Miền Bắc, rét chưa từng có

09:20, 30/01/2008

Những đợt không khí lạnh liên tiếp tăng cường đang khiến miền Bắc phải trải qua những ngày rét đậm nhất trong gần chục năm trở lại đây. Hàng nghìn học sinh phải nghỉ học, sản xuất nông nghiệp đình trệ và số gia súc chết lạnh ngày càng tăng sau từng đợt rét, trong lúc một đợt lạnh mới lại chuẩn bị đổ bộ xuống khu vực.


 
 Người dân thủ đô trang bị áo, mũ chống rét.
Rét ơi là rét!

May áo cho trâu bò là ý tưởng của bà con nông dân các huyện vùng cao Lạng Sơn để chống chọi lại cái rét dưới 5 độ C, khi biện pháp che phủ chuồng trại tỏ ra không "ăn thua". Rơm củi dự trữ từ trước cũng được huy động để sưởi ấm cho đàn gia súc trong những ngày này. Thức ăn thô xanh đã được ủ chua, ủ khô từ trước trở thành nguồn thức ăn chính.

Chị Lương - một chủ trang trại lợn có quy mô ở huyện Cao Lộc - cho biết: "Trời rét đậm khiến chúng tôi phải nhập thêm thức ăn công nghiệp vì sức ăn của đàn lợn cao hơn ngày thường. Để chống rét, chúng tôi phải liên tục tưới nước ấm vào chuồng, cọ rửa chuồng sạch sẽ, đồng thời che bạt kín chuồng tránh gió". 

Ở khắp mọi nẻo đường tại TP.Lạng Sơn, đâu đâu cũng thấy một bếp than hồng - dụng cụ sưởi ấm bình dân của hầu hết các hộ gia đình tại đây. Nhiệt độ xuống dưới 5 độ khiến mặt hàng than "cháy" chợ liên tục.

Tại chợ Chi Lăng, than được bán với giá 4.500đ/kg, cao gần gấp đôi so với giá ngày thường. Chị Hoa - chủ cửa hàng hoa quả cho biết: "Mỗi ngày tôi phải đốt khoảng 3 - 4kg than tại cửa hàng để sưởi ấm, chưa kể hai bếp than tại nhà nữa".

Trong khi đó tại Mẫu Sơn (Lộc Bình), nhiệt độ trên đỉnh núi có thời điểm giảm xuống tới -2, -1 độ C và gây ra hiện tượng băng tuyết bám trên cỏ và thân cây.

Những ngày rét lạnh, đàn gia súc tại tỉnh Thái Bình trở nên "nhàn rỗi" khi hầu hết các hộ nông dân phải nhốt gia súc vào chuồng và che bạt phủ kín nhằm dưỡng sức cho gia súc. Nguồn thức ăn cho gia súc từ cỏ tươi giảm đáng kể nên người chăn nuôi đành bổ sung thêm rơm cho các bữa ăn của trâu, bò.

Kỹ sư Phạm Chí Hùng - Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho biết, các nông hộ trên địa bàn vẫn chưa vào vụ do thời tiết rét đậm gây ảnh hưởng đến chất lượng giống. "Chúng tôi đã kiểm tra tại một số vùng đã gieo cấy mạ và thấy gốc lúa không phát triển nên đã chỉ đạo bà con tạm dừng việc gieo mạ, chờ thời tiết ấm lên mới gieo" - ông Hùng cho biết.

Với các diện tích mạ đã được gieo, người dân chống rét cho cây bằng các tấm nilông che phủ và tại một số huyện như Tiền Hải, Thái Thụy và Kim Xương, hơn 95% số hộ nông dân đã tiến hành che phủ bạt nilông cho lúa vừa được gieo. Các hộ chăn nuôi gia cầm ở Đông Hưng và Quỳnh Phụ cũng ráo riết che chắn chuồng trại nhằm giữ đàn gia cầm để bán trong dịp Tết.

Tại huyện vùng cao Sa Pa (Lào Cai), dù đã đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi, song theo UBND huyện, chỉ riêng hai đợt rét đậm, rét hại trong những ngày qua đã làm chết 21 con trâu trên địa bàn các xã Bản Khoảng, Lao Chải và Trung Chải. Các đợt rét đậm còn tác động lớn tới vụ rau đông xuân của bà con nhân dân tại thị trấn và các khu vực lân cận.
 
Trong khi đó, Bắc Cạn cũng đang chịu ảnh hưởng của đợt rét kéo dài nhiều ngày qua với nhiệt độ tại một số khu vực xuống thấp tới 4 độ C. Các cơ quan chuyên môn tại địa phương này hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về ảnh hưởng của rét lạnh đối với sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên theo quan sát, ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ đợt rét này và đã có khá nhiều trâu bò chết do rét lạnh.

