Cách kiểm soát đường huyết hiện đại nhất

14:45, 30/03/2008

Các chuyên gia hàng đầu thế giới về đái tháo đường (ĐTĐ) đã đưa ra 10 bước hướng dẫn trong thực hành lâm sàng để cải thiện kết quả điều trị cho người bệnh bị ĐTĐ týp 2 và làm tăng tỷ lệ bệnh nhân đạt được các mục tiêu điều trị theo hướng dẫn. Đây được xem như bước tiến quan trọng nhất cho bệnh nhân ĐTĐ có thể chung sống tốt hơn với bệnh.


 
 Cần kiểm tra đường huyết thường xuyên.
Mục tiêu kiểm soát đường huyết tốt là đạt HbA1C dưới 6,5%

Mục tiêu điều trị đạt được HbA1C theo khuyến cáo sẽ mang lại nhiều lợi ích trong làm giảm các biến chứng vi mạch và biến chứng mạch máu lớn. Tuy nhiên, cần xem xét các yếu tố nguy cơ của từng người bệnh như tuổi tác, các biến chứng của ĐTĐ đã có hay các bệnh nặng khác đi kèm cũng như nguy cơ bị biến chứng hạ đường huyết của bệnh nhân.

Theo dõi HbA1C 3 tháng 1 lần cùng với việc tự theo dõi đường huyết thường xuyên của người bệnh

Các lợi ích từ việc tự theo dõi đường huyết thường xuyên bao gồm làm cải thiện việc kiểm soát đường huyết, tránh được biến chứng hạ đường huyết và làm tăng sự mềm dẻo trong lối sống... Các bệnh nhân hiểu biết rõ về giá trị của tỷ lệ HbA1C của mình có thể có cách đánh giá chính xác hơn về việc kiểm soát đường huyết và hiểu biết rõ ràng hơn về chăm sóc bệnh ĐTĐ, giúp bệnh nhân dễ dàng đạt được HbA1C mục tiêu hơn.

Tích cực điều trị tăng đường huyết, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp với cùng mức độ để làm giảm nhiều nhất nguy cơ bị các biến chứng tim mạch

Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tiền sử hút thuốc lá cũng được xác định là các yếu tố dự báo có ý nghĩa về tử vong do các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là người bị ĐTĐ. Chúng ta có thể làm giảm 58% nguy cơ tử vong do bệnh động mạch vành khi làm giảm được các yếu tố này. Do vậy, việc điều trị tích cực đường huyết cũng phải được ưu tiên tương tự như điều trị rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.

Chuyển tất cả các bệnh nhân mới phát hiện ĐTĐ đến các đơn vị chuyên điều trị ĐTĐ khi có thể

Hầu hết các bệnh nhân này cần một chế độ thuốc điều trị khá phức tạp đòi hỏi chuyên môn cao nhằm đạt được sự cân bằng và phù hợp nhất giữa các thuốc, bao gồm các thuốc điều trị ĐTĐ, điều trị tăng huyết áp và rối loạn lipid máu, aspirin và các thuốc chống béo phì. Một chế độ thuốc phức tạp như vậy đòi hỏi phải được xem xét lại cẩn thận tại mỗi lần tái khám trong quá trình theo dõi.

Hiểu rõ về sinh lý bệnh học của bệnh ĐTĐ týp 2, bao gồm cả việc điều trị tình trạng đề kháng insulin

Khoảng 80-85% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có đề kháng insulin, cùng với tình trạng suy các tế bào sản xuất ra insulin (tế bào bêta). Sự chuyển đổi từ sự dung nạp đường huyết bình thường thành rối loạn dung nạp đường huyết và đến ĐTĐ đều có sự giảm nhạy cảm với insulin và suy giảm chức năng tế bào bêta kéo theo sự mất kiểm soát đường huyết. Kháng insulin cũng có sự liên quan chặt chẽ với một số các yếu tố nguy cơ tim mạch khác và là một yếu tố nguy cơ độc lập bị các bệnh tim mạch. Do vậy, cả kháng insulin và rối loạn chức năng tế bào bêta đều là các mục tiêu quan trọng để can thiệp điều trị nhằm làm cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân ĐTĐ týp 2.

Điều trị sớm và hiệu quả bằng cách phối hợp thuốc để đạt được HbA1C dưới 6,5% trong vòng 6 tháng

Phương thức điều trị kinh điển ĐTĐ týp 2 là kiểm soát đường huyết “theo từng bước”. Điều trị theo từng bước thường gây ra sự chậm trễ không thể chấp nhận được cả về sự đạt được và duy trì đường huyết mục tiêu. Nhiều người chỉ với một thời gian ngắn bị tăng đường huyết cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị các biến chứng vi mạch và biến chứng mạch máu lớn. Chiến lược điều trị mới là phối hợp sớm các thuốc với liều thấp có thể làm cải thiện việc kiểm soát đường huyết mà không làm tăng các tác dụng phụ.

