Làm gì khi bị tụt huyết áp?
Việc tăng hay giảm huyết áp đột ngột đều được xem là những yếu tố không có lợi cho người bệnh tim mạch, người bệnh đái tháo đường, người cao tuổi... Vì vậy cần biết cách xử lý kịp thời nếu người bệnh rơi vào tình trạng tụt huyết áp.
Cần đặc biệt chú ý đến triệu chứng tụt huyết áp ở người già. |
Ngoài những người có tiền sử về bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường… một số người huyết áp bình thường của họ luôn thấp hơn người bình thường, khi hoạt động thể lực mạnh hay thời tiết thay đổi đột ngột làm cho huyết áp không thích ứng kịp, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, khả năng lao động giảm sút.
Làm gì khi tụt huyết áp
Với người bệnh tăng huyết áp đang điều trị bằng thuốc, nếu huyết áp tâm thu khi đứng thấp hơn khi ngồi từ 30 mmHg trở lên thì có nghĩa là bệnh nhân bị tụt huyết áp khi đứng. Điều này đặc biệt lưu ý đối với những người có tuổi đang được điều trị bằng thuốc chống tăng huyết áp nhưng hay than phiền rằng có cảm giác hoa mắt, chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống.
Với những bệnh nhân bị sốt hay tiêu chảy, khi huyết áp tụt xuống một cách đột ngột thì cần phải bù dịch theo đường tĩnh mạch với một lượng dịch tương đối nhanh và nhiều, sau đó người bệnh nên được vận chuyển ngay đến khoa cấp cứu của cơ sở y tế gần nhất để điều trị và chăm sóc tích cực hơn, đề phòng những biến chứng nặng có thể xảy ra.
Với những bệnh nhân bị tụt huyết áp tư thế thì cần đặt bệnh nhân nằm trên giường, đầu hơi thấp, nâng cao hai chân và truyền dịch nếu cần thiết.
Các trường hợp bệnh mạn tính dẫn đến tụt huyết áp thì phải điều trị theo những bệnh mạn tính là nguyên nhân gây tụt áp. Bệnh nhân suy tim có huyết áp thấp cần phải được điều trị bằng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và ức chế men chuyển liều thấp nhằm tăng khả năng co bóp của cơ tim, tăng cung lượng tim, giảm tình trạng ứ trệ tuần hoàn ngoại biên để huyết áp có thể tăng lên.
Một số trường hợp phải sử dụng các thuốc vận mạch bằng đường tĩnh mạch nhằm duy trì cung lượng tuần hoàn trong cơ thể, nhằm nâng huyết áp, bảo đảm đủ điều kiện cho thận hoạt động, tránh suy thận kéo dài.
Phòng ngừa tụt huyết áp
Phòng bệnh mùa hè dễ mắc như tiêu chảy, sốt xuất huyết. Khi mắc bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị để tránh những biến chứng có thể xảy ra, trong đó tụt huyết áp luôn luôn đồng nghĩa với tiên lượng nặng của bệnh.
Người bệnh sốt kéo dài từ 10 ngày trở lên nhất thiết phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và điều trị, tránh bỏ sót những bệnh nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn đường mật, áp-xe phổi, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn mà khi tụt huyết áp có nghĩa là bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng (sốc nhiễm khuẩn). Ở giai đoạn này, mặc dù điều trị rất vất vả và tốn kém nhưng nguy cơ tử vong lại rất cao.
Người bệnh tăng huyết áp đang được điều trị bằng thuốc cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị những dấu hiệu bất thường của mình khi thay đổi tư thế để được phát hiện kịp thời triệu chứng tụt huyết áp tư thế. Bác sĩ sẽ điều chỉnh lại thuốc cũng như liều lượng thuốc đang dùng đồng thời sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp cho bệnh nhân.
Một số người huyết áp trong giới hạn thấp của bình thường (huyết áp 90/60 mmHg) hay than phiền rằng họ làm việc nhanh mệt mỏi, hay buồn ngủ. Những người này có thể uống một số loại trà sâm hằng ngày vào buổi sáng sẽ giúp huyết áp ổn định hơn trong ngày. Tuy nhiên, nên đo lại huyết áp sau 2 - 3 tuần vì huyết áp có thể tăng sau một thời gian dài dùng sâm.
Ý kiến bạn đọc