Tạo màu xanh cho Cao nguyên đá Đồng Văn

19:00, 25/04/2011

Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá được chính phủ phê duyệt từ năm 2008. với biện pháp quản lý, triển khai có hệ thống, bài bản cùng với các chính sách đổi mới, phù hợp nên dự án đạt được nhiều kết quả tích cực sau 3 năm thực hiện. dự án không chỉ tạo màu xanh cho cao nguyên đá đồng văn mà còn tác động tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân trong vùng.


Năm 2008, Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang (giai đoạn 2008- 2015) được Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện tốt dự án, UBND tỉnh chỉ đạo và giao cho ngành chức năng và 4 huyện vùng cao núi đá kiện toàn, thành lập BQL Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời xây dựng quy chế điều hành, hoạt động của BQL nhằm thực hiện công tác quản lý thực hiện có hiệu quả. Quy trình triển khai thực hiện, các thủ tục cấp phát tiền, hỗ trợ lương thực, giao chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm cũng được xây dựng cụ thể.



         Chuẩn bị cây giống cho vụ trồng rừng 2011 ở thị trấn Yên Minh.



Bước chuẩn bị này giúp ngành chức năng, các địa phương chủ động triển khai hoạt động ngay từ ngày đầu triển khai dự án. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, do đó người dân trên địa bàn đều nắm rõ mục đích, ý nghĩa của Dự án, từ đó đồng tình thực hiện. Cơ chế chính sách của dự án trong việc đầu tư bảo vệ và phát triển rừng cũng được thay đổi phù hợp, hoàn thiện hơn. Về hoạt động hỗ trợ được lồng ghép với chương trình Nghị quyết 30a nhằm nâng cao mức thu nhập cho các hộ thực hiện dự án. Tính đến năm 2010, dự án được nhà nước cấp gần 90 tỷ đồng, hỗ trợ cho người dân trồng rừng mới trên 33 tỷ đồng; hỗ trợ khoanh nuôi rừng trên 6 tỷ đồng; hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng trên 26 tỷ đồng; hỗ trợ chăm sóc rừng trồng gần 11 tỷ đồng; hỗ trợ các hạng mục khác gần 13 tỷ 500 triệu đồng. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn Chương trình 30a, đã đầu tư cho công tác bảo vệ rừng là 100.000 đồng/ha, hỗ trợ trồng rừng sản xuất 1 triệu đồng/ha. Số lượng gạo cấp cho các hộ dân nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng sản xuất trên 3.800 tấn. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ cho các hạng mục ngoài lâm sinh như: Nâng cấp vườn ươm; vốn ứng trước chuẩn bị cây giống; kinh phí quản lý; khuyến lâm... Tỉnh cũng triển khai chính sách về đất đai được thực hiện trên cơ sở quy định của Nhà nước. Căn cứ vào quỹ đất thực tế của từng huyện để cấp đất, giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất lâm nghiệp đúng mục đích. Có thể khẳng định, việc thực hiện các chính sách là điểm nhấn quan trọng về sự thay đổi cơ chế, chính sách của Chính phủ được người dân đồng tình và hưởng ứng cao trong quá trình triển khai dự án.


Qua việc triển khai một cách có bài bản lại nhận được sự đồng thuận cao của người dân nên sau 3 năm triển khai, dự án đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về thực hiện các chỉ tiêu lâm sinh: Bảo vệ rừng được trên 169.000 ha, đạt 73% diện tích theo dự án, đạt gần 100% so với kế hoạch giao; khoanh nuôi phục hồi rừng được trên 71.000 ha, bằng 165% diện tích theo dự án, đạt 100% kế hoạch giao; chăm sóc rừng được gần 7.800 ha, đạt 140% diện tích theo dự án, đạt gần 90% kế hoạch giao; trồng mới được trên 8.500 ha rừng, đạt 156% diện tích theo dự án, đạt 100% kế hoạch giao.


