Góp sức cùng Yên Minh phát triển toàn diện
(HGĐT)- Yên Minh là một trong 3 huyện của tỉnh được chọn làm điểm thực hiện Chương trình hợp tác với UNFPA thông qua Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khoẻ sinh sản (SKSS). Hoạt động của dự án đã nâng cao nhận thức người dân về công tác chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số, từ đó góp phần cùng toàn huyện thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội.
Huyện Yên Minh có trên 12.840 hộ với 70.780 khẩu, sinh sống ở 272 thôn, bản, 18 xã, thị trấn. Do trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế, đường sá đi lại khó khăn nên việc tiếp cận thông tin cũng như các dịch vụ chăm sóc SKSS, trẻ sơ sinh của người dân ở các xã vùng xa còn rất hạn chế; kéo theo một số hậu quả: Tình trạng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không chú ý chăm sóc SKSS dẫn đến mắc một số bệnh sản khoa; trẻ không được chăm sóc ngay từ trong bụng mẹ đến khi chào đời dẫn đến còi cọc, suy dinh dưỡng; các cặp vợ chồng không được tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ dẫn đến tình trạng sinh con ngoài ý muốn, đã nghèo lại thêm phần khó khăn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của từng hộ dân, của cộng đồng, kéo théo những hạn chế cho huyện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội... Đấy là chuyện của những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi mà huyện chưa được triển khai thực hiện Chương trình hợp tác với UNFPA thông qua Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng các dịch vụ SKSS. Năm 1997, huyện bắt đầu được thực hiện chương trình ở chu kỳ 5, đến năm 2001 tiếp tục được thực hiện chu kỳ 6, năm 2006 thực hiện chu kỳ 7 sẽ kéo dài đến hết năm 2010. ở cả 3 chu kỳ, dự án đều tập trung vào các hoạt động truyền thông và cung cấp các trang thiết bị y tế nhằm mục đích giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS, trẻ sơ sinh. Đối tượng chính của dự án là người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Dự án đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao năng lực truyền thông, thay đổi hành vi cho đội ngũ những người làm công tác truyền thông. Trong những năm qua, dự án không những thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, dân số các cấp mà còn cho cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ; Hội Nông dân; Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc các cấp. Kết quả, từ năm 2001 đến nay đã có gần 1.500 cán bộ chủ chốt, cán bộ văn hoá, cán bộ các đoàn thể cơ sở, cộng tác viên dân số, y tế thôn bản được đào tạo kỹ năng truyền thông trực tiếp về thay đổi hành vi. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền đã qua đào tạo nên hoạt động tuyên truyền về DS/CSSKSS và trẻ sơ sinh được thực hiện sâu rộng tới các xóm bản, từ vùng thấp cho đến vùng sâu, vùng xa. Qua giám sát, đội ngũ làm công tác tuyên truyền luôn nhiệt tình, thường xuyên xuống xóm bản thực hiện tuyên truyền. Ngoài việc tuyên truyền miệng do đội ngũ làm công tác tuyên truyền trực tiếp thực hiện, dự án còn tập trung đầu tư các thiết bị truyền thông hiện đại như băng Video, băng catset, đĩa VCD và tài liệu truyền thông đã được in ấn và dịch thành nhiều thứ tiếng đáp ứng yêu cầu của từng vùng, từng dân tộc...Cùng với hoạt động truyền thông, dự án tập trung đầu tư các trang thiết bị y tế: Thiết bị khám phụ khoa, cân trẻ sơ sinh, máy hồi sức trẻ em, túi đẻ sạch, bộ đỡ đẻ; bộ đặt vòng và một số dụng cụ y tế chuyên dụng khác. Các thiết bị này được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Ngoài ra, dự án còn trang bị một số thiết bị phụ trợ cho hoạt động của dự án như: Xe máy, đài cát sét, máy chiếu, màn hình, loa đài, tăng âm...
Dự án đã giúp người dân nâng cao nhận thức; nhờ vậy huyện đã đạt được một số tiêu trí trong công tác y tế, dân số như: Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng trung bình 4% mỗi năm, đến nay đạt trên 70%; tỷ lệ phụ nữ khám thai định kỳ tăng gần 5%, đến nay đạt gần 80%; tỷ lệ phụ nữ bị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa mỗi năm giảm gần 9%, đến thời điểm hiện tại hầu như không còn xảy ra; số phụ nữ sinh nở tại các cơ sở y tế hoặc được cán bộ y tế đỡ tăng bình quân trên 4% mỗi năm, hiện đạt gần 80%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 22%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,66%...
Chất lượng cuộc của người dân vùng cao trên khía cạnh y tế, dân số, trẻ em được nâng lên một bước. Đó chính là điều kiện cơ bản để thúc đẩy các hộ yên tâm, tích cực lao động sản xuất, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Như vậy, dự án không chỉ phát huy hiệu quả trong nâng cao nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi của nhân dân, mà còn góp phần cùng toàn huyện thực hiện tốt các mục tiêu phát triển.
Ý kiến bạn đọc