Thực trạng và giải pháp xử lý chất thải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh

16:35, 16/01/2008

(HGĐT)- Nước thải và chất thải rắn y tế bệnh viện là nguồn ô nhiễm, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, có hàm lượng lớn các chất hữu cơ, cặn lơ lửng... Các yếu tố này tác động đến môi trường nước, không khí và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của cán bộ, nhân viên bệnh viện và cộng đồng xung quanh.


 
 Chất thải rắn được phân loại và tập trung tại lò đốt để xử lý ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Để chống ô nhiễm môi trường, ngăn chặn nguồn bệnh dịch lây lan từ bệnh viện, cần thiết phải có biện pháp quản lý và xử lý tốt chất thải rắn và nước thải bệnh viện...


Thực trạng:

Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xây dựng từ những năm 1960, do nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao nên trong những năm qua, cơ sở hạ tầng từng bước được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới. Hiện nay Bệnh viện được Bộ Y tế xếp hạng thuộc bệnh viện đa khoa hạng II, với quy mô 300 giường bệnh. Bệnh viện được sắp xếp theo cơ cấu tổ chức gồm 6 phòng chức năng, 3 đơn vị hậu cần, 18 khoa lâm sàng, 2 khoa cận lâm sàng. Bên cạnh đó, các khu nhà khám, điều trị, nhà cầu, nhà mổ... được xây dựng quy mô với đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại. Hiện nay, hàng ngày trung bình bệnh viện tiếp nhận khám từ 350 đến 400 người bệnh, nhập viện từ 60 người bệnh trở lên, cùng đó người bệnh điều trị nội trú từ 300 đến 350 người bệnh, người nhà người bệnh có khoảng 300 đến 350 người, lưu lượng người bệnh tại bệnh viện trung bình có từ 900 đến 1.000 người. Do số lượng người bệnh đến điều trị và người nhà bệnh nhân đến thăm, chăm sóc lớn như vậy nên trong bệnh viện, các loại chất thải rắn, chất thải lỏng được hình thành tại các khoa, phòng, tổng lượng chất thải rắn của bệnh viện khoảng 300 kg/ngày, trong đó chất thải nguy hại có từ 30 - 40 kg/ngày với thành phần như bông băng, gạc, bơm tiêm nhựa, bộ phận cắt bỏ trong phẫu thuật, bột ...cùng đó là chất thải lỏng như nước rửa, vệ sinh tại các phòng, khoa ... Đây chính là mầm mống gây dịch bệnh và làm ô nhiễm môi trường bệnh viện và khu vực cộng đồng.


Giải pháp xử lý:

