Làng hạ sơn Minh Khai những điều trăn trở
HGĐT- Hạ sơn là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa chính trị, KT - XH lớn của tỉnh. Tuy nhiên, bà con một số làng hạ sơn hiện vẫn còn gặp vô vàn khó khăn khi chuyển về nơi ở mới như: Thiếu vốn, tư liệu sản xuất, công việc không ổn định... khiến cuộc sống đã khó nay càng khó hơn. Làng hạ sơn thuộc tổ 1, phường Minh Khai bên khe núi Mỏ Neo (T.p Hà Giang) là một minh chứng.
Mẹ con bà Poọc tại “ngôi nhà” trên đỉnh núi Mỏ Neo. |
Dự án làng hạ sơn phường Minh Khai được thực hiện từ năm 2000, với mục tiêu đưa những gia đình đang ở trên sườn núi cao về sinh sống tập trung tại vùng thấp để thuận lợi hơn trong việc quản lý nhân khẩu, giúp bà con có điều kiện sống tốt hơn, dễ tiếp cận với những chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo. Bên cạnh đó, nhờ sống tập trung đồng bào có thể hỗ trợ, động viên nhau khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Nhưng đó mới chỉ là mục tiêu, còn thực tế thì...
CHUYỆN 4 NĂM BÂY GIỜ KỂ LẠI...
Ngày nay, có thể nhiều cư dân ở T.p Hà Giang không biết đến sự tồn tại của một ngôi làng hạ sơn nhỏ bé, khiêm tốn của bà con các dân tộc Mông, Nùng, Dao, Giấy... trước đây sinh sống rải rác trên sườn núi Mỏ Neo. Cái nơi mà bất cứ ai khi đặt chân đến lần đầu đều cảm nhận được sự khác biệt hoàn toàn so với “chốn phồn hoa, đô thị” cách đó chừng 2km. Đấy chính là cái nghèo - nghèo đến xác xơ - của 15 hộ gia đình, với 65 khẩu, hạ sơn sau hơn 10 năm (từ năm 2000) tồn tại. Theo lời bà Đỗ Thị Ngân, tổ trưởng tổ 1, phường Minh Khai thì trong số đó có đến 14 hộ thuộc diện nghèo, duy nhất 1 hộ khá hơn chút ít mới đang... trong diện cận nghèo(!).
Từ cái lần đầu tiên đến với nơi đây (năm 2007), chúng tôi đã thấy mình phải có trách nhiệm đem “câu chuyện” này đến với công chúng, bạn đọc, với chính quyền các cấp của thị xã Hà Giang nay là T.p Hà Giang, cũng như hi vọng tìm được sự đồng cảm hay những “tấm lòng vàng” để góp phần nào thay đổi cuộc sống cho bà con nơi đây...y vậy mà, đã 4 năm sau bài báo: “Giải pháp nào cho 12 hộ hạ sơn phường Minh Khai?”(Báo Hà Giang, số 728 - Thứ 3, 28.8.2007), nay trở lại, nơi đây cũng chẳng thay đổi là mấy khiến chúng tôi phải đặt câu hỏi: Mọi sự vật, hiện tượng đều vận động, phát triển. Sao nơi đây vẫn “đứng im”?.
Nhớ lắm, những ngày cuối tháng 8.2007, khi chúng tôi trèo lên lưng chừng núi Mỏ Neo để tìm gặp lão Chản (nhân vật chính của bài viết). Lão có tên đầy đủ là Phùng Văn Chản (sinh 1956 - lão cũng chẳng nhớ chính xác năm sinh của mình), dân tộc Dao. Gia đình lão Chản thuộc diện hạ sơn, có nhà cửa tử tế, nhưng lão vẫn dắt díu vợ cùng 2 con quay lại lưng chừng núi để sống. Và đây cũng chính là lý do khiến chúng tôi không quản ngại dốc cao, muỗi rừng tìm đến với lão để tận mắt kiểm chứng điều mà người đời nói về lão, về cái làng nghèo đó: “Ôi dào, lão Chản đấy và gần như cả cái làng ấy lười chẩy thây, chẳng chịu làm ăn gì cả! Chỉ biết hái củi, bẻ hoa chuối tây non, già bán rong ở các phường trên địa bàn thị xã để lấy tiền mua gạo với rượu thôi. Không bán được thì mang về băm nhỏ ninh nhừ làm mồi uống rượu và cho vợ, con ăn thay cơm gạo...” hay là: “Làm chưa xong việc đã đòi tiền công thì có ai dám thuê lao động...”... Quả thật, đôi khi người đời cũng rất “nhiều chuyện” làm cho người dân nơi đây đã khó còn mang tiếng “chưa tốt”. Và cũng chính vì “lời góp lời” gây cho bà con đã ít việc lại càng khó kiếm việc hơn.
Chui vào lều gia đình lão Chản, nhìn cái nồi méo mó, đen xì gần đầy hoa chuối tây băm nhỏ, ninh nhừ với chút muối trắng đặt giữa phản. Thấy người lạ, lão vội bê nồi “cơm” duy nhất ra sau lán, rồi lùa mấy đứa nhỏ ra ngoài đấy ăn tiếp, để tiếp chuyện chúng tôi:
- Hết gạo, trưa nay ăn vậy thế tối ăn gì? Chúng tôi hỏi.
