“Sổ hộ nghèo” và giải pháp xóa nghèo ở Xín Mần

18:31, 28/03/2011

HGĐT- Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Xín Mần lần thứ XV (nhiệm kỳ 2005 – 2010), Thường trực Huyện ủy Xín Mần nhận xét “Nghị quyết chuyên đề về công tác xóa đói giảm nghèo có đạt được những kết quả tốt đẹp, song thực sự vẫn chưa bền vững?


Cần phải tìm ra căn nguyên của cái nghèo, sự nghèo ở đâu để tìm giải pháp tháo gỡ, đưa công tác xóa đói giảm nghèo phát triển bền hơn, chắc chắn hơn...”. “Sổ hộ nghèo” ở Xín Mần có mặt trong các hộ nghèo và luôn được đặt lên trong mọi lúc, mọi nơi của cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện như một vấn đề thời sự suốt quá trình thực thi Nghị quyết chuyên đề của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV để tìm hướng thoát nghèo chocộng đồng 17 dân tộc anh em.


Sổ hộ nghèo

Hết quý I.2008, huyện Xín Mần có tới 4.936 quyển “Sổ hộ nghèo” được đưa đến chính quyền 19 xã, thị trấn và 186 trưởng thôn bản, bí thư chi bộ cơ sở nắm, theo dõi. Tính theo tỷ lệ nghèo lúc bấy giờ Xín Mần có tới 48,97% Số hộ nghèo (31.12.2007), tức 4.936/10.135 hộ toàn huyện. Trong hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XV với các chuyên đề “7 cây, 4 con” hay “5 không, 7 việc” hoặc chương trình “Đại đoàn kết” v.v... song kết quả đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn chậm, thiếu vững chắc, số hộ cận nghèo, kề nghèo... còn chấp chới. Khi điều tra cụ thể để theo dõi, ghi trong Sổ hộ nghèo mới hay “căn bệnh của cái nghèo” tìm chưa đúng, làm chưa trúng, nên bệnh nghèo, tỷ lệ nghèo giảm chậm, nguy cơ tái nghèo còn cao.


Trong hàng loạt nguyên nhân và nguy cơ tiềm ẩn của sự nghèo trong đồng bào đó là: Thiếu sức lao động, thiết đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, thiếu việc làm vì không có nghề trong tay... và cả cái nghèo vì... lười lao động cũng đã được đề cập, được theo dõi trong các Đảng bộ, chính quyền cơ sở và cả sự giám sát ngay chính những người bà con làng xóm, cộng đồng dân cư. Nói một cách khác chưa khi nào cái sự nghèo lại được cả xã hội quan tâm, tìm nguyên nhân để rồi tìm giải pháp, tìm cách xóa bỏ từng quyển “Sổ nghèo” ra khỏi danh sách nghèo ở từng thôn bản, xã, thị trấn ở Xín Mần như khi nó được sinh ra.


Xóa bỏ “Sổ hộ nghèo”

