Người dân Xín Mần hưởng lợi từ dự án chăm sóc SKSS
(HGĐT)- Xín Mần là một trong 3 huyện được chọn làm điểm thực hiện Dự án Nâng cao chất lượng và dịch vụ sức khoẻ sinh sản (SKSS).
Dự án tập trungthực hiện mạnh công tác tuyên truyền thay đổi hành vi cho người dân vùng cao, đặc biệt là người dân tộc ở những xã vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc SKSS cho tuyến y tế từ huyện xuống xã. Đến nay, qua gần 10 năm hoạt động, người dân trong huyện đã được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án.
Chị Hoàng Thị Tính ở thôn Nậm Khương, xã Nà Trì, năm nay 24 tuổi,vừa mới sinh cháu trai thứ 2 tại Phòng Khám đa khoa khu vực Nà Trì; trong niềm vui “mẹ tròn con vuông” chị kể là đã được cán bộ dân số, y tế thôn bạn tuyên truyền, vận động về cách chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh nên những ngày còn mang thai chị đã đến phòng Khám đa khoa khám thai đủ 3 lần và cũng đã được tiêm phòng uốn ván. Mỗi lần đến khám là một lần chị yên tâm hơn vì biết thai nhi phát triển bình thường. Đến khi sinh cháu, chị Tính vẫn không chủ quan mà đến tận Phòng khám để cán bộ y tế đỡ chứ không nhờ bà mụ đến đỡ tại nhà, chị còn được cán bộ y tế tư vấn cho cách chăm sóc cháu nhỏ tốt hơn. Cũng tại Phòng khám Đa khoa khu vực Nà Trì, chúng tôi còn gặp chị Hoàng Thị Hoàn, nhà ở xã Nà Trì đến khám thai lần 2, chị bảo dù có bận việc nhà đến mấy thì chị vẫn phải dành thời gian để đến Phòng khám Đa khoa khám thai định kỳ theo lời vận động của cán bộ y tế, dân số thôn. Chị thực sự cảm thấy hài lòng và yên tâm khi đến khám thai tại đây bởi chị tin vào đội ngũ cán bộ y, bác sỹ ở trạm và những trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc SKSS hiện có...Từ công tác tuyên truyền, vận động chị Tính, chị Hoàn và nhiều chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở xã Nà Trì đều đã nhận thức sâu sắc được việc chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh, được hưởng lơi từ Dự án từ khi mang thai cho đến khi sinh nở. Theo báo cáo của cán bộ Phòng khám Đa khoa Khu vực xã Nà Trì, mấy năm trở lại đây, tỷ lệ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám phụ khoa ngày một tăng, đạt từ 80 đến 90% mỗi năm, tỷ lệ chị em phụ nữ đến khám thai định kỳ và đến sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt từ 70 đến 90%. Qua hoạt động của Dự án, xã đạt được những tiêu trí cơ bản trong công tác dân số, KHHGĐ, đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ những thôn vùng sâu, vùng xa.
Không chỉ riêng xã Nà Trì, người dân ở hầu khắp các xã trong huyện Xín Mần, nhất là những xã được chọn thực hiện dự án đều đã được hưởng lợi nhiều từ các trang thiết bị y tế và các gói dịch vụ do Dự án chăm sóc SKSS đầu tư, hỗ trợ. Điều quan trọng nhất là dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác chăm sóc SKSS và KHHGĐ. Anh Thào Seo Chu, nhà ở thôn Nàn Lý, xã Nàn Ma, cho biết: “ Tôi được tham dự lớp tập huấn quản lý nhóm lồng ghép truyền thông SKSS do Hội Nông dân phối hợp với Dự án chăm sóc SKSS tổ chức. Qua lớp tập huấn, ngoài những kiến thức bổ ích về phát triển kinh tế gia đình tôi đã hiểu hơn về vấn đề chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh, vận động vợ tự nguyện sử dụng các gói dịch vụ do dự án hỗ trợ. Hiện tôi mới sinh được một cháu trai, tôi chưa có ý định sinh tiếp bởi muốn đầu tư nhiều thời gian chăm sóc cho cháu đầu và phát triển kinh tế gia đình, khi nào điều kiện gia đình khá hơn sẽ tính tiếp. Để tránh có thai ngoài y muốn, chúng tôi đã dùng thuốc tránh thai do Trạm Y tế cung cấp...”. Còn gia đình anh Tráng Sào Tin, nhà ở thôn Nà Chăn, xã Nấm Dẩn, dù sinh con cháu trai nhưng gia đình anh vẫn quyết định không sinh tiếp và đã chọn biện pháp đặt vòng để tránh mang thai ngoài ý muốn...Hiện nay, nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ đã có những suy nghĩ rất tiến bộ trong công tác dân số KHHGD cũng như công tác chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh. Nhiều đôi vợ chồng tình nguyện sinh ít con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt và có thời gian phát triển kinh tế, họ đã biết sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhiều hơn để tránh sinh con ngoài ý muốn, người phụ nữ cũng đến cơ sở y tế để khám thai, khám phụ khoa thường xuyên hơn, tránh được các bệnh sản khoa và những tai biến khi sinh nở...Và cũng giống như gia đình anh Chu ở xã, chị Tính, chị Hoàn, dù ít, dù nhiều thì người dân ở Xín Mần đều được hưởng lợi từ Dự án, có thể là được nâng cao kiến thức, cũng có thể là được sử dụng các gói dịch vụ, các trang thiết bị Y tế mà Dự án cung cấp, hỗ trợ...
Nhìn chung, với những hoạt động của mình, Dự án Nâng cao chất lượng và dịch vụ SKSS đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những kiến thức tiến bộ trong công tác chăm sóc SKSS, đồng thời được hưởng lợi từ các gói dịch vụ, từ các trang thiết bị y tế dự án hỗ trợ, đầu tư.
Ý kiến bạn đọc