Việc triển khai, thực hiện tốt Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá có hiệu ứng tích cực đối với nhận thực của người dân về công tác bảo vệ, trồng rừng cũng như tạo tác động đến đời sống kinh tế, xã hội ở các huyện vùng cao phía Bắc. Với định mức hỗ trợ bình quân hàng năm cho công tác bảo vệ, phát triển rừng tại 4 huyện là 29.904,2 triệu đồng và 1.268,5 tấn gạo/năm. Bình quân mỗi hộ tham gia dự án nhận được khoảng 800.000đồng/hộ/năm (số hộ tham gia Dự án khoảng 35.000 hộ). Ngoài ra còn nhận được hỗ trợ lương thực của nhà nước, đó là nguồn thu đáng kể đối với đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, giúp bà con từng bước cải thiện đời sống vật chất, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, với 4.650 ha rừng trồng sản xuất thực hiện trong 3 năm trở thành rừng non, tính theo trữ lượng có thể đạt 15 đến 20 m3/ha (trong 3 năm) với giá bán bình quân 0,4 triệu đồng/m3 khi đến tuổi khai thác sẽ là nguồn thu lớn đối với các hộ gia đình. Dự án thu hút đựơc trên 35.000 hộ tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho trên 50.000 lao động. Những năm trước, nạn chặt phá rừng lấy củi, làm nương thường xuyên xảy ra do ý thức người dân còn kém. Từ ngày triển khai dự án, được nhận hỗ trợ của nhà nước cũng như được tuyên truyền, vận động, bà con từng bước thay đổi nhận thức trong sản xuất từ thuần nông sang sản xuất nông, lâm kết hợp. Hạn chế nạn chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy và nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ rừng. Sau 3 năm thực hiện dự án, độ che phủ rừng của toàn vùng từ 32,9% nâng lên 37%. Diện tích rừng nâng cao đảm bảo được chức năng phòng hộ đầu nguồn, hạn chế xói mòn, rửa trôi, duy trì nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Từng bước cải thiện môi trường sinh thái, điều kiện khí hậu, thay đổi môi trường sống có lợi cho cuộc sống con người. Tạo nên môi trường xanh tại 4 huyện vùng cao núi đá, góp phần phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu. Nhờ sự hỗ trợ của dự án, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, hạn chế được tình trạng người dân vượt biên sang Trung Quốc lao động tự do gây mất trật tự trị an vùng biên...


Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế chưa đạt được như mục tiêu dự án đề ra. Một số mục tiêu của dự án chưa được thực hiện như: Trồng cây dược liệu; trồng cỏ; xây dựng bể nước cho hộ gia đình; trồng rừng phòng hộ môi trường. Là nơi khan hiếm về chất đốt, đời sống kinh tế khó khăn, dẫn đến người dân không có điều kiện để sử dụng các loại chất đốt thay thế nên vẫn dùng củi từ rừng để đun nấu, do đó làm giảm đáng kể chất lượng, trữ lượng rừng. Công tác giao đất, giao rừng chưa được thực hiện triệt để nên khi triển khai giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng còn thực hiện theo nhóm hộ. Do đó việc cấp phát kinh phí bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo còn mang tính chất cộng đồng, chưa phát huy được ý thức, trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình trong bảo vệ rừng. Trong qua trình thực hiện một số diện tích rừng trồng không đảm bảo, chất lượng rừng không đạt yêu cầu...


Điểm mới trong việc thực hiện dự án những năm tiếp theo đó là tỉnh sẽ triển khai Đề án giải quyết chất đốt cho đồng bào vùng cao và phương án trồng cây cảnh quan tại 4 huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn và vùng lân cận. Hy vọng rằng, với kinh nghiệm qua 3 năm thực hiện, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân tiếp tục thực hiện tốt dự án, đạt được mục tiêu về độ che phủ rừng, cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện môi trường sinh thái, thay đổi ý thức của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên Cao nguyên đá Đồng Văn.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở y tế: Tặng 25 bộ bàn ghế cho trường Mầm non xã Thái An
HGĐT- Tiếp tục công tác hỗ trợ, giúp đỡ xã khó khăn do đơn vị phụ trách, ngày 20. 4, lãnh đạo Sở Y tế đã đến thăm và trao tặng 25 bộ bàn ghế với trị giá gần 14 triệu đồng cho trường Mầm non xã Thái An, huyện Quản Bạ.
22/04/2011
Khánh thành Nhà máy Nước sinh hoạt tại thị trấn Vinh Quang
HGĐT- Ngày 19.4, huyện Hoàng Su Phì đã nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng công trình Nhà máy cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Vinh Quang.
22/04/2011
Xín Mần triển khai công tác phòng, chống bão, lũ
HGĐT- Sáng 18.4, UBND huyện Xín Mần đã tổ chức đánh giá công tác phòng, chống bão, lũ năm 2010, triển khai công tác phòng, chống và bàn các giải pháp ngăn ngừa, thiệt hại do bão, lũ gây ra để chủ động phòng tránh năm 2011.
20/04/2011
Lễ trao tài trợ Dự án nước sạch cho huyện Quản Bạ
HGĐT- Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sỹ và Việt Nam, ngày 19.4, tại Thủ đô Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam phối hợp với tổ chức Caritas Thụy Sỹ tại Việt Nam tổ chức Lễ trao tài trợ Dự án nước sạch do Thành phố Bern (Thụy Sỹ) tặng cho huyện Quản Bạ (Hà Giang).
20/04/2011