Bí thư Đảng ủy xã Nà Chì Hoàng Văn Cởi cho biết: Đầu năm 2008 sau khi rà soát lại 733 hộ trong xã sau hơn 2 năm thực hiện xóa nghèo mới hay còn 220 hộ nghèo được phát Sổ nghèo. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo và xóa nghèo chậm ở Nà Chì lúc đó bộc lộ: Nguyên nhân thiếu vốn làm ăn, chuyển đổi nghề và thiếu kiến thức làm ăn mới là những rào cản căn bản của gần 220 hộ nghèo ở thời điểm rà soát. Có rất ít cái nghèo do lười nhác, do rượu chè, do nghèo bất khả kháng như hỏa hoạn, rủi ro. Từ chỗ tìm từng hộ, ở từng thôn bản, từng dòng họ, Đảng bộ, chính quyền xã đã phối hợp với chính quyền thôn, chibộ cơ sở, các tổ hội: Phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, hội nông dân “cùng xúm tay” giúp từng hộ ngay ở cơ sở thôn bản, giúp lên. Bài học thực tiễn ở Nà Chì là sự liên kết với Ngân hàng NN – PTNT, Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay vốn bằng “tín chấp” cho hộ nghèo mua máy sao chè mi ni. Đồng thời kết hợp với phòng NN – PTNT, Hội Nông dân, Cựu chiến binh của huyện thông qua Thường trực: Huyện ủy, HĐND, UBND huyện dành kinh phí tổ chức cho các hộ được vay vốn mua máy sao chè về tận Thái Nguyên học cách làm chè mới. Tính sơ bộ đã có vài chục hộ nghèo của xã thông qua các chương trình trên đã được về vùng chè Tân Cương, về Viện chè Việt Nam ở Phú Thọ để “học việc”. Thông qua chương trình trên, xã còn được UBND huyện mời một số hộ, HTX chuyên chè ở Thái Nguyên, Phú Thọ về tận thôn bản nơi có các hộ nghèo học việc để đào tạo cách làm chè theo hướng: Tận nơi, cầm tay, chỉ việc. Kết quả cho thấy chè Nà Chì từ chỗ ế ẩm, nay đã không đủ để cung ứng cho khách hàng, cho thị trường. Kết quả trên vừa đưa được các hộ nghèo ở vùng chè của xã vừa vay được vốn lãi suất ưu đãi, vừa tận dụng, vừa khai thác được thế mạnh địa phương để tự vươn lên thoát nghèo. Bước đi trên ở Nà Chì đã tác động dây chuyền đến việc làm tương tự của xã Khuôn Lùng, Quảng Nguyên, vùng chè nguyên liệu tiềm tàng phía Nam của Xín Mần và kết quả xóa nghèo, tạo việc làm đến nay rất tốt. Để khai thác thêm tiềm năng của rừng, của chè Đảng bộ 3 xã: Nà Chì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên đã mời cán bộ kỹ thuật của Viện Cây lâm nghiệp, của Viện chè lên xã tổ chức các lớp chuyển nghề ươm chè bầu giâm cành, ươm cây giống lâm nghiệp cho phần đông đồng bào, con em trong vùng để cho họ tự làm, tự ăn, tự phát triển... Tính đến thời điểm hiện tại ở 3 xã phía Nam Xín Mần đã có những vườn chè cành, trồng “đại điền” và những cánh rừng xanh ngút ngát bằng cây keo tai tượng do chính đồng bào tự làm, tự trồng, tự thâm canh. Kết quả hiện cho thấy “sổ nghèo” đã được trả lại hầu hết cho các cấp ủy, chính quyền vào cuối năm 2009 đầu năm 2010 (chuẩn cũ).


