Cúm: Ai cũng có thể mắc

08:10, 24/03/2008

Thời tiết chuyển mùa là thời điểm các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do virut và vi khuẩn dễ xuất hiện và có thể biến thành dịch nếu cộng đồng không biết cách phòng ngừa. Trong đó đặc biệt là bệnh cúm, sự lây lan dễ dàng của virut gây bệnh này làm ai cũng có thể mắc phải, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hằng ngày, nếu có biến chứng nặng còn nguy hiểm đến tính mạng.


Bệnh cúm nguy hiểm do tính lây lan nhanh và dễ gây thành dịch

Virut cúm.

Biểu hiện của bệnh cúm là viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp với tình trạng sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Những biểu hiện khác thường giới hạn và hồi phục trong 2-7 ngày. Phát hiện bệnh thường dựa vào đặc điểm dịch tễ học. Những trường hợp tản phát chỉ có thể xác định bằng chẩn đoán phòng thí nghiệm. Cúm ở trẻ em có thể không phân biệt được với bệnh gây ra bởi các virut đường hô hấp khác. Hình ảnh lâm sàng của cảm lạnh thông thường, viêm tắc thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi virut và các bệnh hô hấp cấp tính có thể gây ra bởi virut cúm. Các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy) có kèm theo triệu chứng hô hấp, đặc biệt ở trẻ em. Trong những vụ dịch ở trường học, có tới 25% học sinh bị mắc cúm B và A (H1N1). Tỷ lệ mắc bệnh cao và gây biến chứng, chủ yếu ở viêm phổi virut và vi khuẩn. Trong những vụ dịch lớn, có thể bệnh trầm trọng và xảy ra tử vong ở người già, người bị bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc thiếu hụt miễn dịch.

Virut cúm lây lan qua không khí trong quần thể đông đúc ở những nơi kín như ô tô. Sự lây lan có thể xảy ra qua tiếp xúc trực tiếp vì virut có thể tồn tại hàng giờ, đặc biệt khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp. Thời kỳ ủ bệnh ngắn, thường từ 1-3 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 3-5 ngày từ khi có triệu chứng lâm sàng ở người lớn và tới 7 ngày ở trẻ em.

Khi phân týp mới xuất hiện, tất cả trẻ em và người lớn đều cảm nhiễm như nhau trừ những người đã sống trong các vụ dịch trước đây gây nên bởi chính týp đó. Sau khi bị nhiễm sẽ tạo miễn dịch đặc hiệu với virut gây nhiễm, nhưng trong thời gian miễn dịch phụ thuộc vào mức độ biến đổi kháng nguyên và số lần bị nhiễm trước đây. Vaccin tạo đáp ứng miễn dịch bổ sung đối với chủng mà bệnh nhân bị nhiễm trước đây.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, chẩn đoán xác định bằng phân lập virut cúm từ dịch tiết mũi họng trong nuôi cấy tế bào hoặc phôi trứng hoặc xác định trực tiếp kháng nguyên virut trong tế bào mũi họng bằng thử nghiệm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp hoặc bằng ELISA. Sự miễn dịch bệnh cũng có thể chẩn đoán bằng thay đổi hiệu giá kháng thể đặc hiệu thời kỳ cấp tính và lui bệnh. Hiện nay phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử cho kết quả trong vài giờ.

Thủ phạm của bệnh cúm

Xét nghiệm tiêm chủng virut trong phòng thí nghiệm.

Có 3 týp virut cúm: A, B, C. Týp A gồm 3 phân týp (H1N1,H2N2, H3N2) có liên quan đến các vụ dịch lan rộng và đại dịch toàn cầu. Nguy hiểm nhất là cúm A H5N1 hiện nay. Các phân týp cúm A được phân loại bằng đặc tính kháng nguyên của glycoprotein bề mặt, yếu tố ngưng kết hồng cầu (H), neuaminidaza (N). Sự đột biến thường xuyên của gen tạo nên mã hóa glycoprotein bề mặt của virut cúm A và cúm B dẫn đến sự xuất hiện các dạng được mô tả dựa vào phân lập theo địa dư, số nuôi cấy, năm phân lập. Sự xuất hiện các phân týp hoàn toàn mới (sự trượt kháng nguyên) xảy ra với khoảng cách không đều nhau và chỉ thấy ở virut týp A. Những týp này gây đại dịch và được cấu tạo từ sự tái tổ hợp các kháng nguyên vịt, lợn, người không dự đoán trước được, cho nên cần thiết thay đổi công thức vaccin cúm theo chu kỳ (thường là 1 năm).

Điều trị và dự phòng thế nào?

Đối với các loại cúm thông thường thì trong thời gian mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, chăm sóc, dinh dưỡng tốt, không nên đến những nơi đông người. Đối với người già, trẻ em, người có thể trạng yếu có thể dùng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn cơ hội. Riêng đối với cúm A H5N1 thì đến nay việc sử dụng thuốc kháng virut tamiflu vẫn có kết quả tốt nếu bệnh được phát hiện dưới 48 giờ từ khi mắc bệnh. Các trường hợp cúm A H5N1 tử vong trong thời gian qua do nhập viện quá muộn, tình trạng suy đa phủ tạng rất nghiêm trọng.

Biện pháp dự phòng tốt nhất đối với cúm A H5N1 là không tiếp xúc với gia cầm chết vì dịch bệnh. Nên đến bệnh viện ngay nếu có dấu hiệu ho, sốt, mỏi cơ, đau ngực. Đặc biệt cảnh giác nếu người bệnh sống ở trong vùng có dịch bệnh, hay tiếp xúc với gia cầm bệnh. Hiện nay chỉ có một số vaccin dự phòng cúm thông thường, do vậy người dân không nên đổ xô đi tìm vaccin cúm khi dịch xảy ra mà nên chú trọng các biện pháp phòng bệnh của ngành y tế.


suckhoedoisong.vn

Cùng chuyên mục

Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ tử vong
Ngày 13.6, các chuyên gia Trường đại học Y Pennsylvania (Mỹ) đã công bố Nghiên cứu mới cho thấy người thiếu ngủ kéo dài có nguy cơ tử vong.
27/02/2008
Họp Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về vệ sinh - an toàn lao động - phòng, chống cháy nổ lần thứ 10
(HGĐT)- Sáng 27.2, Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về Vệ sinh - an toàn lao động – phòng, chống cháy nổ (VSATLĐ-PCCN) tỉnh đã tiến hành họp nhằm triển khai kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện lễ phát động Tuần lễ Quốc gia về VSATLĐ-PCCN lần thứ 10.
27/02/2008
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và tổng kết công tác y tế năm 2007
(HGĐT)- * Ngày 26.2, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt truyền thống cán bộ ngành y tế nhân kỷ niệm 53 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 2008).
27/02/2008
Cúm H5N1 lại làm chết một người
Bộ Y tế vừa xác nhận thêm một trường hợp tử vong do nhiễm cúm gia cầm type H5N1. Đây là người thứ 4 thiệt mạng vì bệnh này trong gần 2 tháng qua.
26/02/2008