Cần xem xét đến việc phối hợp điều trị

Các chuyên gia khuyến cáo nên điều trị ĐTĐ týp 2 một cách tích cực hơn và nên sớm phối hợp thuốc để điều trị nếu sau 3 tháng điều trị mà không đạt HbA1C dưới 6,5%, cùng song song với việc tăng cường thay đổi chế độ ăn và tập luyện thể lực.

Bắt đầu phối hợp thuốc điều trị hay sử dụng ngay insulin cho tất cả các bệnh nhân có HbA1C trên 9% tại thời điểm được chẩn đoán

Chế độ điều trị cần nhằm vào mục tiêu hạ đường huyết xuống càng gần bình thường và càng sớm càng tốt. Các bệnh nhân có đường huyết khá cao (HbA1C trên 9%) thì nên phối hợp thuốc điều trị ngay từ đầu với 2 thuốc điều trị ĐTĐ có tác dụng bổ sung cho nhau. Trong một số tình huống, đặc biệt nếu bệnh nhân bị bệnh béo phì, lý tưởng là sử dụng insulin cho các bệnh nhân này để nhanh chóng làm giảm HbA1C trước khi chuyển sang sử dụng thuốc ĐTĐ loại uống.

Sử dụng phối hợp các thuốc ĐTĐ có cơ chế tác dụng bổ sung cho nhau

Một lý do làm cho tỷ lệ bệnh nhân đạt được mục tiêu điều trị thấp là sự thiếu hiểu biết về hiệu quả của một số thuốc điều trị ĐTĐ của các bác sĩ. Do vậy hướng điều trị mới là nên lựa chọn các thuốc có các tác dụng hỗ trợ nhau và sự lựa chọn này phụ thuộc vào đặc điểm của từng người bệnh, tuy nhiên cần cân nhắc thận trọng các yếu tố như tác dụng phụ, giá cả, giúp bệnh nhân vừa tiếp cận được thuốc tốt nhất mà không quá sức chi trả.

Nâng cao nhận thức về bệnh tật và biết cách tự chăm sóc của người bệnh

Sự tuân thủ uống thuốc điều trị ĐTĐ thường kém hơn những liệu pháp điều trị khác (ví dụ như sử dụng thuốc giảm lipid máu). Sự hiểu biết về mức độ trầm trọng của bệnh ĐTĐ týp 2  cũng làm cho người bệnh chủ quan. Bên cạnh đó, sự phức tạp của bệnh và thời gian tư vấn của các bác sĩ hạn chế đã làm người bệnh không nhận thức hết mức độ trầm trọng của bệnh cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ chế độ điều trị. Các bác sĩ cần phải thấy được tầm quan trọng của việc tư vấn, giáo dục và động viên bệnh nhân cũng như các thành viên trong gia đình tuân thủ chế độ điều trị và biết cách tự kiểm soát đường huyết của mình tôt hơn.


suckhoedoisong.vn

Cùng chuyên mục

Mướp đắng có thể chữa bệnh tiểu đường
Mướp đắng hay khổ qua - một phương thuốc Trung Hoa xưa có khả năng điều trị đối với bệnh tiểu đường Type 2. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu tại Sydney.
28/03/2008
Cẩn thận với bệnh gan ở người cao tuổi
Người cao tuổi khi bị bệnh gan thường khó điều trị và khó phục hồi hơn ở người trẻ. Biểu hiện bệnh và phương pháp điều trị cũng khác nhau tùy lứa tuổi.
27/03/2008
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và tổng kết công tác y tế năm 2007
(HGĐT)- * Ngày 26.2, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt truyền thống cán bộ ngành y tế nhân kỷ niệm 53 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 2008).
27/02/2008
26% dân nông thôn thường xuyên uống nước lã
Kết quả điều tra ở 20 tỉnh tại 8 vùng sinh thái cho thấy, tình hình nước sạch và VSMT nông thôn nước ta vẫn đáng lo ngại. Hiện vẫn còn 88% hộ dân nông thôn, 63% trường học chưa được sử dụng nước sạch. Trên 80% hộ gia đình nông thôn, hầu hết các trạm xá, chợ, trường học chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đáng lo ngại hơn, 26% dân nông thôn thường xuyên uống nước
26/03/2008