- Thì hoa chuối còn đầy mà, tối băm ra nấu ăn tiếp, vẫn vậy mà!
Lão trả lời một cách trơn tuột như chính chén rượu lão vừa nuốt xuống cổ họng khiến chúng tôi chẳng muốn hỏi gì thêm. Ngẫm ra cũng phải, nếu ở dưới làng có đất sản xuất lại độ dốc thì cao, bao bọc xung quanh toàn cây công nghiệp của các trang trại, vườn rừng nên cũng khó (!?). Vì vậy, mò lên núi còn có đất làm nương trồng vài đấu ngô, dăm hốc bầu, bí; còn có hoa chuối, măng tre, vầu để bán sống cho qua ngày, đoạn tháng là điều đương nhiên... Đó chính là lý do lão Chản và một số hộ bỏ làng hạ sơn “quay đầu về rừng”. Chỉ thương lũ trẻ, đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học mà phải cùng mẹ, theo cha lên rừng. Nhìn 2 đứa trẻ con lão, thằng lớn đút “cơm” cho con bé vừa cười đùa vô tư như chính cây rừng Mỏ Neo mà lòng tôi quặn đau...
Ngôi nhà tình thương của gia đình bà Poọc tại làng hạ sơn. |
Cứ như vậy, bám lấy thiên nhiên mà sống, mà lớn... Theo như lời ông Nguyễn Đình Dần, Bí thư cụm (từ năm 2000 đến nay) cho biết: “Khi làng hạ sơn hình thành, mỗi hộ hạ sơn được dựng 1 ngôi nhà nhỏ với trị giá thời điểm năm 2000 là 5 triệu đồng, tường tooc-xi, mái lợp Phi-bro xi-măng và gần như không có đất nông nghiệp để sản xuất, chăn nuôi. Phường và tổ dân phố đã rất nhiều lần đến tuyên truyền, vận động không chỉ gia đình anh Chản mà cả những hộ khác như: nhà ông Lù Dỉ Quáng, Đặng Văn Dầu quay về làng nhưng cũng chỉ được 1 thời gian, khi hết sự đầu tư, hỗ trợ, không kiếm được việc làm thuê là lại dắt díu nhau quay lên núi...”.
Bài toán “hậu hạ sơn” quả thật vẫn “khó giải” và những bữa ăn hoa chuối thay cơm sẽ còn tiếp diễn dài dài nếu như chưa có “đáp án”.
CHUYỆN CŨ MÀ VẪN MỚI...
Nay, chúng tôi quay lại với một niềm hi vọng lớn lao về sự đổi thay của cuộc sống nơi đây: Không còn những nồi hoa chuối thay cơm; không còn những lán, lều và những đứa trẻ bỏ học lang thang khắp mọi nẻo rừng Mỏ Neo, lớn lên cùng cây, cỏ.y vậy mà..!
Hiện, làng đã thay đổi một chút về diện mạo vì có 2 ngôi nhà mới. Một là Nhà tình nghĩa của Tập đoàn Viễn thông quân đội - Chi nhánh Viettel Hà Giang trị giá hơn 30 triệu đồng tặng cho gia đình cụ Đặng Thị Pàm (sinh năm 1941), dân tộc Dao, di cư từ xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) về năm 2007. Gia cảnh của cụ Pàm cũng thật đáng để trăn trở vì cả nhà có 4 khẩu thì cụ lại là lao động chính. Người con trai duy nhất thì bị thiểu năng trí tuệ; cô con dâu cũng có biểu hiện thần kinh không ổn định; chỉ có niềm an ủi duy nhất là đứa cháu gái mới hơn 1 tuổi lại bị bệnh tim bẩm sinh. Còn gia đình nào bất hạnh hơn nhà cụ Pàm? Ngôi nhà mới thứ 2 chính là Nhà tình thương của gia đình lão Chản được phường, tổ nhân dân vận động bà con, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ xây dựng với trị giá trên 50 triệu đồng. Ngôi Nhà tình thương kiên cố, khang trang hơn và cao ráo hơn thay cho ngôi nhà cũ nằm dưới lòng suối. Nhưng buồn thay nhà mới có rồi (năm 2010) mà lão Chản đã mất từ hồi tháng 10.2009 ( m lịch) hưởng dương được có 53 năm. Vậy là lão đã ra đi thanh thản, hết kiếp khổ của một đời người. Nhưng còn vợ con lão sẽ sống ra sao? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá:
Con dâu và cháu nội cụ Đặng Thị Pàm - cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh tại làng hạ sơn phưởng Minh Khai. |
Người chúng tôi gặp đầu tiên trong quá trình khám phá lại là lão Quáng, vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát như xưa, dù tuổi lão đã ngoài 60. Y như lần trước, lại thứ rượu tự ngâm cây rừng có mầu đỏ quạch, vừa nồng, vừa hắc đến là khó uống. Thế mà lão Quáng chỉ 1 hơi đã cạn hết chiếc chén Hoa hồng rồi nói cái câu đúng như ngày xưa đã từng nói: “Uống đi, tốt lắm!” rồi cười hề hề.