Các huyện phía bắc như Na Rỳ, Ngân Sơn, Ba Bể và Pác Nặm chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đợt rét này. Tại các trung tâm y tế tuyến huyện và bệnh viện đa khoa tỉnh, số lượng các ca nhập viện tăng nhẹ, chủ yếu là các bệnh theo mùa như viêm phổi cấp và bệnh cúm.

Rét đến cận Tết

Cơ quan khí tượng thủy văn tiếp tục cảnh báo, tình trạng rét đậm còn kéo dài tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ trong nhiều ngày tới, một số nơi vẫn xuất hiện rét hại. Hiện tại một khối không khí lạnh mới từ Myanmar và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang di chuyển xuống phía bắc.
 
Cùng với nền nhiệt thấp sẵn, khối không khí lạnh này sẽ đem theo mưa phùn rải rác khiến trời trở nên rét buốt hơn và nhiệt độ xuống thấp thêm 1-2 độ C. Sau đó khối khí lạnh này, sẽ được tăng cường trở lại và do đó cho đến cận Tết Nguyên đán, các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đợt rét lạnh này đặc biệt tại nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Lào Cai và Hà Giang xuất hiện băng giá và sương muối. Nhiệt độ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ xuống dưới 10 độ C, có nơi xuống dưới 5 độ C.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVTƯ - bà Nguyễn Lan Châu đánh giá, đây là đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong 10 năm trở lại đây, từ 14.1.2008 và tiếp tục kéo dài đến ngày 2.2.2008.

So với năm ngoái, đợt rét này chủ yếu ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, kéo dài hơn và ở mức độ cao hơn với nhiệt độ xuống thấp hơn từ 3-5 độ C.

"Các năm trước đây chưa có đợt rét nào kéo dài và nhiệt độ xuống thấp như vậy" - bà Nguyễn Lan Châu đánh giá. Nhìn chung các tỉnh Đông Bắc trở vào đến Nghệ An, chuẩn sai và nhiệt độ trong tháng 1 đều ở mức vượt, còn các tỉnh Tây Bắc, hầu hết nhiệt độ vẫn hụt so với chuẩn sai.

Các đợt không khí lạnh tăng cường liên tiếp khiến mưa xuất hiện nhiều và kéo dài trong tháng 1.2008 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ với lượng mưa đều vượt mức trung bình. Tại Đô Lương (Nghệ An), lượng mưa vượt 229%, Quỳ Hợp (Nghệ An) lượng mưa vượt 96%, Yên Định (Thanh Hoá) lượng mưa vượt 85%. Lượng mưa tại một số trạm tại khu vực đông bắc cũng vượt mức trung bình như Thái Bình (vượt 150%), Văn Lý (vượt 131%).

Hà Nội: Trời quá lạnh, một số học sinh sốt cao ngay trên lớp. Ngày 29.1, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đều cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, sáng ngày 29.1, hàng chục phụ huynh chở con đến Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa vẫn ngơ ngác vì thấy sân trường vắng hoe. Theo công văn của Sở GDĐT, thời tiết lạnh dưới 10 độ, học sinh tiểu học được nghỉ học. Nhưng do không chú ý nghe dự báo thời tiết nên nhiều phụ huynh vẫn chở con em mình đến trường.

Thầy Phạm Hữu Thái (giám thị Trường Tiểu học Kim Liên) cho biết: "Từ tuần trước, vào giờ tan học, nhà trường đã phát trên loa thông báo cho phụ huynh học sinh chú ý thời tiết, đồng thời dán thông báo trước cửa lớp và nhắc nhở học sinh. Tuy nhiên, do bận rộn công việc nên nhiều người không để ý. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của các em".
 
Trước tình trạng nhiều học sinh vẫn đến trường trong thời tiết giá lạnh, nhà trường chỉ có cách cử giáo viên túc trực ở cổng thông báo lại cho phụ huynh.

Thời tiết lạnh giá khiến học sinh ở lứa tuổi tiểu học rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Cô Nguyễn Thị Thịnh (GV Trường Tiểu học Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) cho biết, từ khi bắt đầu có đợt rét kéo dài, nhà trường đã họp toàn bộ GV chủ nhiệm và cán bộ phụ trách y tế để có biện pháp nhắc nhở học sinh giữ ấm, phòng chống các bệnh do nhiễm lạnh.

