Chăm sóc SKSS:
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi
Trong 2 chu kỳ 5 và 6, Dự án tập trung vào các hoạt động chính đó là: Hỗ trợ, đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc SKSS- TSS cho các tuyến y tế từ tỉnh đến các xã; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ ngành Y tế hoạt động trên lĩnh vực này. Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân cũng đã được triển khai. Đến chu kỳ 7 (VNM7PG0001), địa bàn hoạt động của Dự án thu hẹp lại ở 3 huyện trọng điểm là: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Chù kỳ này tập trung chính vào lĩnh vực đào tạo nhân lực hoạt động chăm sóc SKSS- TSS và công tác truyền thông thay đổi hành vi, giúp cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa tiếp cận nhiều hơn với các gói dịch vụ mà Dự án cung cấp.
Khi các cơ sở y tế từ tỉnh đến huyện đã được đầu tư, đào tạo cơ bản về cơ sở vật chất và con người thì yếu tố quan trọng nhất đó là nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS- TSS. Tạo cho họ một quan niệm tiến bộ về lĩnh vực này, từ đó giúp họ tiếp cận nhiều hơn với các gói dịch vụ mà Dự án cũng như ngành Y tế cung cấp. Công tác truyền thông tập trung chính vào đối tượng là người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa bởi tại đây, do điều kiện về kinh tế, phong tục tập quán nên bà con rất ngại tiếp xúc với các vấn đề liên quan đến SKSS.
Hoạt động truyền thông được thực hiện thông qua nhiều cơ quan, đơn vị và bằng nhiều hình thức. Hiện nay, ngoài các hoạt động truyền thông do ngành Y tế, Dân số thực hiện thì Dự án cũng đã phối hợp với các ngành như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Sở Giáo dục - Đào tao, Đoàn Thanh niên, Trung tâm Văn hoá các huyện, Báo Hà Giang và Đài PT- TH tỉnh. Mỗi cơ quan, đơn vị phối hợp đều triển khai cách truyền thông riêng theo đúng với tính chất hoạt động của ngành mình. Các hoạt động truyền thông được triển khai đồng loạt, rộng khắp nên hiệu quả rất cao. Người dân ở các huyện được tiếp cận với vấn đề chăm sóc SKSS- TSS bằng nhiều hình thức nên dễ hiểu và dễ làm theo.
Một trong những hoạt động truyền thông được coi là hiệu quả nhất đó là tuyên truyền qua các buổi văn nghệ chợ do Trung tâm Văn hoá các huyện thực hiên. Trung tâm Văn hoá các huyện thực hiện tuyên truyền các băng hình, tài liệu về SKSS- TSS bằng nhiều thứ tiếng dân tộc như: Kinh, Dao, Tày, Nùng, Mông...Xen kẽ với nội dung tuyên truyền là các tiết mục văn hoá, văn nghệ do các diễn viên của Trung tâm Văn hoá biểu diễn và đôi khi là do chính những người dân bản địa biểu diễn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Văn hoá 3 huyện Yên Minh; Đồng Văn; Xín Mần đã tổ chức tổng cộng 64 buổi với gần 50 nghìn lượt người đến nghe. Các phiên chợ là nơi tập trung rất đông bà con đến mua sắm và giao lưu văn hoá, gặp gỡ bạn bè, đến chợ bà con lại được nghe những thông tin về SKSS- TSS bằng tiếng địa phương dễ hiểu, dễ thực hiện theo.
Công tác truyền thông qua các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cũng đã đạt được hiệu quả rất lớn. Các tổ chức đoàn thể có thế mạnh trọng công tác truyền thông đó là họ có cơ cấu tổ chức rộng khắp từ tỉnh đến thôn bản cũng như có rất đông hội viên, đoàn viên. Thông qua các hoạt động thường xuyên, các đoàn thể đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về dân số, sức khoẻ sinh sản đến với hội viên. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tập trung truyền thông qua các tổ “Dân số/SKSS-Tín dụng tiết kiệm- Khuyến nông”. Riêng Tỉnh đoàn đã triển khai công tác truyền thông bằng hình thức các buổi diễn đàn về dân số, sức khoẻ sinh sản vị thành niên với rất đông đoàn viên, thanh niên là học sinh trung học, chuyên nghiệp và đội ngũ cán bộ giáo viên tham gia. Tại các buổi diễn đàn, đoàn viên, thanh niên có điều kiện bày tỏ tâm tư, tình cảm và những thắc mắc của mình về vấn đề SKSS. Đồng thời, tại diễn đàn, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh cũng hiểu thêm về thực trạng công tác chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay, từ đó có điều kiện để hiểu con em, học sinh mình hơn. Trong năm nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức được 1 buổi diễn đàn với sự tham gia của 300 học sinh, sinh viên và 20 giáo viên, phụ huynh trên địa bàn thị xã Hà Giang. Báo Hà Giang, Đài PT- TH tỉnh là hai đơn vị cùng phối hợp với Dự án thực hiện truyền thông về các hoạt động chăm sóc SKSS-TSS trên địa bàn. Thông qua các tin, bài, ảnh, chương trình truyền hình, người dân đã hiểu hơn về ý nghĩa và những địa phương làm tốt công tác này. Từ đó, giúp người dân hiểu và tích cực tham gia, cùng chung sức thực hiện, làm theo các hoạt động của Dự án.
Thực hiện tốt công tác truyền thông, Dự án VNM7PG0001 đã thực sự tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về vấn đề chăm sóc SKSS- TSS.
Ý kiến bạn đọc