Bệnh tả và thuốc điều trị
Hiện nay đã xuất hiện các trường hợp mắc tiêu chảy cấp do ăn uống thiếu vệ sinh, trong đó nhiều trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp xuất hiện trở lại rất cao. Vì vậy, hơn lúc nào hết mỗi chúng ta cần cảnh giác cao với dịch bệnh nguy hiểm này, đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ăn uống không bảo đảm ATVSTP là con đường đưa bệnh tật vào người. |
Bệnh lây theo đường tiêu hóa, cụ thể là đường phân - miệng thông qua nguồn nước, thực phẩm, rau quả... đặc biệt là một số hải sản như sò, ốc, hến được bắt từ những nơi ô nhiễm hoặc tay bẩn, dụng cụ ăn uống bị ô nhiễm qua ruồi, nhặng, chuột, gián... làm lây lan mầm bệnh.
Bệnh thường xảy ra khi khí hậu nóng - ẩm, nhiều ruồi, nhặng, chuột..., thức ăn dễ ôi thiu, đặc biệt sau khi bị lũ lụt...
Triệu chứng lâm sàng của bệnh tả mức độ nặng
Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bệnh tả sau ăn phải thức ăn, nước uống nhiễm phẩy khuẩn trung bình 2-5 ngày.
* Giai đoạn khởi phát
- Bệnh khởi phát đột ngột bằng đi ngoài phân rất lỏng. Lúc đầu phân có thể ít, sệt sau toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn, mùi tanh hoặc như gạch cua màu trắng nhạt. Đi ngoài dễ dàng, số lượng nhiều (tới 300 -500ml/lần), nhiều lần (tới 30 - 40 lần hoặc hơn/ngày) làm cho tình trạng mất nước nhiều và nhanh: 10 - 15 lít/ngày hoặc 1lít/giờ ở người lớn.
- Có thể có nôn, nôn xuất hiện sau khi đi lỏng vài giờ. Nôn dễ dàng, số lượng nhiều, dịch nôn lúc đầu là nước và thức ăn, sau giống như dịch phân.
- Không đau bụng hoặc chỉ đau nhẹ, sôi bụng.
- Thường là không sốt, một số ít có sốt nhẹ.
- Bệnh nhân mệt lả, khát nước, có dấu hiệu chuột rút nhanh chóng đi vào giai đoạn choáng.
* Giai đoạn choáng
- Thường xuất hiện sau vài giờ đến 1 ngày kể từ khi phát hiện.
- Bệnh nhân vẫn tiếp tục nôn, đi ngoài phân lỏng hoặc đã giảm nhưng nổi bật là tình trạng choáng: lờ đờ, mệt lả, nói thều thào, đứt quãng hoặc không thành tiếng, hoa mắt, ù tai, thở nhanh, nông, có khi khó thở, mặt hốc hác, mắt trũng sâu, má lõm, da khô - nhăn nheo và xanh tím, các đầu chi lạnh, rúm ró. Nhiệt độ < 35oC, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt mạch quay. Huyết áp tụt (huyết áp tối đa < 80mmHg), tiếng tim mờ, có khi loạn nhịp. Bệnh nhân tiểu ít hoặc không có nước tiểu.
Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ chết vì choáng không hồi phục. Được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ vào giai đoạn hồi phục.
Điều trị
- Điều trị càng sớm càng tốt, sau khi có chẩn đoán nghi ngờ phải điều trị ngay, cố gắng điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển đi xa.
- Chủ yếu là bổ sung nhanh và kịp thời lượng nước và điện giải đã mất.
Bồi phụ nước và điện giải
* Bù nước bằng đường uống (xem bảng): Áp dụng cho những trường hợp nhẹ, giai đoạn đầu chưa mất nước nhiều và giai đoạn hồi phục. Có thể áp dụng tại nhà hoặc ở các cơ sở y tế.
- Các loại dịch dùng đường uống: Oresol (ORS) (gồm NaCl 3,5g, NaHCO3 2,5g, KCL 1,5g và glucose 20g) pha với một lít nước sôi để nguội. Có thể pha dịch thay thế: 8 thìa nhỏ (thìa cà phê) đường, 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước uống; hoặc nước cháo 50g và một nhúm (3,5g) muối hoặc nước dừa non có pha một nhúm muối.
- Nên cho uống theo nhu cầu. Nếu nôn nhiều nên uống từng ngụm nhỏ.
Điều trị kháng sinh
Kháng sinh dùng trong điều trị bệnh tả có tác dụng làm giảm khối lượng và thời gian tiêu chảy, rút ngắn thời gian thải phẩy khuẩn tả trong phân.
- Nguyên tắc: chỉ dùng kháng sinh đường uống. Kháng sinh đường tiêm không có lợi. Cho uống kháng sinh ngay sau khi hết nôn (thường sau khi bù nước 3 - 4 giờ).
- Đối với người lớn:
+ Nhóm fluoroquinolon (ciprofloxacin 1g/ngày, norfloxacin 800mg/ngày, ofloxacin 400mg/ngày) uống chia hai lần/ngày x 3 ngày (không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Thận trọng khi dùng cho trẻ 12-18 tuổi.
+ Azithromycin 10mg/kg/ngày uống trong 3 ngày.
+ Chloramphenicol 30mg/kg/ngày uống chia 3 lần, dùng trong 3 ngày.
- Đối với trẻ em 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú: Dùng azithromycin 10mg/kg/ngày uống trong 3 ngày.
- Nếu không có sẵn các thuốc trên có thể dùng:
+ Erythromycin 1g/ngày uống chia 4 lần/ngày (trẻ em 40 mg/kg/ngày) dùng trong 3 ngày; hoặc doxycyclin 300 mg uống 1 liều (dùng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm).
Chú ý: Không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột như morphin, opizoic, atropin, loperamid...
Nuôi dưỡng
Nên cho bệnh nhân ăn sớm ngay sau khi hết nôn, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Trẻ còn bú tăng cường bú mẹ.
Phòng bệnh
- Xử lý phân và chất thải bằng cloramin B 10% tỷ lệ 1:1 hoặc vôi bột.
- Khử khuẩn quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân, phương tiện chuyên chở bệnh nhân bằng dung dịch cloramin B 1-2%, nước javen 1-2% hoặc nước sôi.
- Ngâm tay bằng dung dịch cloramin B, hoặc rửa tay bằng các dung dịch khử khuẩn sau khi thăm khám, chăm sóc bệnh nhân.
- Vệ sinh buồng bệnh ít nhất 2 lần/ngày bằng các dung dịch cloramin B, nước javen 1-2% hoặc các chế phẩm khử khuẩn khác.
- Các chất thải phát sinh trong buồng cách ly phải được thu gom, xử lý như chất thải y tế lây nhiễm.
- Điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc trực tiếp.
- Hạn chế đi lại, giao lưu hàng hóa.
- Vệ sinh môi trường, bảo đảm cung cấp nước sạch
Tuổi
|
Lượng ORS cần sau mỗi lần tiêu chảy
|
Số gói ORS cần thiết
|
< 2 tuổi
|
50 - 100 ml
|
Đủ cho 500ml/ngày (1/2 gói)
|
2-9 tuổi
|
100 - 200 ml
|
Đủ cho 1.000ml/ngày (1 gói)
|
> 10 tuổi
|
Tùy theo ý muốn
|
Đủ cho 500ml/ngày (2 gói)
|