Đoạn đường... “thương tích”!
HGĐT- Tuyến đường Tỉnh lộ 183, đặc biệt là đoạn chạy qua địa phận xã Đồng Yên (Bắc Quang – Hà Giang) đi huyện Lục Yên (Yên Bái) đã xuống cấp nghiêm trọng. Với chiều dài chưa đầy 11km nhưng đoạn đường trên đã khoác lên mình bao “thương tích” do những chuyến xe chở quá tải.
Cống thủy lợi qua đường, đoạn giáp ranh giữa huyện Bắc Quang và Lục Yên đã sập hoàn toàn (ảnh chụp tháng 7.2014).
Không khó để giải thích, khi nhiều lái xe rùng mình di chuyển qua đoạn đường này. Bởi họ phải vượt qua mạng lưới hố “tử thần”, ổ voi, ổ gà chằng chịt, trực gây thương tích cho người đi đường... Những ngày mưa cuối tháng 7 vừa qua, đoạn đường qua thôn Kè Nhạn (Đồng Yên) xuất hiện thêm hố “tử thần”, khiến người dân bức xúc. Hố này xuất hiện trong đêm tối, từ việc tự sụt, lún? Và được lấp đầy bởi nước mưa, đã trở thành bẫy, bẫy người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông. Tại thời điểm trên, anh Đỗ Đức Chinh, ở thôn Kè Nhạn đã sa hố, khiến anh bị thương, còn xe máy bị hư hỏng. Cũng tại đây, 3 trường hợp khác đã ngã xe hoặc đi bộ trượt chân xuống hố, gây thương tích... Những ngày sau, chiếc xe tải mang biển kiểm soát 19N - 4118 do anh Nguyễn Đức Quân (Phú Thọ) điều khiển, chở trên 15 tấn đá xẻ, lưu thông đến đoạn đường trên đã đổ nghiêng xe khi tránh hố sụt, có chiều dài 2,5m, rộng 2,3m và chiều sâu 50 cm (mặc dù trước đó, anh Quân đã dùng khoảng 1m3 đá xẻ trên xe lấp hố, cứu phương tiện nhưng không kết quả.
Không chỉ mang trên mình chằng chịt thương tích bởi hố “tử thần”, ổ voi mà đoạn đường từ thôn Đồng Hương đến hết địa phận xã Đồng Yên, có 2 cống thủy lợi, giao với đường Tỉnh lộ 183 đã sập hoàn toàn, gây cản trở mọi phương tiện tham gia giao thông. Tại điểm cống thứ nhất, chiều dài cống bị sập chiếm quá 2/3 chiều rộng mặt đường. Ô-tô qua khu vực này nếu không chở hàng, có thể khéo léo qua được. Còn chở hàng nặng, buộc phải nhờ người dân bắc cầu gỗ để qua. Tại vị trí cống thứ 2, giáp với địa phận huyện Lục Yên, từ đầu năm 2013, chiếc cống đã sập hoàn toàn. Vị trí sập chiếm toàn bộ chiều rộng mặt đường và lấn trên 1,4m chiều dài, khiến mọi phương tiện tham gia giao thông không thể qua lại được.
Xe quá tải đổ nghiêng khi tránh vị trí sụt, lún được nhiều người đặt câu hỏi: “Tự mình bẫy mình?”.
Trước thực tế trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần thay cống thủy lợi. Tuy nhiên, sức chống chịu của cống không “chọi” được sức nặng hàng chục đến trên 100 tấn của 40-70 xe tải qua lại/ngày. Để có đường đi lại, người dân đã lấp đất, đá vào vị trí cống sập để bằng với mặt đường. Song, vào mùa gieo cấy, cống thủy lợi không còn khả năng điều tiết nước, làm ảnh hưởng đến 17 ha lúa quanh khu vực đó. Và thật bất tiện, tốn kém khi người dân phải sử dụng máy bơm, tận dụng những điểm thuận lợi về nguồn nước để tưới dưỡng lúa, mặc dù... có cống thủy lợi điều tiết nước tưới. Còn khi mưa, lũ về, buộc người dân phải nạo vét toàn bộ đất, đá dưới cống, để thoát nước. Nếu không, sẽ gây ngập, úng toàn bộ diện tích lúa, ao xung quanh và làm đoạn đường thêm hư hại. Điều đó đồng nghĩa với việc, người tham gia giao thông phó mặc sự an toàn của mình cho may, rủi khi đi qua khu vực cống sập. Đặc biệt vào buổi tối, không có đèn cảnh báo, nguy hiểm luôn rình rập những phương tiện lần đầu lưu thông hoặc lái xe với tốc độ cao, không kịp xử lý tình huống bất ngờ khi gặp đoạn đường trên... Giờ đây, nỗi lòng chung của người dân địa phương chính là sự bất lực và ngao ngán khi: “Xe chở quá tải đã phá thành công con đường!”. Mặc dù, đường xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nhưng hàng ngày, vẫn có biết bao lượt xe lưu thông mà không chuyển hướng khác. Anh Hoàng Văn Duẩn, thôn Đồng Hương, chia sẻ: “Việc bắc cầu qua cống không hề đơn giản. Vì gỗ nặng nên cần nhiều người giúp sức. Nếu làm ván cầu không chắc chắn, đặt cầu không đúng vị trí bánh xe, có thể gây tai nạn cho phương tiện tham gia giao thông. Chúng tôi thường xuyên có mặt ở đây, giúp lái xe ô-tô qua cống sập, bất kể đó là ngày hay đêm”. Còn khi không có ô-tô qua lại, 2 ván cầu gỗ được ghép thành một để xe máy qua lại dễ dàng. Tuy vậy, nhiều người nhận định: “Là thanh niên, nếu run tay còn khó qua được đoạn cống sập, chứ chưa nói đến người có tuổi và phụ nữ mang thai”.
Khi kết thúc những ngày mưa, mực nước qua cống xuống thấp, người dân trong thôn dùng nhiều đoạn gỗ, trải vừa chiều dài, rộng của cống sập, lấy đất phủ bằng mặt đường để các phương tiện có thể lưu thông. Tuy nhiên, cách làm tình thế này chỉ có thể kéo dài trong thời gian ngắn. Vì ván gỗ không đủ sức bền với dàn xe quá tải vẫn đêm ngày đều đều lăn bánh. Và chẳng may, nếu một phương tiện khi lưu đến vị trí cống này, bất ngờ đúng lúc ván gỗ sập, gẫy sẽ để lại những hậu quả khó lường...
Mong sao, vòng luẩn quẩn: Xe quá tải – hỏng đường – sập cống – khắc phục – tiếp tục hỏng..., sớm được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, trả lại bình yên cho con đường, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ý kiến bạn đọc