Với Nguyễn Văn Toàn, con đường làm giàu không nhất thiết phải vào đại học
HGĐT- Tốt nghiệp cấp 3, không như nhiều bạn cùng trang lứa đổ xô tìm đường vào đại học, chàng trai Tày Nguyễn Văn Toàn ở thôn Chang, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) lại nghĩ, con đường làm giàu không nhất thiết cứ phải vào đại học. Suy nghĩ ấy đã đúng với Toàn, một chàng trai năm nay mới 26 tuổi, nhưng đã có ý chí vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn.
Sự hỗ trợ của huyện như đòn bẩy cho quyết tâm của Toàn, anh dùng vốn để mở rộng quy mô chuồng trại lên 360m2 và mua thêm giống. Toàn tâm sự, làm chăn nuôi cần phải biết nắm bắt thời điểm cũng như kỹ thuật thì mới chắc chắn. Vì thế, có những thời điểm nắm bắt được cơ hội về sức tiêu thụ, về giá cả, Toàn đã nuôi đến 180 con lợn thịt như đợt Tết vừa qua. Qua đó, năm 2010 là năm đầu tiên chăn nuôi với quy mô lớn, Toàn đã xuất chuồng 20 tấn lợn thịt, thu về gần 600 triệu đồng. Nhưng thời gian từ đầu năm 2011 đến nay, Toàn đã xuất chuồng một khối lượng lợn thịt lên đến 23 tấn và do giá lợn tăng cao, tổng giá trị thu về đạt khoảng 1 tỷ đồng. Và hiện trong chuồng, Toàn đang nuôi đến trên 120 con lợn, trong đó số lượng chuẩn bị xuất chuồng cũng khá lớn.
Không chỉ chăn nuôi lợn, Toàn còn mở rộng đầu tư phát triển thêm các diện tích cam với 100 gốc, chè, rừng trồng keo, riêng diện tích lúa của gia đình anh mỗi năm cũng cho thu về khoảng 6 tấn thóc... Hiện nay, anh đang đầu tư chuyển đổi các diện tích ruộng cho năng suất thấp để đào ao thả cá rộng khoảng 2.000m2. Toàn cho biết, năm 2010, trừ chi phí đầu tư sản xuất, Toàn thu về khoảng 100 triệu đồng từ lợn, lúa, chè, cam và từ đầu năm đến nay Toàn cũng thu lãi từ chăn nuôi đạt trên 80 triệu đồng. Nếu chăn nuôi ổn định, từ giờ đến cuối năm sẽ là khoảng thời gian rất thuận lợi cho Toàn nâng cao thu nhập. Số tiền lãi thu về, Toàn hoàn tất việc thanh toán ngân hàng theo đúng quy định, đồng thời tiếp tục tái đầu tư mở rộng chuồng trại để tới đây nâng từ 16 lên 40 chuồng nuôi lợn và đầu tư thả cá.
Là đoàn viên trẻ nên Toàn rất ham học hỏi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật. Toàn cho biết, mùa đông nuôi nhiều để giữ ấm cho đàn lợn, mùa hè nuôi ít hơn để đỡ nóng, giúp lợn phát triển nhanh hơn. Từ nguồn phân chăn nuôi, Toàn đã đầu tư làm bể khí bioga để vừa giữ vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo cung cấp 100% năng lượng cho nấu nướng của gia đình. Không chỉ là người chăm chỉ làm ăn, Toàn còn được biết đến như một người có tinh thần nhường nhịn và giúp bố mẹ chăm lo cho vợ và các em đi học. Dưới Toàn là một cậu em đang học Đại học Y Thái Nguyên và một cô em gái đã tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ thông tin.
Với những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đến nay gia đình Toàn được công nhận là gia đình nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Vinh dự hơn, cuối năm 2010, Toàn đã được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của...
Ý kiến bạn đọc