Thuốc điều trị viêm phổi ở người già
Viêm phổi là tình trạng viêm và tổn thương đông đặc nhu mô phổi do một số tác nhân nhiễm khuẩn, có thể do nhiều loài vi khuẩn khác nhau như Mycoplasma, Chlamydiae, Rickettsiae, virut, nấm và ký sinh trùng.
Các tác nhân gây viêm phổi tấn công vào tận phế nang. |
Triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân bị viêm phổi
Thông thường bệnh khởi phát đột ngột sau nhiễm lạnh hoặc cảm cúm thông thường bằng sốt cao đột ngột 39-40oC, đau ngực, khó thở, ho khan (chú ý người già có thể không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, hoặc chỉ có tăng nhịp thở, mạch nhanh và rối loạn tâm thần). Vài ngày sau có thể ho khan đờm màu rỉ sắt hoặc nâu đỏ, đờm nhày mủ hoặc đờm mủ, 30% bệnh nhân có mụn Herpes ở quanh miệng.
Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, đau mỏi xương khớp, ở nhóm người già hay bị tụt huyết áp. Khi nghi ngờ viêm phổi ở người già, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện khám, xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi và cần được điều trị nội trú.
Điều trị ở bệnh nhân viêm phổi điển hình
Kháng sinh: Penicillin 3-5 triệu UI/ngày, cách 6 giờ tiêm 1 lần, gần đây có tỷ lệ đáng kể phế cầu khuẩn kháng penicillin (nhưng thường vẫn đáp ứng khi dùng liều cao), có thể dùng nhóm cephalosporin, macrolide từ 15-20 ngày (ngừng khi hình ảnh tổn thương xóa gần hết trên phim Xquang phổi hoặc sau khi hết sốt 10 ngày). Bình thường tổn thương trên Xquang xóa hết trong khoảng 4 tuần, nhưng ở nhóm bệnh nhân cao tuổi bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) kết hợp hoặc người nghiện rượu thì thời gian xóa tổn thương chậm hơn (có thể đến 12 tuần). 2% bệnh nhân viêm phổi là viêm phổi dưới chỗ chít hẹp do ung thư phế quản, đặc biệt cảnh giác khi bệnh nhân cao tuổi có tiền sử hút thuốc lá lại bị viêm phổi, sau điều trị nhất thiết cần chụp Xquang phổi lại xem tổn thương có xóa hết hay không.
Điều trị chung: Hạ sốt - giảm đau bằng paracetamol.
Giảm ho long đờm: mucomyst, rhinathiol... kết hợp với vỗ rung, dẫn lưu đờm theo tư thế.
Thở ôxy, trợ tim mạch, bồi phụ nước điện giải.
Điều trị trong trường hợp phế quản phế viêm hoặc viêm phổi bệnh viện
Kháng sinh phổ rộng dùng đường tiêm, phối hợp 2-3 loại: cephalosporin thế hệ thứ II-III tiêm tĩnh mạch với nhóm macrolide, quinolon hoặc kháng sinh nhóm aminoglycoside 10-15 ngày (đến khi hết triệu chứng và hình ảnh tổn thương trên Xquang xóa hết). Tốt nhất là dùng phối hợp kháng sinh dựa theo kết quả cấy định lượng vi khuẩn ở đờm, máu, dịch hút khí quản và làm kháng sinh đồ.
- Chống suy hô hấp: Thở ôxy liên tục, hút đờm rãi (bằng máy hút hoặc quả nội soi phế quản), nếu suy hô hấp nặng có chỉ định đặt nội khí quản thở máy.
- Có chỉ định corticosteroide, trợ tim mạch, bồi phụ nước điện giải, dinh dưỡng.
Khi bệnh nhân bị viêm phổi không điển hình do M. pneumonia: dùng kháng sinh nhóm macrolide hoặc tetracyclin 10-14 ngày kết hợp điều trị triệu chứng.
Dự phòng viêm phổi ở người già
Vì viêm phổi thường do cúm bị biến chứng do vậy người già cần được tiêm vaccin phòng cúm hằng năm vào mùa thu, có thể tiêm thêm vaccin phế cầu khuẩn đặc biệt ở những người già mắc các bệnh mạn tính.
Người già còn cần có chế độ sinh hoạt ăn uống đúng nhằm duy trì và tăng cường sức đề kháng của cơ thể như: không hút thuốc lá, không uống rượu, nghỉ ngơi tập luyện hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả tươi.
Ý kiến bạn đọc