Một số em có sức đề kháng kém đã sốt cao ngay trên lớp, gia đình cần giữ các em ở nhà chăm sóc cho khỏi hẳn mới cho đi học trở lại. Có trường hợp một em học sinh lớp 3 chưa dứt bệnh đã đến trường dẫn đến bị viêm phổi nặng.

Lạng Sơn: Các lớp mẫu giáo và tiểu học đã nghỉ học. Thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn đã kéo dài hơn mười ngày qua tại tỉnh Lạng Sơn kéo theo những thiệt hại ban đầu đối với nhân dân.

Tại Thất Khê, huyện Tràng Định, nhiệt độ trong ngày 28.1 đã giảm xuống còn 6,70C; tại TP.Lạng Sơn vào thời điểm 4 giờ sáng ngày 28.1, nhiệt độ đã giảm xuống 4,30C, thấp hơn ngày hôm trước là 1,10C; huyện Đình Lập 5,80C; tại Khu du lịch Mẫu Sơn, nhiệt độ ban đêm giảm xuống dưới 0 độ, trong đêm 28.1, trên đỉnh Mẫu Sơn xuất hiện băng tuyết kéo dài 5 đến 6 tiếng, buổi sáng nhiệt độ tăng làm băng tan, tuy nhiên vẫn có nhiều du khách lên đỉnh núi Mẫu để hưởng tiết trời 0 độ C vừa tê tái, vừa kỳ thú.

Dự báo trong vài ngày tới, nhiệt độ ở Lạng Sơn vẫn xuống thấp và độ ẩm tăng lên còn gây thiệt hại nhiều cho động, thực vật và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người.

Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Văn Quan đã có khoảng 20 con trâu bị chết rét, riêng xã Công Sơn, huyện Cao Lộc do có độ cao hơm 1.000m so với mực nước biển và nhiệt độ xuống thấp từ 1 đến 3 độ C nên trong ngày 24.1, có tới 8 con trâu bị chết do bị sưng phổi; thảm thực vật thân mềm bị chết héo hàng loạt.

Rét tê tái cũng đã làm tăng số lượng bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa tỉnh khám và điều trị các chứng bệnh về phổi, viêm phế quản. Đặc biệt rét đậm làm cho nhu cầu dùng sử dụng than hoa (than đốt từ cây rừng) ngày càng lớn, giá than hoa tăng lên 3.500 đến 3.700đ/kg, điều đó cũng đồng nghĩa với việc phá rừng đốt than ngày càng trở nên bức xúc.

Tỉnh Lạng Sơn đang chỉ đạo cơ sở có giải pháp phòng, chống rét cho người và động vật; ngành giáo dục đã có hướng dẫn các trường mầm non và trường tiểu học cho học sinh nghỉ học trong đợt rét đậm này.

Lào Cai: Rét đậm làm chết nhiều gia súc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường từ Vân Nam- Trung Quốc tràn xuống, tuần qua, tại Lào Cai xảy ra hai đợt rét đậm, kéo dài từ 2- 3 ngày. Ông Lưu Minh Hải, cán bộ Trạm khí tượng thủy văn Lào Cai cho biết: Đợt 1, từ ngày 22 - 24.1, nhiệt độ thấp nhất tại Sa Pa là 5 độ C, tại TP.Lào Cai là 13 độ C; đợt 2, từ ngày 27- 29.1, nhiệt độ thấp nhất tại Sa Pa ngày hôm nay, vào lúc 7 giờ sáng là 2,9 độ C, tại TP.Lào Cai là 11 độ C.

Nhiệt độ xuống thấp, kèm theo mưa phùn, gây rét buốt, các gia đình tại thị trấn Sa Pa phải dùng than, củi đốt, hoặc mua lò sưởi điện để chống rét.

Ở nhiều địa phương vùng cao từ 1.400 mét trở lên, có hiện tượng băng giá, học sinh phải nghỉ học hoặc lùi giờ học muộn hơn.

Đây là đợt rét đậm thứ tư, kể từ đầu mùa đông năm nay, xảy ra tại Lào Cai. Trước đó, đã có hai đợt rét đậm xảy ra vào cuối tháng 12 và các ngày từ 3-5.1, đợt rét này nặng nhất, sương mù dày đặc và băng giá tại xã Ý Tý, huyện Bát Xát, khiến nhiều chuyến xe khách không chạy được phải hủy; học sinh phải lùi giờ học đến 9 giờ sáng mới bắt đầu được.

Thời tiết rét đậm bất thường, kéo dài liên tục trong thời gian qua, đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp. Số trẻ em và người già đến bệnh viện tăng lên, chủ yếu bị viêm phổi, tiêu chảy, xoang.

Ông Phan Duy Hạnh - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, bốn đợt rét đậm vừa qua đã làm chết 56 con trâu, bò; chủ yếu là gia súc già và bê, nghé non bị chết rét. Các huyện vùng cao như Sa Pa, Bát Xát bị thiệt hại nhiều, do băng giá kèm theo mưa, gây rét buốt.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh và Sở NNPTNT đã chỉ đạo ngành y tế, các trạm khuyến nông và thú y phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho người và gia súc. Tổ chức cấp phát bạt, nilông giúp nông dân che chắn chuồng trại; hướng dẫn nuôi nhốt, không chăn thả gia súc ngoài trời những ngày rét đậm, rét hại.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Lào Cai, trong những ngày tới, Lào Cai sẽ tiếp tục có các đợt rét bổ sung, xảy ra vào các ngày từ 31.1 - 6.2, với cường độ khá mạnh. Dự báo, có thể sẽ có tuyết rơi tại Sa Pa và những vùng núi cao, tương tự như đã xảy ra ở mùa đông năm 1968: Tuyết rơi dày, nhiều đợt, kéo dài trong nhiều giờ, ngay ở cả một số xã vùng thấp của Sa Pa.

Lại gia tăng trẻ em, người già mắc bệnh. Viện Lão khoa ngày 30.1 cho biết, trời lạnh, người già nhập viện tăng đột biến. Mỗi ngày phòng khám có từ 30 - 40 bệnh nhân trong tình trạng nặng. Hiện 120 giường của viện đều kín và không đáp ứng đủ số giường bệnh nên phải chuyển bệnh nhân sang viện khác.

TS Đỗ Thị Khánh Hỷ - Phó Viện trưởng Viện Lão khoa cho hay, trời lạnh kéo dài khiến rất dễ bị tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não) và viêm phổi. Người già sức đề kháng kém nên khi gặp lạnh đột ngột, cơ thể khó lấy lại được trạng thái cân bằng, dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp.
 
Viêm phổi ở người già thường nặng và điều trị khó hơn; mặt khác lại dễ bị bỏ qua, chỉ đến khi nặng mới được phát hiện. Nguyên do là triệu chứng viêm phổi ở các cụ thường không rõ ràng, nhiều cụ chỉ hơi ho, mệt mỏi, không sốt hoặc sốt nhẹ.
 
Do vậy, trời lạnh người già phải giữ ấm đặc biệt đầu, cổ, ngực và bàn chân. Tránh đi ra ngoài, thay đổi tư thế đột ngột, khi ngủ dậy cần phải mặc ấm ngay ra khỏi giường một cách từ từ, khi mở cửa cần đứng nép vào cửa để tránh gió đột ngột.

Tuyệt đối không nên ra ngoài tập thể dục, nên vận động nhẹ nhàng trong nhà (vẫn phải mặc ấm). Không nên dậy sớm quá (lúc 4 - 5 giờ sáng) vì huyết áp lúc đó hay tăng. Không nhất thiết phải tắm hằng ngày, tắm và gội không nên tiến hành một lúc.

Tại BV Nhi TƯ, số trẻ em nhập viện khám và điều trị cũng tăng 30-50% so với thời tiết thông thường. Các cháu chủ yếu mắc bệnh đường hô hấp và tiêu hoá. Nhiều cháu mắc cùng lúc các bệnh nặng như viêm phổi, lị. Hiện khoa hô hấp, tiêu hoá và sơ sinh quá tải nhất, phải ghép đến 3-4 cháu/giường. Những trường hợp không trầm trọng được điều trị tại gia đình.


Lao động

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Miền Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét đậm
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, trong những ngày tới các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh tăng cường, trời sẽ rét đậm, một số nơi rét hại.
29/01/2008
Cách chọn thực phẩm an toàn
Chuẩn bị cho Tết, các bà nội trợ thường mua rất nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm đúng cách thì nhiều người còn chưa biết. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với rau, trái cây nên chọn rau, trái cây còn nguyên cuống, lá không giập, không có đốm màu khác nhau.
28/01/2008
Gần 90% số người dân đội mũ bảo hiểm sai quy cách
Kết quả một cuộc khảo sát việc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho thấy, số người không chấp hành đội MBH rất thấp, chỉ chiếm 0,8% (96 người). Nhưng đáng chú ý là có tới 88,9% người dân đội MBH sai quy cách
26/12/2007
UBND tỉnh tổng kết chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi bổ sung và công tác y tế học đường
(HGĐT)- Ngày 23.1, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi bổ sung và công tác y tế học đường năm 2007.
25/01/2008