“Bến đậu” của những mảnh đời bất hạnh

18:13, 11/07/2011

HGĐT- Bác Hồ dù đã đi xa, nhưng đạo đức, lý tưởng của người luôn sáng mãi, soi bước cho con cháu học tập và noi theo... tựu chung lại thì điều cốt lõi trong mỗi tư tưởng của Bác đều sáng ngời lên chữ "Tâm". Một trong những nơi đã và đang thực hiên rất tốt chữ "Tâm", đó chính là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang.


 

 Anh Vũ Văn Huệ, Trưởng phòng Kế hoạch - quản lý đối tượng, kiểm tra chất lượng bữa ăn tại bếp ăn của Trung tâm BTXH tỉnh.


Nơi mà toàn thể cán bộ, CNVC học tập và làm theo tấm gương của Bác một cách toàn diên, được bắt nguồn từ những điều rất bình dị nhưng không phải ai cũng làm được. đó là chăm sóc trẻ nhỏ, người già cô đơn, không nơi nương tựa như chính ông - bà, cha - mẹ, con - em mình...

Vượt lên gian khó...

Sau hơn 15 năm thành lập (năm 1996) cho đến nay, trải qua biết bao thăng trầm, gian khó về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người... nhưng những người cán bộ, CNVC nơi đây vẫn chăm chỉ, miệt mài chăm sóc, giúp đỡ những số phận cơ nhỡ, không nơi nương tựa và dù có quá lời thì những cán bộ Trung tâm đang hoàn thành xuất sắc công việc của mình bằng tấm lòng “Bồ Tát”. Từ trẻ sơ sinh cho đến các cụ già khi về với “mái nhà” Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đều được chăm sóc tận tình, hết mình với một thái độ ân cần, thân thiết...; làm cho nơi này luôn chan hòa tiếng cười, tràn đầy tình yêu thương giữa người với người, giữa cán bộ với cụ già, trẻ nhỏ và chính giữa những số phận éo le với nhau...


Trung tâm có một không gian mở, rộng lớn, thoáng mát, được thiết kế, quy hoạch khá hợp lý giữa các khu vực làm việc, nơi ăn, ở sinh hoạt được tách biệt. Nằm xen kẽ trong khuôn viên là những loại cây ăn quả: Xoài, nhãn, na... đang kỳ đơm hoa, kết trái sai trĩu cành... Dường như, không chỉ những người đang ăn, ở, sinh hoạt tại nơi đây mà đến cả cây trồng, vật nuôi cũng rất tươi tốt như để đền đáp lại công ơn của người chăm sóc. Theo như anh Trưởng phòng Kế hoạch - Quản lý đối tượng Vũ Văn Huệ (công tác tại Trung tâm từ ngày thành lập cho tới nay) tâm sự khi đưa chúng tôi tới thăm các cụ, các cháu: “Các cây trái được trồng tại Trung tâm là do chính công sức lao động của các cháu và cán bộ sau những giờ học tập, làm việc tranh thủ tăng gia sản xuất, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn hàng ngày đều rất tươi tốt. Đây cũng chính là một môi trường sống trong lành, giúp cho các cụ già, trẻ nhỏ có không gian sống tốt lành hơn, gần gũi nhau hơn...”. Hiện nay, dù rằng phần nào đó cơ sở hạ tầng của Trung tâm vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, ăn ở. Nhưng sau hơn 15 năm tồn tại với thời gian, nắng, mưa nên đã dần xuống cấp khiến cho nơi đây luôn mang trong mình dáng vẻ “già cỗi” hơn so với cái tuổi “Trăng rằm”. Và theo như lời tâm sự của anh Trần Quang Bắc, Giám đốc Trung tâm thì: “Sự hình thành, phát triển của Trung tâm theo từng giai đoạn khác nhau nên cơ sở hạ tầng có thể gọi là đầy đủ nhưng chưa đồng bộ. Hệ thống công trình phụ, vệ sinh cách xa nhà ở trên 100m nên mỗi lần các cụ hay các cháu cần đi vệ sinh thường phải đưa, đón rất nhiều lần mỗi đêm... Trong khi đó, chỉ có 9 cán bộ trực chăm sóc, theo dõi, 3 cán bộ cấp dưỡng cho 49 đối tượng, gồm: 11 cụ ông, bà; 38 trẻ. Vì vậy, Trung tâm đã linh động trong việc phân công công tác cho cán bộ trực 1 ngày, nghỉ 1 ngày luân phiên nhau để có thời gian để chăm sóc gia đình riêng và cũng để phục hồi sức khỏe sau mỗi ca trực 1 ngày, đêm”.