- Lại lên nhà nó à? (Ý lão Quáng nói lều của lão Chản). Chẳng có gì thay đổi đâu, vẫn cái lều ngày xưa mới được dựng lại để 3 mẹ con con Poọc, vợ thằng Chản ở thôi...
Đúng như lời vợ lão Quáng nói, chẳng có gì thay đổi so với 4 năm về trước. Không gian vẫn vậy: Vài khóm chuối rũ lá, tả tơi; những mỏm đá tai mèo thâm xì, đen thui chính như số phận của những người sống nơi đây. Nghe vợ lão Chản tâm sự mới thấu hiểu lý do “bỏ nhà lên núi”: “Chẳng muốn ở trên này đâu, nhưng ở đây còn trồng được ít cây nọ, cây kia mà ăn, kiếm được ít củi mà bán để mua mắm muối chứ cứ ở dưới làng không có đất canh tác, sáng lên chiều về thì mệt, mà ở dưới chẳng ai trông con, lên đây vừa làm vừa trông nhau tốt hơn. May lắm nha, con Khướu (Phùng Thị Khướu) được người ta nhận nuôi rồi (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh). Giờ chỉ còn thằng lớn với con bé này ở với mình thôi. Cũng không phải ăn hoa chuối nữa vì đã có tiền trợ cấp hàng tháng, được hẳn 220 nghìn đồng, rồi nhờ bà Tổ trưởng mua gạo cho...”.
Nay đã có gạo để ăn qua ngày, nhưng còn 2 đứa nhỏ: đứa lớn cũng 13 tuổi, đứa nhỏ mới lên 2, tương lai của chúng sẽ ra sao? Không chỉ riêng con nhà lão Chản mà còn những đứa trẻ trong làng vì nhiều lý do nên đã bỏ học, như bé Lù A Kiều, đang học lớp 7, trường THCS Minh Khai, con ông Lù A Hưng cũng bỏ học trước Tết 2011(!?)... Không nhẽ những đứa trẻ này lại trở thành lão Chản, lão Quáng trong tương lai (!?).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, các cấp lãnh đạo phường Minh Khai cũng như bà con tổ 1 cũng có khá nhiều giải pháp hỗ trợ, đầu tư bằng nhiều cách cho làng hạ sơn, như: kêu gọi hỗ trợ kinh tế để làm mới những ngôi nhà đã xuống cấp; hỗ trợ 30.000 đồng tiền điện sinh hoạt/hộ gia đình; dùng nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ 6 - 8 triệu mua trâu, bò nuôi luân chuyển nhưng chỉ chăn nuôi được 1 thời gian ngắn, bà con lại bán “đầu cơ nghiệp” đi để trả gốc vốn vay vì lý do quanh làng toàn là rừng cây lâm nghiệp, cây ngắn ngày nên không có chỗ chăn thả và không có người chăn dắt. Ngoài ra, phường cũng đã chủ động làm “Bìa đỏ” đất ở cho bà con nhưng người dân nơi đây cũng chưa thể lấy được vì không có tiền nộp thuế đất...
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND phường Minh Khai – ông Nguyễn Thành Long - cho biết: “Những điều khó khăn, bất cập tại làng hạ sơn, phường nắm rất rõ và thường xuyên có sự quan tâm, ưu tiên đưa các chương trình, dự án cũng như kêu gọi cộng đồng, các đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ vốn, vật liệu để xóa nhà tạm, đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp ngắn hạn, chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Trong thời tới, phường sẽ tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành và cả cộng đồng; động viên, tuyên truyền hơn nữa để bà con mạnh dạn tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi sản xuất, chăn nuôi, từng bước thoát nghèo bền vững. Cũng trong năm nay, phường dự kiến sẽ xóa thêm 02 nhà tạm cho hộ Lù A Hưng và Khằm Thị Toàn...”. Thiết nghĩ, chỉ với những giải pháp như vậy thì không có tính lâu dài, bền vững và với chức năng, quyền hạn của phường Minh Khai thì cũng không giải quyết được triệt để, “tận gốc” của vấn đề, nếu như chỉ trao cho người dân một mái nhà mà không trao cho họ “cần câu” và không dạy cho bà con “cách câu”.
Chia tay làng hạ sơn Minh Khai, với những gì của riêng chúng tôi gửi lại cho bà con chỉ là sự đồng cảm và một chút tấm lòng như “muối bỏ bể” làm cho không chỉ chúng tôi mà tất cả mọi người phải đặt ra những câu hỏi: Làm như thế nào? Có cách gì? Giải pháp ra sao để thay đổi được những số phận của bà con nơi đây? Rất cần sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành cũng như toàn xã hội...
Hà Giang 30.6.11
Mọi đóng góp xin gửi về:
Tòa soạn Báo Hà Giang
Địa chỉ: Số 5, đường Nguyễn Huệ, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
Điện thoại: 02193.866419 - 3866589
Tài khoản: 934.02.00.000.21 - Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc