Cảm nhận về Cao nguyên đá Đồng Văn qua các bạn đoàn viên thanh niên Hà Nội
HGĐT- Tôi được bạn Nguyễn Công Thông, Bí thư Đoàn Thanh niên BHXH tỉnh, mời đi tham gia chương trình tặng quà cho xã và các em học sinh ở các huyện vùng cao phía Bắc, do Đoàn Thanh niên BHXH Việt
Đoàn viên thanh niên BHXH Việt
|
Thông còn nhắn thêm, lần này đi cùng đoàn là hơi vất vả đấy, vì phải đi xuống tận bản để tặng quà cho dân. Tôi bật cười, với nghề làm báo như chúng tôi đi nhiều còn sợ gì vất vả, nhưng mỗi lần lên với Cao nguyên đá, trong tôi lại rạo rực một suy nghĩ là làm sao đưa hình ảnh sát thực nhất về cuộc sống của bà con nơi đây cũng như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ đến với bạn bè trong nước, ngoài nước.
Tôi được đi cùng xe của Đoàn TN BHXH Việt Nam, tuy có chật một chút, nhưng trên xe toàn là các bạn trẻ, muốn đi nhiều để biết nhiều nên chúng tôi nhanh chóng hòa đồng. Các bạn ở đây đều công tác ở BHXH Việt Nam, nhưng lại sinh ra và lớn lên từ nhiều vùng quê khác nhau, chuyến lên Cao nguyên đá Đồng Văn lần này hầu hết là lần đầu tiên. Cảm giác về vùng cao nguyên đá với các bạn còn rất mơ hồ, nếu biết chỉ qua các kênh thông tin báo, chí.
Xe của chúng tôi ì ạch bò lên dốc Pắc Sum, đường lên vòng vèo và thỉnh thoảng bác tài xế xe lại phải uốn mình để vặn tay lái vượt qua các khúc cua tay áo, hay tránh cái hố ổ gà lởm chởm trên đường. Câu chuyện vui vẻ trên xe chúng tôi bắt đầu trầm xuống trên mỗi gương mặt, tôi đều cảm nhận thấy một điều ai cũng căng thẳng, hồi hộp vì con đường quá ngoằn ngoèo và hiểm trở, bên này là đồi còn bên kia là vực sâu thăm thẳm, sương mù dầy đặc, chỉ nhìn thấy được khoảng cách vài mét phía trước. Thời tiết tạo cho ta một cảm giác thật sợ vì bên kia biết là vực nhưng nó dốc, hay thoai thoải và sâu bao nhiêu thì chả ai biết, biết tâm lý của những người đi lần đầu tiên lên Cao nguyên đá, tôi liền bắt chuyện với bác tài xế, người luôn tập trung cao độ để điều khiển xe đi đúng đường của mình. Qua câu chuyện, tôi được biết bác lái xe cũng đi Hà Giang một vài lần, nên chuyến đi này gặp phải thời tiết như vậy không còn bỡ ngỡ nữa. Vì thế tâm trạng của mọi người trên xe cũng thấy yên tâm hơn. Xe chạy qua Cổng trời - Quản Bạ và đỗ ở điểm dừng chân cho khách trước khi vào thị trấn Quản Bạ. Trời vẫn bao phủ sương dày đặc, trên những tán lá quanh đường những hạt sương đọng lại lâu rồi thành những hạt nước rơi lả tả, hoa đào nơi đây đang vào mùa nên cây nào cũng rực rỡ, khoe sắc thắm. Hôm nay sương mù nhưng ngọn núi đôi vẫn lộ hai chỏm núi, mây mù bay qua tạo cảm giác huyền ảo cho các thành viên của đoàn như chính câu chuyện về núi đôi này vậy. Bạn Nguyễn Hải Hồng, người con của quê hương Hà Giang, hiện là phóng viên của Báo Bảo Việt, người đã đi tác nghiệp nhiều nơi, đến nhiều chỗ, gian nan có, vất vã cũng có nhưng phải thốt lên rằng quê hương mình đẹp thật, cái đẹp rất tự nhiên và không có sự can thiệp của bàn tay con người như những điểm du lịch khác. Hồng thành thật: Mình không nghĩ đường lên Cao nguyên đá lại khó khăn và nguy hiểm như vậy, thế mới biết sự gian nan vất vả của bà con nơi đây cũng như những người làm công tác tuyên truyền.
Tạm biệt Quản Bạ, chúng tôi lên xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, để trao những món quà từ Hà Nội. Chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây, bạn Đặng Thị Huế, chia sẻ: Mình được sinh ra và lớn lên từ vùng quê Thái Bình, nơi có những cánh đồng cò bay thẳng cánh, có đất canh tác, có những điều kiện thuận lợi và được áp dụng những khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng xuất nông nghiệp cao lắm không vất như bà con nơi đây, xung quanh chỉ thấy đá và đá, đến nỗi bờ rào cũng xếp bằng đá, chỉ có những khóm đất nhỏ nằm giữa các khe đá là nơi canh tác trồng ngô, đậu của bà con, mình rất mong nhận được những nguồn tài trợ để đưa lên cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, Giàng Chu Phìn hôm nay cũng đã có nhiều thay đổi, đã có trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trẻ em được vận động và hỗ trợ tiền, lương thực đến trường học. Xã cũng đã được đầu tư xây những hồ treo dự trữ nước sinh hoạt khi mùa khô đến.
Chúng tôi rời Giàng Chu Phìn lên Mã Pì Lèng, nơi có con đường hạnh phúc huyền thoại đi qua. Với độ cao hơn 1.700m, nhìn xuống, dòng sông Nho Quế như một tấm khăn vải lụa để đưa dòng nước mát lạnh về đất Việt. Xa xa những con đường ngoằn ngèo như kẻ chỉ đi vào các thôn bản xa xôi, đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, bạn Phạm Thị Minh Trang - một đoàn viên thanh niên trẻ có giọngSài Gòn duy nhất trong đoàn, không giấu được cảm xúc: Đến đây mình mới thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, núi non hiểm trở, đá tai mèo có màu xám xịt xếp thành từng lớp kéo dài vô tận. Thật là cảm động trước những con người đã hy sinh làm nên con đường Hạnh Phúc. Nhìn bản làng những ngôi nhà trình tường nhấp nhô như những ô nấm bám giữa lưng chừng núi mới thấy con người nơi đây dù có khó khăn vất vả, nhưng vẫn sinh sống hàng bao đời nay để giữ biên cương Tổ quốc. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình, lên với cột cờ Lũng Cú, nơi cực Bắc Tổ quốc. Bạn Nguyễn Đăng Kiên khi đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú xúc động cho biết: Mình chưa được đến Cà Mau nên chưa biết, nhưng được đứng đây, điểm đỉnh đầu biên cương cực Bắc của Tổ quốc, trước lá cờ thiêng liêng trong lòng cứ bồi hồi sao xuyến, mình thầm cảm ơn những anh Bộ đội biên phòng ngày đêm canh gác, giữ cho lá cờ hiên ngang bay mãi cùng đất trời Việt Nam. Cảm động và tự hào là cảm nhận chung của các bạn đoàn viên thanh niên khi đến với cột cờ Lũng Cú.
Tuy đã sang xuân từ lâu nhưng khí hậu vùng cao vẫn se lạnh, khắp núi đồi được phủ bởi các loài hoa đào, hoa mận, hoa mơ. Đào phai trên này nhiều lắm, có khắp mọi nơi, trên nương, trên rẫy, trong vườnnhà. Vì đào mọc giữa muôn vàn đá tai mèo nên hoa đào nơi đây càng trở nên đẹp tinh khiết, lung linh hơn. Thi thoảng, đoàn chúng tôi lại dừng trước những vườn hoa cải ven đường hay dừng trước những gốc đào phai để các bạn chụp hình, ghi lại những khoảng khắc đẹp nhất của mùa xuân trên Cao nguyên đá. Cảm xúc trước vẻ đẹp của các loài hoa, bạn Lương Quỳnh Trang, người nhỏ tuổinhất đoàn, sinh ra ở vùng quê Nghệ An cho biết: Em rất thích hoa đào nơi đây, đặc biệt là hoa cải nở vàng óng trải khắp các thửa ruộng bậc thang, tất cả như hòa quyện vào, tạo nên sắc màu riêng có ở vùng cao Hà Giang.
Mưa xuân vẫn rơi khiến con đường vềHà Nội của đoàn trở nên trơn hơn, khó khăn hơn. Nhưng nỗi lo lắng, cảm giác sợ sệt của các thành viên không còn nữa, mà thay vào đó là sự hưng phấn bởi một chuyến đi thật đáng nhớ với nhiều kỷ niệm đẹp đọng lại trong mỗi người, với mong muốn lần sau lên với Hà Giang, lên với đồng bào vùng cao bà con không còn khổ nữa, du lịch sẽ phát triển lên tầm cao mới, nét văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây vẫn giữ mãi với sự thay đổi của xã hội.
Ý kiến bạn đọc