 

 Cụ Lù Thị Rích, dân tộc Nùng, xã Tả Nhìu (Xín Mần) được đón về Trung tâm BTXH tỉnh từ năm 2006.


Đó mới chỉ là một số điều khó khăn trong muôn vàn những cái khó của Trung tâm như: Sự bất đồng ngôn ngữ; nhiều trẻ rất nhút nhát, không dám tiếp xúc với ai vì bị thay đổi môi trường sống; đối với trẻ trong độ tuổi đến trường đều được miễn các khoản tiền học phí, tiền xây dựng nhưng còn những khoản tiền nộp phát sinh trong quá trình học, Trung tâm vẫn phải đóng góp cho trẻ như bình thường... và điều khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề chế độ cho những đối tượng tại đây, chỉ với 520.000đ/ người/ tháng mà trong thời kỳ lạm phát, giá cả leo thang, việc duy trì đảm bảo ngày 3 bữa ăn cho mọi người rất vất vả... Trước thực tế đó, Trung tâm vẫn duy trì đầy đủ mọi chế độ; công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh định kỳ luôn được đảm bảo; ngoài thời gian học tập, vui chơi thể dục thể thao, đơn vị còn tổ chức cho các em, lao động, sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Trong thời gian qua, từ nguồn rau xanh các loại, bán 2 con lợn thịt do các em trồng và nuôi thu về được hơn 6 triệu đồng. Số tiền này đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện bữa ăn cho chính các đối tượng tại Trung tâm. Với “thực lực” vốn không mấy “dồi dào” của Trung tâm mà để duy trì cho tất cả đối tượng có một cuộc sống ổn, đầm ấm với đúng nghĩa “gia đình” thì quả đúng là vượt lên gian khó...


Vẹn tròn chữ “Tâm”...

Có đi thì mới biết! Câu nói này rất chính xác nếu trực tiếp đến với nơi đây, nơi mà chữ “Tâm” được phát huy hết thảy ý nghĩa: thương người như thể thương thân; sự cảm thông, chia sẻ với người khác lúc hoạn nạn, khó khăn; toàn tâm, toàn ý cho công việc, cho sự nghiệp, lý tưởng của mình...


 

 Một bữa ăn trưa của trẻ em cơ nhỡ tại Trung tâm BTXH tỉnh.


Trung tâm Bảo trợ xã hội đã trở thành “mái ấm” thật sự đối với những mảnh đời cơ nhỡ, nhất là đối với các cụ già không có người thân, gia đình chăm sóc khi mà đã bước vào “tuổi xế chiều”. Với thái độ tận tình chăm sóc, giúp đỡ từ miếng ăn đến giấc ngủ như những người con đối với mẹ già, như một người mẹ đối với đàn con thơ. Cụ Vàng Thị Chảo (sinh năm 1934), trước đây trú tại thôn Nà Đồng,thị trấn Yên Minh, tâm sự: “Tôi được đưa về đây năm 1998, vì hoàn cảnh neo đơn, tuổi già bệnh tật, không có người chăm sóc nên địa phương đã giúp đưa tôi về đây. Thật như mơ, cả cuộc đời cơ cực, nay về đây không phải lo bươn trải kiếm từng bữa ăn, ốm đau được khám, chữa tận tình. Biết ơn cán bộ lắm, chỉ mong sống thật khỏe mạnh cho tới lúc chết để cán bộ đỡ vất vả thôi...”. Có lẽ, tâm sự của cụ Chảo cũng chính là nỗi niềm, là tiếng lòng của các cụ có cùng hoàn cảnh. Điều mong ước của họ thật giản dị, không gì hơn là những ngày cuối của cuộc đời là được chăm sóc, được sống trong tình yêu thương. Và chính nơi đây, Đảng và Nhà nước đã, đang góp phần làm tròn vẹn ước mơ tưởng chừng đơn giản mà khó thực hiện đó.


Dẫu đã rất nhiều lần đến với nơi đây, tôi vẫn không khỏi xúc động khi ngắm nhìn những ánh mắt trong veo, hồn nhiên của những đứa trẻ chưa thực sự được một lần biết gọi cha, gọi mẹ. Dù chỉ một lần thôi, một lần duy nhất trong đời cũng đủ làm các em thêm yêu cuộc sống, không còn cảm giác lạc lõng giữa “biển đời” bao la. Hay tận mắt chứng kiến những đôi mắt trũng sâu, vô cảm, luôn nhìn mông lung về phía chân trời, kèm với tiếng thở dài hắt ra. Những tiếng thở buồn cho số phận hay cho chính những người thân vì lý do nào đó mà để các cụ vào đây (!?). Lẽ ra, ở cái tuổi các cụ được quây quần bên con, bên cháu, nay lại lặng lẽ bên nhau. Thường thì mỗi cụ một nơi tìm cho mình chốn riêng, đơn thân, chiếc bóng chìm vào cõi lặng, như để mơ về ngôi nhà hạnh phúc xa xăm. Đó là một thứ hạnh phúc hết sức bình dị của bao người, không có gì có thế sánh nổi, cũng như đánh đổi được. Vậy mà nơi đây... biết bao số phận, mảnh đời già có, trẻ có đến rồi đi mãi mãi! Nguyễn Thị Thúy, người con gái đất Vị Xuyên, vào làm việc tại Trung tâm từ năm 1998 tới nay tâm sự: “cũng đau, xót lắm mỗi khi các cụ “ra đi”. Từ ngày vào làm cho đến nay, đã chứng kiến hơn 20 cụ qua đời trong cảnh quạnh hiu. Ông bà đã dạy “nghĩa tử là nghĩa tận” cho nên mỗi khi có cụ qua đời là Trung tâm lại cùng nhau làm “ma”, người thì làm cơm cúng, người thì lo hương khói và cùng nhau khấn, liệm... Mong sao cho các cụ được “mồ yên, mả đẹp” và cũng thầm cầu mong nếu có kiếp sau sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn, đầm ấm hơn...”. Được biết, hiện nay 20h tối thứ 7 hàng tuần, Trung tâm thường xuyên tổ chức buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho toàn thể đối tượng và cán bộ của đơn vị. Cũng tại buổi sinh hoạt thường niên này Trung tâm còn kết hợp với việc tuyên truyền những chủ trương chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước; các chương trình thi đua và nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Theo Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chính nhờ những buổi sinh hoạt như vậy, mà không chỉ các em nhỏ, các cụ già chấp hành tốt hơn những quy định về ăn ở, sinh hoạt mà còn giúp cho toàn thể cán bộ CNV vượt qua khó khăn, gian khổ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao một cách toàn tâm, toàn ý...”.


Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang với những gì đang làm đã thực sự trở thành chỗ dựa bình yên, “bến đậu” của những mảnh đời bất hạnh. Nơi đây đang cần lắm những “tấm lòng vàng”, cần lắm những gì để chắp, vá cho những mảnh đời bất hạnh, cho những tâm hồn cô quạnh nơi đây luôn đầy ắp tình người.

 

Mọi đóng góp xin gửi về:

1, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang

Địa chỉ: Tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang;


2, Tòa soạn Báo Hà Giang.

Địa chỉ: Số 5, đường Nguyễn Huệ, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

Điện thoại: 02193.866419 - 3866589;

Tài khoản: 934.02.00.000.21- Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Giang.


Phóng sự của NGUYỄN PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông dân đóng vai trò quan trọng trong điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Văn Liệu, Ủy viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra trung ương cho biết, ngày 1/7 tới, sẽ có khoảng 175.000 điều tra viên cùng 4.000 giám sát viên, chỉ đạo viên các cấp trực tiếp tiến hành cuộc tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản trên phạm vi gần 130.000 địa bàn điều tra. Các câu hỏi điều tra sẽ đơn giản, dễ hiểu với bà con
30/06/2011
Ngày hội tri ân khách hàng, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi
HGĐT- Ngày 26/6/2011 tại Trung tâm Văn hoá huyện Bắc Quang, Cty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức Ngày hội tri ân khách hàng và trao 10 xuất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường tiểu học Việt Vinh (Bắc Quang).
28/06/2011
Hiệu quả khởi động Năm Thanh niên ở tỉnh ta
HGĐT- Năm 2011 là năm được Đảng và Nhà nước ta chọn là Năm Thanh niên với phương châm hành động ”Vì một môi trường xã hội lành mạnh cho tuổi trẻ”.
27/06/2011
Công đoàn NHCSXH tỉnh: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ văn hóa, chuyên môn cho CBVC-LĐ
HGĐT- Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển các mặt hoạt động của NHCSXH tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Công đoàn (CĐ) NHCSXH tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức chính trị, trình độ văn hóa, chuyên môn cho cán bộ, viên chức - lao động (CBVC-LĐ).
27/06/2011