Nhiều điểm mỏ khai thác đá có nguy cơ mất an toàn lao động
HGĐT- 47/50 điểm mỏ khai thác khoáng sản làm vật liêu xây dựng thông thường (VLXDTT) được kiểm tra đều có nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ) do không tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình khai thác.
Trong số các doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng, rất ít đơn vị đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại như Nhà máy Đá xẻ Vị Xuyên. |
Trong đó, 12 mỏ nằm trong nhóm có khả năng mất ATLĐ ở mức độ thấp, 24 mỏ có khả năng mất ATLĐ. Điều này cho thấy, đã đến lúc cần phải gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề ATLĐ trong quá trình khai thác khoáng sản làm VLXDTT, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vụ viêc đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXDTT, vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở Công thương chủ trì đã thành lập 3 tổ công tác, tiến hành kiểm tra tại 47/50 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác. Nội dung kiểm tra tập trung ở 3 lĩnh vực gồm: Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXDTT, kiểm tra các nội dung như thuyết minh dự án khai thác, thiết kế cơ sở, thiết kế khai thác mỏ, quyết định bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, việc tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn trong khai thác mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, kiểm tra khai trường khai thác mỏ, bãi thải rắn, công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; lĩnh vực bảo quản, sử dụng vật liệu nổ gồm các nội dung như Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), thủ tục xuất – nhập VLNCN, báo cáo tình hình sử dụng VLNCN, phương án khoan, nổ mìn, công tác lập hộ chiếu khoan, nổ mìn, kế hoạch phòng, ngừa ứng cứu sự cố khẩn cấp đối với kho, phương tiện vận chuyển VLNCN nội bộ, công tác bảo quản, sử dụng VLNCN tại công trường; đối với lĩnh vực ATLĐ, đoàn công tác tập trung kiểm tra việc xây dựng nội quy ATLĐ, trang bị bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Xâm nhập thực tế cùng các tổ công tác, chúng tôi nhận thấy: Tỉnh ta được thiên nhiên ưu đãi nguồn khoáng sản làm VLXDTT rất phong phú, đó là hệ thống các mỏ đá được trải dài ở khắp các địa phương trong tỉnh. Tận dụng lợi thế này, nhiều HTX, doanh nghiệp đã lập hồ sơ xin khai thác đá làm vật liệu xây dựng, đến nay, UBND tỉnh đã cấp hàng chục giấy phép cho các tổ chức tiến hành khai thác. Việc khai thác đá làm VLXDTT đòi hỏi quy trình rất nghiêm ngặt, đặc biệt độ an toàn trong quá trình khai thác đòi hỏi các HTX, doanh nghiệp phải coi trọng, thực hiện đầy đủ, nếu bỏ qua một quy trình nào thì tài sản của doanh nghiệp, tính mạng người lao động sẽ rất mong manh trên những công trường khai thác. Nhằm đảm bảo ATLĐ tại những khai trường khai thác đá, hàng năm các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra cả liên ngành, chuyên ngành, qua đó kịp thời phát hiện sai phạm trong quy trình, kỹ thuật khai thác và khuyến cáo các đơn vị phải chấp hành. Thực tế chứng minh, trên địa bàn tỉnh tuy chưa xuất hiện những vụ việc lớn, nhưng tai nạn đã xảy ra, máu người lao động đã nhuộm đỏ những thớ đá. Đặc biệt, sau vụ tai nạn sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) thời gian vừa qua làm 18 người chết, 7 người bị thương, nguyên nhân chính do chủ đơn vị khai thác không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật an toàn trong khai thác thì yêu cầu ATLĐ tại những khai trường khai thác đá lại đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.
Qua kiểm tra thực tế tại các đơn vị khai thác, kết quả thu được không khỏi khiến chúng ta phải lo ngại, phần lớn các mỏ đã cấp được các đơn vị tổ chức khai thác với quy mô nhỏ, phương tiện kỹ thuật thô sơ, việc tổ chức khai thác thiếu chặt chẽ, nhiều mỏ nằm sát đường giao thông, khu dân cư nên tính an toàn không cao. Bên cạnh đó, một điều rất đáng lưu ý đó là người chủ các đơn vị được cấp mỏ rất hạn chế trong việc tiếp cận các văn bản, quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình khai thác nên hầu hết các đơn vị chưa bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ hoặc có bổ nhiệm nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn; một số đơn vị dù đang tiến hành khai thác nhưng vẫn chưa lập thiết kế mỏ trình các cơ quan có thẩm quyền; chưa xây dựng phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2011; kho bảo quản VLNCN chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định phòng cháy, chữa cháy, trang thiết bị đều hết hạn sử dụng, hàng rào kho hư hỏng, không kịp thời sửa chữa, sử dụng VLNCN ở nhiều điểm khai thác đá vôi khi chưa được cấp phép...đã gây nguy cơ mất an toàn cho người và ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
Đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXDTT, qua kiểm tra 47/50 điểm mỏ cho thấy: Công nghệ và trang thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản chưa đồng bộ, việc khoan, nhồi thuốc nổ chủ yếu được tiến hành theo phương pháp thủ công; việc tổ chức khai thác phần lớn không tuân thủ thiết kế mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dẫn tới hiện tượng chập tầng, gây nguy hiểm cho người lao động. Tại các huyện vùng cao núi đá phía Bắc, tình trạng khai thác khoáng sản làm VLXDTT khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép diễn ra tại nhiều điểm mỏ nhưng chính quyền cơ sở gần như buông lỏng quản lý nên không biết...
Điều rất đáng lưu ý đó là công tác ATLĐ tại các khai trường đã bị xem nhẹ, nhiều đơn vị khai thác chưa xây dựng hồ sơ về ATLĐ, phần lớn công nhân chưa qua đào tạo, huấn luyện ATLĐ theo quy định của pháp luật; tại khai trường, các đơn vị chưa xây dựng và thực hiện nội quy lao động, việc dựng biển báo nguy hiểm, biển cấm còn mang tính hình thức; hầu hết các đơn vị chưa cử cán bộ phụ trách công tác ATLĐ, người lao động chưa được trang bị đầy đủ bảo hộ và phương tiện bảo hộ cá nhân. Qua kiểm tra công trường khai thác mỏ đá vôi làm VLXDTT, hầu hết các đơn vị không tuân thủ theo đúng quy trình, quy phạm an toàn trong khai thác đá lộ thiên, tổ chức khai thác nhưng không làm đường lên vị trí khai thác, để xảy ra chập tầng, có nguy cơ mất an toàn cao.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lưu Tùng Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trước thực trạng tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản làm VLXDTT, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, trong đó nêu cụ thể những thủ tục còn thiếu hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, chỉ ra những hạn chế trong công tác ATLĐ cần phải khắc phục, đồng thời tạm đình chỉ hoạt động khai thác VLXDTT với mục đích thương mại tại nhiều điểm mỏ để doanh nghiệp khắc phục sự cố chập tầng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là ý thức tuân thủ quy định pháp luật về ATLĐ của các chủ mỏ cần phải được nâng cao, có như vậy, họ mới chủ động thực hiện đầy đủ các quy tắc về an toàn trong quá trình khai thác. Và chỉ khi họ nhận thức đầy đủ, tự nguyện thực hiện, tuân thủ đầy đủ các quy định trong quá trình khai thác thì mới hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra...
Ý kiến bạn đọc