“Dễ làm trước, khó làm sau” kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Lũng
HGĐT- Với phương châm hành động "việc dễ làm trước, việc khó làm sau", qua hơn một năm triển khai, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã vùng cao biên giới Phú Lũng (Yên Minh) đã có sự chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện, đạt nhiều tiêu chí nông thôn mới.
Những giải pháp triển khai cũng như cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới của xã là bài học kinh nghiệm cho huyện, tỉnh triển khai chương trình ở các địa phương khác.
Đầu năm 2010, Phú Lũng được huyện chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Bước vào thực hiện chương trình, xã gặp không ít khó khăn bởi điểm xuất phát thấp, mặt bằng kinh tế, dân trí không cao. Là xã biên giới, vùng cao nên khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đất trồng trọt ít. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Những khó khăn đó ảnh hưởng đến việc triển khai, thực hiện các tiêu trí về phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư của nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Nhân dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như việc phát huy nội lực và sự nỗ lực vươn lên của người dân. Đây là một trở ngại lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới là mô hình mới triển khai nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn...
Trước những khó khăn cơ bản đó, khi bước vào triển khai, xã đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của huyện cũng như các ngành chức năng. Trước hết, trong việc xây dựng Đề án, huyện chỉ đạo các ngành chức năng cùng phối hợp với chính quyền xã xây dựng Đề án một cách chi tiết, cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến tham gia của cán bộ xã, người dân các thôn bản. Chính điều đó nên Đề án được hình thành với các giải pháp, cách thức triển khai sát thực tế, phù hợp với điều kiện dân trí, kinh tế ở địa phương, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Trong quá trình triển khai, nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã đã thành lập BCĐ Xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của các ngành, các tổ chức đoàn thể, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các xóm, bản. Đồng thời, tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương, ý nghĩa việc xây dựng nông thôn mới đến từng thôn, từng hộ dân. Giúp người dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa và trách nhiệm của bản thân, từ đó đồng thuận cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, việc lập quy hoạch cùng được quan tâm bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định được lộ trình, bước đi cho từng giai đoạn một cách phù hợp, sát thực tế. Do đó, các ngành chức năng của huyện cùng phối hợp với chính quyền xã đánh giá thực tế một cách toàn diện tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó xây dựng quy hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch cụ thể. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, người dân ở các thôn được tham gia đóng góp ý kiến, cùng xây dựng.
Xác định rõ, việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở một xã có điểm xuất phát về kinh tế, văn hoá, xã hội thấp nên khi triển khai huyện đã chỉ đao xã thực hiện phương châm hành động “Việc nào dễ làm trước, việc nào khó làm sau”, cụ thể: Xã lựa chọn những tiêu chí trong Đề án để sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Những tiêu chí không cần sự đầu tư, hỗ trợ vốn của nhà nước và những công việc cấp bách với đời sống dân sinh được ưu tiên làm trước. Những tiêu chí cần có sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí nhà nước làm sau. Việc lựa chọn thực hiện các tiêu chí được thực hiện trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, do đó đã nhận được sự vào cuộc tích cực của người dân. Có thể lấy ví dụ, trong việc thực hiện tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất, đây là tiêu chí không cần sự hỗ trợ vốn của nhà nước mà cần phát huy nội lực. Để thực hiện tiêu chí trên, xã đã tích cực vận động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng giống mới và có sự đầu tư thâm canh. Do đó 100% hộ dân ở các thôn, bản đã áp dụng thâm canh trong sản xuất, vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Do đó năm qua xã đạt tổng sản lượng lương thực có hạt gần 1.000 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt gần 400 kg/người/năm; 100% hộ sản xuất nông nghiệp có từ 2 con trâu, bò trở lên…Với hình thức triển khai và kết quả đạt được, xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.
Với sự chỉ đạo sát sao, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng của huyện, sau một năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Phú Lũng đã đạt được 8/19 tiêu chí đó là: Tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tiêu chí về trường học, tỷ lệ cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đạt 60%; tiêu chí chợ nông thôn; tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; tiêu chí về y tế, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 100%; tiêu chí về văn hoá, trên 70% số thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá, 100% thôn không còn tập tục tảo hôn; hệ thống tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh; an ninh trật tự xã hội đảm bảo. Đó là 9 tiêu chí xã đạt nhờ sắp xếp thứ tự ưu tiên theo phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”. Cùng với đó, các tiêu chí còn lại xã cũng đã và đang triển khai, trong đó có nhiều tiêu chí gần đạt được mục tiêu đề ra như: Tiêu chí đường giao thông nông thôn; tiêu chí về tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia; nhà ở dân cư; tiêu chí về giáo dục...
Có thể khẳng định, qua một năm thực hiện với phương châm hành động “Dễ làm trước, khó làm sau” giúp Phú Lũng đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Điều đó cũng đồng nghĩa xã có sự chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cụ thể đó là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống dưới 20 % theo tiêu chí mới; tổng giá trị sản xuất 13.450 triệu đồng trở lên; 100 % hộ gia đình nông dân đầu tư thâm canh lúa, ngô theo quy trình kỹ thuật; giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 6,5 triệu đồng/người/năm; hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,66 %. Cùng với đó, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn. Cụ thể sẽ đầu tư lắp đặt 02 hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt cho cụm dân cư; xây dựng mới 10 bể chứa nước công cộng; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hoá đạt chuẩn; 50 % đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; Lắp đặt 01 trạm biến áp mới, nâng cấp hệ thống cột và đường dây để 100 % hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100 % thôn, bản có nhà văn hoá cộng đồng; 90 % các hộ gia đình có 03 công trình vệ sinh đạt chuẩn... Để đạt được những mục tiêu cụ thể trên, xã tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc triển khai công việc liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Đồng thờitranh thủ sự đầu tư của nhà nước và thực hiện lồng ghép nguồn vốn ngân sách với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia khác để xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới...
Hy vọng rằng, Phú Lũng tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, vận dụng sáng tạo các giải pháp để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, làm điểm cho các xã trong huyện học hỏi kinh nghiệm.
Ý kiến bạn đọc