Ở xã Nấm Dẩn, ông Vàng Seo Khón, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Trên cơ sở lần tìm từng nguyên nhân dẫn đến nghèo, chậm phát triển để giúp tháo gỡ và gỡ cho được đối với từng hộ, từng vướng mắc. Có một điểm dứt khoát đó là không giúp đối với người lười lao động mà chỉ đả thông... cái lười để cho người lười tự nhận thấy sự yếu kém của bản thân, tự xấu hổ với họ tộc để từ từ đứng dậy. Còn nhìn chung tìm cách tháo gỡ “cái nghèo, bỏ sổ nghèo” ở Nấm Dẩn vẫn là khơi dậy nội lực từ: Đất đai, sức lao động, có sự trợ giúp vốn, kiến thức của các đoàn thể, tổ chức xã hội từ huyện đến cơ sở thôn bản. Một sản phẩm hàng hóa đặc sắc có từ phong trào xóa sổ nghèo từ năm 2008 nay đó là thảo quả trồng dưới tán rừng già. Phần lớn các hộ khá ở Nấm Dẩn nay có được là nhờ cây thảo quả. Giá thảo quả cuối năm 2010 lên tới 60.000 đ bình quân bán tươi và 150.000 đ/kg bán khô. Hiện tại thảo quả ở Nấm Dẩn không đủ bán cho nhu cầu thị trường. Cách làm để giúp đỡ xóa “sổ nghèo” được xã giao cho thôn, có từng cán bộ, từng đảng viên trợ giúp cho từng hộ nghèo. Mọi việc làm, mọi nhu cầu về cây giống, kỹ thuật... có từng cán bộ trợ cấp theo hình thức vừa làm, vừa học. Trong số 355 hộ nghèo (năm 2008) đến hết năm 2010 chỉ còn 90 hộ, bằng 13,8% thay vì 60,48% đầu năm 2008. Chị Xin Thị Vẽ, Chủ tịch HĐND xã Cốc Rế, trước kia là Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho hay: Cách kèm cặp xóa nghèo ở Cốc Rế được hội phụ nữ đảm trách “tiên phong” bởi Hội coi phụ nữ là đối tượng bị thiệt thòi nhất khi cái nghèo đeo đuổi. Chị em trong xã đã từng giúp các hộ nghèo từ vài chục cân phân chuồng, từng kg thóc giống, ngô giống cho chị em trồng cấy qua các mùa vụ. Từ giúp công, giúp của, rồi giúp chuyển tải kiến thức cho từng chị, từng em. Chị Vẽ cho biết: Xóa nghèo đối với chị em phụ nữ trong các hộ gia đình không chỉ dừng lại ở sự trợ giúp về vật chất mà còn là sự chia sẻ, sự cảm thông để “cái nghèo bộc lộ hết bản chất của nó”. Trong đó có sự nghèo do ràng buộc bởi lễ giáo, hủ tục, sự thiếu cởi mở khi tiếp cận “cái mới” cũng như cách làm ăn mới, nhận thức xã hội mới. Đồng thời còn là sự xóa nghèo ngay trong “bình đẳng giới” đối với các chị em trong xã hội trong “ít nghĩ” cũng như thiếu mạnh dạn, tự tin để xây dựng cuộc sống, xây dựng hạnh phúc gia đình v.v... Anh Lê Quang Minh, Thường vụ Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang, trước kia là Bí thư Huyện ủy Xín Mần đã từng nói... “Muốn xóa nghèo bền chắc thì nhất quyết phải tìm cho được căn nguyên của sự nghèo...”. Bí thư Huyện ủy Xín Mần Dương Minh Hòa cho rằng: Tìm nguyên nhân của căn bệnh nghèo đích thị, thì mới tìm cách trị tận gốc và mới huy động được cả xã hội “đổ” nguồn lực vào làm triệt tiêu cái nghèo, cái đói, cái yếu kém đeo đuổi bấy lâu nay. Thực tế từ việc xóa nghèo “qua sổ nghèo” của Xín Mần đã khẳng định cái nghèo làm nhiều điều, nhiều chiều, cũng như “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh...”. Từ đó tìm cách hỗ trợ, cách giúp đỡ xóa nghèo bền vững. Qua hơn 2 năm còn lại của nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (2005 –2010) Xín Mần đã huy động cả xã hội vào cuộc xóa nghèo trong dân. Nếu quý I/2008 cả Xín Mần có 4.963 sổ hộ nghèo, thì hết quý II/2010 còn 2.283 sổ hộ nghèo, giảm gần 3.000 hộ và giảm từ 48,97% xuống còn gần 20% (chuẩn cũ). Điều đáng lưu tâm nhất trong gần 2 năm rưỡi còn lại là Xín Mần đã đi sâu phân tích, giải đáp cho cái nghèo để tìm cách xóa nghèo triệt để. Và điểm nữa rất đáng ghi nhận chính là sự vào cuộc từ mỗi cán bộ đảng viên, đoàn thể, tổ hội... “cùng” bắt tay xóa nghèo. Tại nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 – 2015 Xín Mần xác định. Đổi mới – sáng tạo – phát triển bền vững. Trong đó có mục tiêu: Tập trung mọi nguồn lực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Mục tiêu đó được bắt nguồn từ việc tìm ra nguyên nhân của sự nghèo để tìm giải pháp xóa nghèo tận gốc có công sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội.


NGUYỄN MẠNH HÙNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người có uy tín được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước
HGĐT- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
28/03/2011
Tuổi trẻ LLVT tỉnh: Xung kích, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ
HGĐT- Năm 2011, được chọn là “Năm thanh niên” đây là cơ hội tốt cho tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên LLVT tỉnh rèn luyện, đóng góp trí tuệ, sức trẻ, nhiệt huyết; xung kích, tình nguyện vào những khâu yếu, mặt yếu, việc khó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức Đoàn vững mạnh xuất sắc.
28/03/2011
Bộ CHQS tỉnh bàn giao nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách
HGĐT- Với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, vừa qua, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức bàn giao “Nhà tình nghĩa” cho đồng chí Ngô Trần Chung, nhân viên lái xe thuộc Ban CHQS huyện Bắc Quang, trú tại tổ 4, thị trấn Việt Quang; là con của liệt sĩ Ngô Quý Đông, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
28/03/2011
Nửa thế kỷ khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu
HGĐT- Cách đây tròn nửa thế kỷ, trong niềm hân hoan, phấn khởi của hơn 2 nghìn đảng viên và hàng vạn quần chúng nhân dân trước thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III diễn ra từ ngày 17-25.3.1961, Đảng bộ, nhân dân vùng rẻo cao Hà Giang rất vui mừng, vinh dự được đón Bác Hồ lên thăm.
28/03/2011