Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn Tăng cường trách nhiệm cá nhân
HGĐT- Khoảng chục năm trở về trước, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn là một trong những điểm “nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật quý hiếm trái phép; bởi nơi đây vẫn còn nhiều loại động vật, gỗ quý hiếm... Để quản lý, bảo vệ an toàn cho các loài động vật và những cánh rừng; nhiều năm qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực thực hiện nghiêm các quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), động vật quý.
BQL có trụ sở chính tại xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ), trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh và được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 5.000 ha rừng tại 4 xã là Bát Đại Sơn, Cán Tỷ, Thanh Vân, Nghĩa Thuận của huyện Quản Bạ. Trong đó, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên trên 3.210 ha, còn lại là rừng khoanh nuôi bảo vệ và rừng trồng với rất nhiều loại gỗ quý hiếm, như nghiến, kháo đá, thông đá... Được biết, lực lượng cán bộ của BQL nơi đây quá mỏng, chỉ với 6 cán bộ, bao gồm 2 cán bộ quản lý, 1 kế toán và 3 cán bộ phụ trách địa bàn. Bình quân mỗi cán bộ phải phụ trách, quản lý hơn 1.000 ha rừng; trong đó có những thôn xa cách trụ sở BQL hàng chục km mà phương tiện đi lại làm nhiệm vụ, anh em đều phải tự túc. Tìm hiểu về những khó khăn, thuận lợi trong công tác quản lý, BVR ở đây, chúng tôi được anh Lệnh Xuân Chung, Trưởng BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn cho biết: Địa bàn rộng, đi lại khó khăn với 17 km đường biên giới giáp nước bạn Trung Quốc; đặc biệt là những xã, thôn có diện tích rừng đặc dụng, tự nhiên lớn như Pải Chu Phìn, Sà Ngán, Thào Chu Phìn; xã Bát Đại Sơn, Nghĩa Thuận có rất nhiều loại gỗ, động, thực vật quý hiếm nên công tác quản lý, bảo vệ được BQL giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, từ lãnh đạo đến nhân viên phải thường xuyên có mặt tại cơ sở cùng chính quyền và cán bộ lâm nghiệp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ địa bàn được phân công phụ trách. Đặc biệt, cán bộ được phân công phụ trách địa bàn không những thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án quản lý, BVR mà còn phải làm tốt công tác tuyên truyền tới mọi người dân, đặc biệt là những hộ dân sống trong vùng lõi của rừng đặc dụng, rừng tự nhiên về nội dung các văn bản, chỉ thị, Luật Bảo vệ và phát triển rừng; không săn bắn các loại động vật quý hiếm. Cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên giao ban với BQL để kịp thời báo cáo diễn biến tình hình hoạt động, qua đó đề xuất nhiệm vụ, công việc cho thời gian tiếp theo. Ngoài ra, mỗi năm BQL còn phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng của huyện, xã tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho hàng trăm lượt hộ; tổ chức ký cam kết không để xảy ra cháy rừng; củng cố, kiện toàn các tổ, đội quần chúng BVR. Đồng thừoi, tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy cao và các tụ điểm buôn bán, vận chuyển lâm sản, động vật quý hiếm trái pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã phát hiện 6 vụ vi phạm Luật Quản lý và BVR, giao cho địa phương xử lý.
Với tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, nhân viên BQL cùng sự quan tâm chỉ đạo, của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác quản lý, BVR ở khu bảo tồn thời gian gần đây luôn đạt kết quả tốt; góp phần, bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm, đảm bảo sự phát triển rừng bền vững tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc