Hoàng Su Phì với công tác giải quyết việc làm
HGĐT- Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết việc làm đối với sự phát triển bền vững, những năm qua huyện Hoàng Su Phì đã có những chính sách, biện pháp hỗ trợ, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với lao động ở vùng nông thôn, trong các ngành kinh tế ở các lĩnh vực nông - lâm nghiệp; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong năm 2011, theo kế hoạch phân bổ của tỉnh về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện Hoàng Su Phì được giao tổng số tiền 1.780 triệu đồng để tạo việc làm cho 1.100 người, phấn đấu giảm 850 hộ nghèo trong năm 2011. Căn cứ kế hoạch, chỉ tiêu tỉnh giao, ngay từ đầu năm 2011, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cấp đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tích cực đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng miền, cùng với đó là đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, dịch vụ thông qua việc hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế địa phương; các dự án hỗ trợ trực tiếp để giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp và thiếu việc làm.
Trong quý I năm 2011, huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo Trung tâm dạy nghề huyện phối hợp với các ngành, khối đoàn thể tổ chức mở được 13 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 454 học viên tham gia, đạt 41,27% kế hoạch giao, trong đó đã mở được 2 lớp xây dựng dân dụng với 59 học viên; 3 lớp chăn nuôi thú y, thu hút 102 học viên tham gia; 4 lớp kỹ thuật trồng nấm, sửa chữa điện tử, điện dân dụng với 130 học viên. Ngoài ra, huyện trực tiếp hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vay vốn từ quỹ Quốc gia về hỗ trợ việc làm; phối hợp với các cơ quan, cơ sở doanh nghiệp tạo mọi điều kiện cho người lao động tiếp cận với các ngành nghề mới, nâng cao tay nghề. Nhờ đó đã có hàng trăm lao động tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhiều lao động đã có những dự định, kỹ năng nghề nghiệp tự tạo việc làm cho mình, cho gia đình. Đặc biệt việc hỗ trợ mỗi lao động được vay 20- 30 triệu đồng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, ngoài tỉnh đã tạo ra cơ hội mới, giúp người lao động có thu nhập, vươn lên làm giàu. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2011, huyện Hoàng Su Phì đã đưa được trên 80 lao động đi làm việc tại nước ngoài, tỉnh bạn. Với những hoạt động đó, vấn đề việc làm của huyện Hoàng Su Phì đang từng bước được giải quyết. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống đáng kể, thời gian sử dụng lao động nông thôn được tăng lên, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực sản xuất nông- lâm nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động trong dịch vụ thương mại...Tuy nhiên, việc giải quyết việc làm ở Hoàng Su Phì còn gặp những khó khăn, đó là chất lượng lao động còn thấp, nhất là lao động ở khu vực nông thôn chưa qua đào tạo, chưa có tay nghề cao; việc làm cho người lao động còn thiếu, chưa ổn định; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chưa chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch kinh tế. Công tác đào tạo lao động chưa bám sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, đặc biệt là số người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm còn chiếm tỷ lệ cao.
Để giải quyết ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn đối với công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng đề án chiến lược cho giải quyết việc làm giai đoạn 2010- 2015, có tính đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh tới mục tiêu trung bình mỗi năm giải quyết cho trên 1.000 lao động trở lên; gắn đào đạo nghề cho người lao động với giải quyết việc làm; mở rộng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung đào tạo một số ngành nghề mà thị trường lao động, địa phương có nhu cầu. Tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có khả năng tạo ra nhiều việc làm mới; cùng với đó là liên kết chặt chẽ với các đơn vị, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Ý kiến bạn đọc