Kiến thức phòng tránh ngộ độc thực phẩm

17:37, 15/12/2006

Ngộ độc thực phẩm là một ngộ độc hay gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người. Để chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần biết một số kiến thức sau:


1. Các loại thực phẩm dễ bị ô nhiễm và gây ngộ độc:

          Các thực phẩm giàu đạm thường dễ bị ô nhiễm nhất (thịt, cá, trứng, sữa...), sau đến các thực phẩm giàu chất béo (dầu, mỡ, các loại hạt đậu, đỗ, lạc, hạt dẻ, hạt điều...) và có thủy phần cao (rau, trái cây). Đặc biệt cần lưu ý các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, phóng xạ... Ví dụ: Rau, quả trồng ở vùng bị ô nhiễm nước thải công nghiệp hoặc sử dụng phân bón không đúng quy định dễ bị ô nhiễm hóa chất độc, ký sinh trùng. Các nơi nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm chất thải công nghiệp dẫn đến sản phẩm dễ bị ô nhiễm kim loại nặng như: Thủy ngân, chì... Thịt gia súc, gia cầm có thể bị ô nhiễm khi gia súc sử dụng thức ăn có nhiễm những hóa chất độc hại như: Hoóc môn, thuốc tăng trọng, kháng sinh... sử dụng không đúng qui định.

2. Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ súc vật bị bệnh rất có hại cho sức khỏe và tính mạng:

         Súc vật bị bệnh chứa rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc nếu sử dụng thịt hoặc các chế phẩm làm từ thịt của chúng. Khi súc vật bị bệnh, thịt của chúng sẽ chứa các yếu tố gây bệnh cho súc vật mà phổ biến nhất là vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng giun sán... các tác nhân gây bệnh này sẽ được truyền trực tiếp vào người thông qua con đường ăn uống và gây ngộ độc thực phẩm ở người. Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc do ăn phải thịt gia súc, gia cầm bị bệnh như:

- Bệnh than do ăn phải thịt lợn, trâu, bò bị nhiễm trực khuẩn than.

- Người bị nhiễm ấu trùng sán lợn, giun xoắn do ăn phải thịt lợn có chứa ấu trùng sán (lợn gạo), ấu trùng giun xoắn. Sau khi ăn, ấu trùng tới ruột, bám và sống ở niêm mạc ruột non, phát triển trưởng thành gây bệnh tại ruột. Nguy hiểm hơn, ấu trùng có thể vào máu qua hệ thống mạch máu ở ruột non, tới sống ký sinh ở các cơ quan như: Gan, lách, não, mắt gây tổn thương tại các cơ quan đó và có thể gây tử vong.

Tuyệt đối không ăn thịt súc vật bị bệnh. Hãy báo cho cơ quan chức năngnếu phát hiện tình trạng buôn bán thịt súc vật bị bệnh.


Th.S: Vũ Thanh Hiền

(Sở y tế)

Ý kiến bạn đọc