Dư âm của nỗi đau da cam
HGĐT- Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đã lùi xa, nhưng hậu quả và dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong mỗi người dân đất Việt; có những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, có những người may mắn trở về với gia đình nhưng mang trong mình những dị tật và di truyền đến đời con cháu...
Nhân kỷ niệm 50 năm Thảm họa chất độc da cam/điôxin; để chia sẻ những nỗi đau, vất vả của những nạn nhân đang ngày ngày phải chống chọi với cơn đau, bệnh tật của chính bản thân và các con, chúng tôi tìm đến thăm gia đình CCB Hoàng Văn Pao, sinh năm 1950, thôn Tân Tiến, xã Hùng An (Bắc Quang), một trong những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Anh cho biết, anh ra nhập ngũ từ năm 1969, khi đó người thanh niên trẻ người dân tộc La Chí mới tròn 19 tuổi, cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, một trong những nơi mà đế quốc Mỹ thả nhiều chất độc hoá học. Đến năm 1975, khi đất nước hoà bình, anh xuất ngũ trở về địa phương và mang trong mình chất độc hoá học điôxin do đế quốc Mỹ thả xuống chiến trường thời đó. Trong 6 người con của anh được sinh ra đã có 5 người mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, sinh ra cháu nào cũng không được lành lặn về thể xác, có cháu học rất giỏi nhưng đôi chân bị teo lại, có cháu vừa chào đời đã mất, có cháu gia đình vất vả chăm nom gần 17 năm nhưng cháu chỉ như một đứa trẻ lên ba tuổi, sau rồi cũng vĩnh viễn ra đi... Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Trong những ngày đó, có những đêm vợ chồng anh phải thức trắng để chăm sóc các con đau ốm. Đến nay, trong 6 người con thì có 3 người đã mất, duy nhất đứa con gái cả là chị Hoàng Thị Hương (SN 1977) là không bị ảnh hưởng, còn 2 con là Hoàng Thị Huệ (SN 1988) và Hoàng Thị Huê (SN1981) bị ảnh hưởng... Chia sẻ với chúng tôi, anh Pao cho biết: Hiện nay, tình trạng sức khoẻ của anh bị nhiễm 61%, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, vợ chồng tuổi đã cao không lao động sản xuất được, hơn nữa anh thường xuyên phải đi nằm viện... Không biết cuộc sống sẽ như thế nào, chỉ biết trông chờ vào tiền phụ cấp hàng tháng.
Chia tay gia đình CCB Hoàng Văn Pao, chúng tôi đến thăm gia đình CCB Nguyễn Đức Cường, SN 1949, ở thôn Kim Bàn, xã Hùng An. Anh Cường cho biết: Từ năm 1969 – 1975 anh tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Trị, Tây Nguyên. Những năm đó, đế quốc Mỹ ném bom rất ác liệt. Hoà bình lập lại, anh về địa phương lập gia đình và đi học ở trường Công nghiệp rừng Cúc Phương, sau đó về công tác tại Lâm trường Vĩnh Hảo, đến năm 1989 được nghỉ chế độ do mất sức lao động. Cuộc sống, thu nhập gia đình gặp rất nhiều khó khăn, anh lại phải cùng gia đình mua đất để trồng cam kết hợp với chăn nuôi... Nhưng bệnh tật ngày một nặng anh đành bỏ trồng cam, chăn nuôi để về trồng cây cảnh ở nhà. Qua những ngày lao động cực nhọc, đối phó với những cơn đau của bản thân, đến nay, thu nhập gia đình đã có bước cải thiện hơn, các con đều đã trưởng thành... Nhưng nhiều khi “trái gió trở trời” căn bệnh lại tái phát...
Chia tay 2 gia đình, chúng tôi thiết nghĩ rất cần có sự quan tâm, chia sẻ hơn nữa của cộng đồng để giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho các gia đình CCB nói chung và những nạn nhân chất độc da cam nói riêng có thêm nguồn động viên để “chiến đấu” với những cơn đau, bệnh tật mà họ đang ngày ngày phải chịu đựng.
Ý kiến bạn đọc