Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm
Ngành y tế khuyến cáo đến các gia đình, nếu có triệu chứng bệnh như nôn mửa, tiêu chảy nên đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế, vì nếu đến muộn, người bệnh khó có cơ hội cứu chữa do quá trình chuyển bệnh rất nhanh.
Mắm tôm sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh tiêu chảy cấp. |
Ô nhiễm chủ yếu ở mắm tôm sống
PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã bắt đầu xảy ra từ ngày 23/10 đến nay, tổng cộng đã có 36 bệnh nhân mắc bệnh này trong đó Hà Nội có 30 trường hợp, Vĩnh Phúc 2 trường hợp và Hà Tây 4 trường hợp. Tất cả những bệnh nhân này đã được đưa đến các bệnh viện như Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, bệnh viện Quốc Oai (Hà Tây), Bệnh viện 19/8...
Trước đó, ngày 29/10, Bộ Y tế tuyên bố thành lập “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm” và có công điện khẩn, gửi tất cả các cơ sở y tế trong cả nước để đối phó với căn bệnh này.
PGS.TS Trịnh Quân Huấn cho biết, tiêu chảy cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau do virus, vi khuẩn và do thực phẩm mất an toàn gây nên. Nhiều trường hợp bệnh nhân được điều trị có chung triệu chứng nôn, mất nước, tiêu chảy nhiều. Thậm chí, có những trường hợp phải truyền dịch từ 10 –15 lít mỗi ngày.
Lãnh đạo Bộ Y tế cảnh báo, đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong rất có thể lên tới 50% so với tổng số ca nhập viện. Do đó, ngành y tế khuyến cáo đến các gia đình, nếu có triệu chứng bệnh như nôn mửa, tiêu chảy nên đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế, vì nếu đến muộn, người bệnh khó có cơ hội cứu chữa do quá trình chuyển bệnh rất nhanh. Và nên đưa ngay người bệnh tới Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới - Số 78, đường Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 04 8693538. |
Bệnh tiêu chảy cấp đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ mất nước sau khi nhiễm bệnh cực kỳ nhanh, chỉ từ sáng đến chiều bệnh nhân đã có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, nếu kịp thời được điều trị thì đây lại không phải là căn bệnh khó điều trị, chỉ cần bù nước điện giải kịp thời sẽ đẩy lùi được bệnh.
Ông Huấn cho biết, nguồn thực phẩm ô nhiễm tập trung ở mắm tôm sống. Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Hà Nội và các tỉnh mở chiến dịch tổng tiến công về vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó hải sản, cá tươi, mắm tôm, thực phẩm chưa chín cần loại hoàn toàn khỏi thực đơn của người dân.
Đối với những gia đình của người bệnh, ngành y tế đã phát thuốc sát khuẩn đến từng gia đình, thực hiện xử lý nguồn nước quanh khu vực gây bệnh. Nhân viên y tếtrực 24/24 h ở các khu vực nhiễm dịch. Những người trực tiếp xúc với bệnh nhân đã được điều trị bằng kháng sinh dự phòng.
Hiện nay, có một số kháng sinh đã bị kháng thuốc như têtaxilin..., tuy nhiên, cũng có một số loại kháng sinh điều trị tốt và hiệu quả. Ngành y tế đã có hướng dẫn chuyên môn đến tất cả các cơ sở y tế cấp dưới. Đặc biệt, đối với các tỉnh miền trung như Thanh Hoá, Nghệ An - những tỉnh cung cấp lượng mắm tôm đi các nơi - Bộ đã có công điện khẩn chỉ đạo triển khai các hoạt động chống dịch, sẽ phải ngừng vận chuyển mắm tôm ra ngoại tỉnh và ngay trong nội bộ các tỉnh nhằm mục đích loại trừ mầm bệnh.
Theo dự báo từ Bộ Y tế, đây là một loại dịch đường tiêu hoá lây lan theo thực phẩm nên sẽ có thể xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều tỉnh khác nhau. Do đó, nếu không quyết liệt trong dập dịch ngay sẽ dẫn đến nguy cơ lan nhanh trên diện rộng.
Dự kiến, ngày 31/10, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Sở Y tế các tỉnh và chính quyền các cấp với4 đoàn đi kiểm tra VSATTP tại các tỉnh lân cận như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá. Đợt kiểm tra này sẽ tập trung cho đến khi hết dịch.
Hà Nội: Tạm đình chỉ mắm tôm, mắm tép trong chế biến thực phẩm
Ngày 30/10, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố phát hiện dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đến sức khoẻ người dân.
TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các trường hợp bị tiêu chảy cấp hầu hết liên quan đến thực phẩm không bảo đảm, trong đó có 90% số người bị tiêu chảy là do ăn mắm tôm sống. UBND Thành phố đã quyết định thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp.
Đồng thời Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã quyết định tạm đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép trong chế biến và kinh doanh thực phẩm. TS Tuấn cho biết thêm, tiêu chảy cấp rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.
Bên cạnh đó, khả năng lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh khi ăn có thể từ 6 tiếng đến 5 ngày. Tuy vậy, người dân hoàn toàn có thể phòng chống được nếu tuân thủ các khuyến cáo An toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo thông tin ngày 30/10 của Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới: qua theo dõi của các bác sĩ tại Viện, đối với những trường hợp đưa vào điều trị tại bệnh viện những ngày qua mức độ tiêu chảy thường với cấp độ nặng, tối thiểu tiêu chảy từ 10-20 lần/ngày. Đã có bệnh nhân phải đóng bỉm vì tiêu chảy quá thường xuyên. Cũng theo thông tin từ Viện, tuy các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng nhưng đến nay chưa có bệnh nhân nào tử vong.
Tự bảo vệ bằng cách ăn chín, uống sôi
Để chủ động phòng chống căn bệnh này, TS Lê Anh Tuấn cho biết người dân tuyệt đối không ăn những loại thực phẩm nêu trên, đồng thời lựa chọn những loại thực phẩm rõ nguồn gốc. Ngoài ra phải nấu chín trước khi ăn; uống nước sôi và rửa tay trước khi ăn.
Ý kiến bạn đọc