Khát vọng làm giàu
Thay đổi cuộc sống của mình cũng như của địa phương là khát vọng của nhiều bạn trẻ trong số 300 thanh niên được lựa chọn tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến học tập làm theo lời Bác diễn ra đầu tháng 6 tại TPHCM.
Tuổi trẻ Việt Nam với khát vọng vươn tới. |
Lê Vĩnh Sơn, SN 1973, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Quốc tế Sơn Hà, chia sẻ trong kinh doanh học tập và làm theo lời Bác chính là luôn giữ chữ tín với khách hàng. Khách hàng của doanh nghiệp do anh làm chủ ở đây trực tiếp là người dân hằng ngày tiêu thụ sản phẩm. Nhờ giữ chữ tín với khách hàng, sản phẩm bình nước mang thương hiệu Sơn Hà đã xuất khẩu ra nhiều nước, được VCCI và Cty nghiên cứu AC Nelsen khảo sát, bình chọn nằm trong Top 100 thương hiệu mạnh Việt Nam. Là Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Vĩnh Sơn cho biết đã và đang đem quan điểm đó chia sẻ với các đồng nghiệp.
Nguyễn Thị Hòa, 32 tuổi, xã Cường Thịnh, (huyện Trấn Yên, Yên Bái) là chủ cơ sở sản xuất chè đen trị giá hàng tỷ đồng. Từ một công nhân kỹ thuật, trong nhà máy chè Yên Bái, năm 2005 chị Hòa cùng chồng về quê vay vốn ngân hàng, tự mày mò mở cơ sở sản xuất chè. Hiện cơ sở do chị làm chủ có trên 20 nhân công với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Cơ sở của chị luôn đến tận nơi thu mua nguyên liệu đúng giá cho người dân dù điều đó khiến lợi nhuận bị giảm. “Tôi luôn tự nhủ mình phải học tập Bác ở đức tính cần - kiệm. Cần trong chữ cần cù, kiệm trong tiết kiệm chi tiêu, trong thời gian cũng như sử dụng sức lao động”, chị Hòa chia sẻ. Năm 2009, chị Hoà được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Đình Của.
Nguyễn Tất Dũng, SN 1979, Phó Giám đốc Cty xây dựng Hầm lò 2 - Vinacomin tại Quảng Ninh, khẳng định mình bằng những sáng kiến giúp phát triển Cty. Anh quan niệm: “Học tập Bác chính là ý nghĩ luôn sống và làm việc vì lợi ích của tập thể trước khi nghĩ đến bản thân mình”. Năm 2010, Dũng cùng Ban Giám đốc Cty đưa ra nhiều sáng kiến đẩy nhanh tiến độ công trình, giúp Cty hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm sớm hơn 1 tháng, tiết kiệm hàng tỷ đồng. Anh chia sẻ, trong thời điểm kinh tế khó khăn, thành công trên được coi là cú hích ngoạn mục. Tốt nghiệp ĐH Mỏ địa chất, Dũng về quê làm việc. Sau 10 năm lăn lộn các công trình hầm lò, anh gặt hái hàng loạt giải thưởng của Cty, tập đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Anh còn kiêm nhiệm vai trò cán bộ Đoàn, tham gia sinh hoạt cùng thanh niên.
Nhiều đại biểu thanh niên khác chứng minh khát vọng làm giàu, góp phần phát triển quê hương như: Lý A Sùng (Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai) làm giàu với mô hình kinh tế VAC; Nguyễn Mạnh Cường, SN 1984, chủ cơ sở sản xuất làm ván bóc (Phúc Lộc, Yên Bái); Chíu Chăn Lỳ (Tiên Yên, Quảng Ninh) làm giàu với mô hình chăn nuôi gia súc; Hoàng Văn Chiếm, dân tộc Tày (Lục Yên, Yên Bái) chủ mô hình kinh tế trang trại trị giá trên 2 tỷ đồng... |
Ý kiến bạn đọc