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn bệnh viện, cũng như kế thừa kinh nghiệm xây lắp và vận hành một số hệ thống xử lý nước thải và lò đốt chất thải y tế bệnh viện hiện nay, Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và khu công nghiệp trường Đại học Xây dựng đã nghiên cứu, thiết kế lắp đặt hệ thống xử lý nước thải bằng biện pháp sinh học và lò đốt chất thải nguy hại ở điều kiện nhiệt độ cao kết hợp xử lý khói thải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hệ thống này được lắp đặt đưa vào vận hành xử lý từ năm 2003, đây là hệ thống xử lý ô nhiễm hoàn thiện từ các khâu thu gom, phân loại, vận chuyển nước thải, chất thải rắn y tế đến việc xử lý ô nhiễm sơ cấp (nước thải và chất thải rắn y tế) đến ô nhiễm thứ cấp (khí thải lò đốt chất thải rắn y tế và bùn cặn nước thải). Nước thải sau xử lý cũng được tận dụng lại để xử lý khói thải, vừa tiết kiệm được nước sạch, vừa hạn chế được việc xả nước thải ra môi trường bên ngoài. Công trình này đáp ứng được các yêu cầu môi trường và mang lại hiệu quả KT-XH cao, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực.Bác sĩ Đinh Thị Hà, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Ngay sau khi hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải bệnh viện đưa vào hoạt động, bệnh viện đã quy định các loại chất thải rắn trong bệnh viện phải được phân loại sơ bộ tại các khoa, mọi người làm phát sinh ra chất thải phải tự thu gom, phân loạ bỏ vào đúng nơi quy định. Chất thải rắn được phân làm 4 loại và đựng trong túi ni lon hoặc hộp cứng theo quy định, túi ni lon màu xanh đựng chất thải chung không độc, túi ni lon màu vàng đựng chất thải nhiễm khuẩn, hộp cứng màu vàng đựng các vật sắc nhọn. Hộ lý các khoa, buồng bệnh có trách nhiệm đặt thùng rác theo túi ni lon tại các vị trí quy định, tập trung rác từ các buồng bệnh, buồng thủ thuật vào thùng rác chung của khoa, sau đó buộc túi ni lon khi rác đầy 2/3 túi và dán nhãn ghi rõ tên khoa, buồng bệnh trên nhãn, hàng ngày thu gom vận chuyển chất thải hai lần vào buổi sáng, buổi chiều và khi cần thiết. Khi các loại chất thải rắn y tế nguy hại được vận chuyển về nhà lò, tập trung, lưu giữ và được đốt trong lò đốt chất thải y tế, khói thải sinh ra trong quá trình đốtđược xử lý bằng phương pháp nước hấp thụ. Các loại khí thải độc hại có nồng độ nằm trong phạm vi cho phép của tiêu chuẩn môi trường TCVN 6560 - 1999 mới được xả ra ngoài. Các loại chất thải sinh hoạt khác ít nguy hại được tập kết vào các xe và được Công ty Môi trường đô thị vận chuyển về bãi chôn lấp. Còn đối với chất thải lỏng như nước thải từ tất cả các khu vệ sinh, khu điều trị, khu phục vụ... trong bệnh viện qua các hố ga, bể tự hoại... được thu gom và vận chuyển tự chảy theo hệ thống đường ống nhựa về trạm xử lý nước thải, sau khi xử lý xong, một phần nước thải này được sử dụng lại trong hệ thống cấp nước tuần hoàn để xử lý khói thải của lò đốt chất thải y tế nguy hại, bùn cặn tạo thành trong quá trình xử lý nước thải được lưu giữ, ủ lên men trong thời gian từ 3 đến 6 tháng sau đó vận chuyển ra bãi rác thị xã...


Có thể nói rằng, hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu thực tế trong công tác khám, chữa bệnh và đạt được tiêu chuẩn cho phép của tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Đến nay, với công suất 300 giường bệnh của bệnh viện, hệ thống xử lý này đạt được công suất 200 m3/ngày. Đây là bệnh viện lớn nhất có trạm xử lý nước thải và lò đốt chất thải rắn duy nhất trên địa bàn tỉnh ta, việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải bệnh viện có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao sức khoẻ người bệnh và cộng đồng trong khu vực, đồng thời đây cũng là một trong những kinh nghiệm để xây dựng, quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải khác của tỉnh.


Hiến Chương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gần 90% số người dân đội mũ bảo hiểm sai quy cách
Kết quả một cuộc khảo sát việc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho thấy, số người không chấp hành đội MBH rất thấp, chỉ chiếm 0,8% (96 người). Nhưng đáng chú ý là có tới 88,9% người dân đội MBH sai quy cách
26/12/2007
Củ gừng gió trong điều trị xơ gan
Gừng gió ngày càng được nhiều bệnh nhân xa gần trong cả nước tìm để điều trị bệnh xơ gan cổ trướng. Khi dùng gừng gió phải có sự chỉ dẫn nếu không, rất dễ nhầm với các cây ngải, nghệ đen, nghệ vàng, riềng...
21/12/2007
Rau má không chỉ là rau
Rau má rất "lành", có thể ăn hằng ngày. Nhưng rau má không chỉ là một loại rau mà còn là vị thuốc quý, chữa được nhiều chứng bệnh, như: mụn nhọt, rôm sảy, sốt nóng, thiếu sữa sau sinh, táo bón, hư lao, nhuận gan mật, bí tiểu tiện... Ngay cả nền y học phương Tây cũng đã sử dụng rau má làm thuốc từ rất lâu.
19/12/2007
Nguyên nhân gây dịch tiêu chảy cấp
Trước những thông tin cho rằng, mắm tôm là nguyên nhân gây dịch tiêu chảy cấp, dẫn đến thiệt hại cho nhà sản xuất. Hôm nay (18/12), Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã chính thức công bố nguyên nhân gây ra vụ dịch này.
19/12/2007