều hình thức, cách làm như lồng ghép vào các hội nghị, các buổi nói chuyện chuyên đề với những nội dung phù hợp với từng đối tượng là các hộ sản xuất, kinh doanh, các nhà quản lý, nhất là những nhà tiêu dùng; chú trọng truyền thông tới những vùng, nơi có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thị xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, hàng tháng tổ chức các đợt thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể và có quy chế xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về VSATTP trên địa bàn thị xã.
Mục tiêu chủ yếu trong công tác vệ sinh, phòng, chống ngộ độc thực phẩm của thị xã trong thời gian tới là, giảm thiểu số vụ ngộ độc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ đó làm thay đổi nhận thức, thực hiện VSATTP, phòng, chống ngộ độc một cách hiệu quả nhằm hạn chế những nguy cơ, vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra; tăng cường năng lực công tác tổ chức, kiểm soát, thanh tra VSATTP trên địa bàn toàn thị; tổ chức phổ biến và xây dựng hệ thống chính sách quản lý, đề ra các tiêu chuẩn, quy định về đảm bảo chất lượng VSATTP; nâng cao khả năng ứng cứu các trường hợp ngộ độc khi xảy ra.
Ý kiến bạn đọc