Bệnh Nhiệt thán có thể truyền sang người bệnh Than
(HGĐT)- Đó là thực tế ở nơi đang xảy ra dịch bệnh Nhiệt thán trên gia súc và bệnh Than trên người tại hai xã Niêm Tòng và Khau Vai của huyện Mèo Vạc nói riêng và một số địa phương đã từng xảy ra dịch bệnh ở gia súc nói chung.
Dịch Nhiệt thán xảy ra trên gia súc xuất hiện từ ngày 21.6 - 23.7.2008, tổng số có 25 con gia súc bị mắc bệnh Nhiệt thán và 18 người bị mắc bệnh Than, trong đó có 1 người đã tử vong. Số gia súc và người bị mắc bệnh trên tại 2 thôn Pó Qua và Nà Cuổng II thuộc xã Niêm Tòng, với 5 con bò, 1 con dê và 2 con lợn. Tại xã Khâu Vai, có 3 thôn có gia súc chết do bệnh Nhiệt thán thuộc 3 thôn Pắc Cạm, Khâu Vai C và Há Dế, với 7 con bò, 2 con dê và 2 con lợn. Nhưng do chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên người dân ở đây đã không báo cáo với các thú y viên mà tự ý đem giết mổ, ăn thịt gia súc bị bệnh. Điều nghiêm trọng hơn, khi những hành vi đó bị thú y thôn phát hiện yêu cầu đem đi chôn, thì người dân đã đem vứt xác gia súc bệnh ra nương ngô, nơi gần nguồn nước.
Qua công tác kiểm tra, giám sát đánh giá thực tế việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch Than tại huyện Mèo Vạc của Sở Y tế Hà Giang và Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại các thôn xảy ra dịch bệnh, cho thấy: Lực lượng thú y triển khai các biện pháp phòng chống dịch còn chậm, công tác kiểm soát gia súc mắc bệnh rồi chết chưa kịp thời và không đúng quy định, không kiểm soát được việc xử lý xác súc vật chết, không xác định được hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch, chưa có sự phối hợp phòng chống dịch giữa thú y và y tế địa phương. Điều đó đã làm cho diễn biến dịch trên gia súc xảy ra ngày một phức tạp. Đoàn cũng nhận định, nếu tình trạng kiểm soát dịch vẫn diễn ra như hiện nay thì sẽ dẫn đến nguy cơ dịch sẽ kéo dàivà lan rộng ra các thôn, xã lân cận. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới 15 người mắc bệnh Than, trong đó tử vong 01 người và đã có 476 người có tiếp xúc với gia súc mắc bệnh Nhiệt thán đang có nguy cơ mắc bệnh Than đã xảy ra tại hai xã Khau Vai và Niêm Tòng.
Ngay khi xảy ra dịch bệnh, công tác chống dịch của ngành Y tế đã được triển khai kịp thời: Ngành đã tập trung triển khai các hoạt động chuyên môn, huy động nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, thuốc chống dịch, theo dõi và điều trị những người mắc bệnh tại hộ gia đình, cấp thuốc uống dự phòng cho những người có tiếp xúc với người và gia súc mắc bệnh. Đến nay, dịch Than trên người tại địa bàn xảy ra dịch đã được kiểm soát tích cực, hiệu quả. Song, ngành Y tế cũng đánh giá nguy cơ xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh Than mới là rất cao nếu dịch bệnh trên gia súc vẫn tiếp diễn và các trường hợp mắc bệnh có nguy cơ tái phát cao nếu không được uống thuốc đủ liều.
Bệnh Than là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, truyền từ súc vật sang người do ăn thịt các động vật mắc bệnh Nhiệt thán, hoặc tiếp xúc với súc vật mắc bệnh. Bệnh lây được qua cả ba đường: Tiêu hoá, hô hấp, qua da, nên hiện nay, bệnh Than còn là một trong những bệnh truyền nhiễm được sử dụng trong khủng bố sinh học. Bên cạnh đó, thực tế tại địa phương xảy ra dịch là những thôn, bản cách xa khu trung tâm xã, nơi có địa hình rừng núi phức tạp, trình độ dân trí thấp, đời sống và phong tục tập quán lạc hậu nên chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Điều đó đã dẫn đến tình trạng người dân biết gia súc chết vì bệnh mà vẫn đem thịt ăn, khi người mắc bệnh được đưa đến cơ sở điều trị thì trên 50% bệnh nhân bỏ trốn khỏi cơ sở chữa bệnh và trốn khỏi địa bàn cư trú... Thực tế đó đang là nguyên nhân chính tác động đến việc thay đổi nhận thức của người dân về bệnh và là cản trở đối với đội ngũ chuyên môn trong công tác chống dịch. Đặc biệt, sự phối kết hợp của ngành thú y, các cấp chính quyền tại địa phương cũng là những yếu tố quyết định đến sự thành công của việc tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh không phát tán lây lan rộng ra địa bàn xung quanh, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch và tâm lý của người dân trong vùng.
Tại tỉnh ta, hiện nay đang tồn tại một số ổ dịch bệnh Than cũ, như: Minh Sơn, Yên Phú, Giáp Trung (Bắc Mê); Bản Máy (Hoàng Su Phì); Du Già, Du Tiến, thị trấn Yên Minh (Yên Minh); Niêm Sơn, Pải Lủng (Mèo Vạc); Sủng Trái (Đồng Văn); Lao Chải, Xín Chải (Vị Xuyên). Và các ổ dịch mới đang tiếp tục xảy ra tại 2 xã Khau Vai, Niêm Tòng của huyện Mèo Vạc đã cho thấy dịch Than không những không được đẩy lùi mà đang có nguy cơ phát tán rộng ra các địa bàn thuộc một số xã khó khăn trong tỉnh. Đó đang là vấn đề thách thức và cần sự đồng lòng tham gia của các cấp, các ngành, đặc biệt quan trọng là ý thức chủ động phòng bệnh của người dân. Điều đó mới mong dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi và dập tắt.
Ý kiến bạn đọc