Đầu năm ở Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng

17:06, 15/01/2010

HGĐT- Có mặt tại thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) đúng vào dịp gió mùa đông bắc tăng cường. Sương mù và rét đến tái tê lòng người. Tuy thế, nhưng rất nhiều vườn hoa hồng của đồng bào Mông, Pu Péo quanh đây vẫn xanh ngắt, đơm đầy những nụ.


 
 Theo dõi sự phát triển cây cải dầu tại Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng. Ảnh: Nhất Hồng

Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Phó Bảng, anh Phùng Viết Vinh cho biết: Năm 2009 vừa qua, tại Phó Bảng đã có 8 hộ gia đình đồng bào Mông, Pu Péo trồng thêm 2,4 ha hoa hồng lấy giống tại trung tâm. Sau gần 1 năm trồng, chăm sóc, vườn hoa của đồng bào cũng đã bắt đầu cho bông. Kết quả trên “chính là” nhận thức, tư duy của đồng bào địa phương đã thay đổi. Nhưng đáng mừng hơn là đồng bào Mông, Pu Péo địa phương đã “nắm chắc” bí quyết khoa học kỹ thuật của nghề trồng hoa hồng, cây trồng được giới thượng lưu ví là “cây của nhà giàu” mới trồng được và mới dám trồng, dám chơi hoa (anh Vinh khẳng định).


Tò mò được biết: Trồng 1 ha hoa hồng năm đầu tiên chi phí hết gần 200 triệu đồng, bao gồm: Chi mua 50 vạn cây giống hết 120 triệu đồng; chi công chăm sóc, bón phân, ủ đậu tương làm phân bón cây, chi thuốc bảo vệ thực vật, công theo dõi, đánh giá tình hình phát triển, dự báo sâu bệnh, cách phòng trừ… hết trên 80 triệu nữa. Và trồng hoa năm đầu tiên gần như chưa có lãi để bù đắp chi phí. ấy thế mà 8 hộ người Mông, Pu Péo đã mạnh dạn “thuê thêm” 20 triệu đồng/ha thuê đất của dân quanh vùng để dồn lại… trồng hoa? Dạo một vòng quanh các vườn hoa đang cho nụ, hứa hẹn lứa hoa tuyệt đẹp đầu tiên nở rộ đón Tết Nguyên đán sắp tới, mới hay đồng bào đã… đi rất đúng hướng thị trường hiện nay. Thực tế vừa qua cho thấy, vào những ngày lễ, tết hoặc mồng một, hôm rằm, hoa hồng được bán tại Hà Giang tới vài ba ngàn đồng/bông, lúc khan hiếm như dịp tết, hè tới cả mười ngàn/bông hoa hồng đẹp, vậy mà nhiều khi không có hoa bán. Còn giá hiện tại tính bình quân cả năm ở Đồng Văn từ 500 – 1.500đ/bông (bán buôn). Theo anh Vinh thì nhiều năm qua, cây hoa hồng đã khẳng định trên đất miền đá và cho năng suất bình quân 600.000 bông/năm/ha. Với mức giá thu mua trên thì người trồng hoa có tổng thu mỗi ha/năm là trên 300 triệu đồng, đem trừ “thoải mái” 1/2 giá trị công sức, đầu tư vẫn “lời dòng” 150 triệu đồng. Anh Nguyễn Đình Rích, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn còn bật mí tôi “Hômnào tra khảo kỹ anh Lưu Sần Vạn, Chủ tịch HĐND huyện mà xem, ông Vạn đã thuê đất của dân vài năm nay để trồng hoa hồng, trở thành… tỷ phú đấy”. Tuy chưa gặp anh Vạn, nhưng đã có lần anh khoe trồng hoa, thuê đất, mỗi năm vẫn lãi trên 50 triệu đồng/ha.


Trở lại vườn hoa của đồng bào mới hay, cây giống, kỹ thuật của họ chính là nhờ các cán bộ Trung tâm giống Phó Bảng chuyển giao. Còn vốn trồng được vay qua Ngân hàng CSXH huyện. Sự chịu thương, cần cù học hỏi của đồng bào Mông, Pu Péo nơi này cho tôi bài học về sự vượt lên trên gian khó để trở thành người có ích cho đất nước. Và sự thật đồng bào vùng cao nguyên đá khát, lạnh này đã ngàn năm bám đất, bám đá, kiên cường làm ăn, vượt khó, đoàn kết giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc, giờ đây họ lại đang một lần nữa vượt lên chính họ trên vùng đất khó để làm giàu. Hoa hồng Phó Bảng, hoa hồng Đồng Văn nay mai đây thôi sẽ về với cả nước. Tôi tin là thế, chắc chắn rồi. Anh Phùng Viết Vinh cho biết: Năm 2009, Trung tâm cung cấp trên 200 vạn gốc ghép hoa hồng cho đồng bào, trong đó có trồng mới tại trung tâm 1,2 ha hoa hồng Pháp. Thực hiện các hợp đồng dịch vụ ghép và giao 50.000 bầu ghép đào Trung Quốc và lê Đài Loan, mận Tam hoa. Trồng và phục tráng để làm giống, thu hoạch giống xu hào Hà Giang cho công ty rau quả T.Ư 250,5 kg hạt giống cấp II và cấp III. So sánh các loại giống đã và đang thực hiện khảo nghiệm, chuyển giao tại Trung tâm Phó Bảng cho thấy: Giống hoa hồng, đào Vân Nam - Trung Quốc là có triển vọng mở rộng tại vùng đá cực Bắc cho 4 huyện, bởi rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, có khả năng cho năng suất cao, chất lượng tốt và quan trọng hơn là giá thành rẻ. Chỉ nói đến cây hoa hồng thôi, thì tại Trung tâm giống đã có 0,6 ha được đầu tư 1 lần trồng từ năm 2003 đến nay vẫn cho thu hoạch với chất lượng, năng suất cao, bền vững. Sâu bệnh ít, gần như trồng hoa hồng ít sâu, chỉ lo ngừa bệnh là chính. Cũng tại trung tâm còn có các loại cây như: ác ti so, hoa ly, khoai tây So la ra (Đức), vụ hè thu mới đây trồng khảo nghiệm 3 loại giống cải dầu, trồng cỏ chăn nuôi VA06 và cỏ voi, cỏ Goa-tê-ma-la…, nuôi gà Ai Cập 150 con và các mô hình nuôi bò giống sinh sản v.v… Qua thực tế khảo nghiệm chăn nuôi, trồng cấy nhiều năm trung tâm rút ra có giống hoa hồng, khoai tây có thể làm “trung tâm trồng, bảo quản và cung ứng giống” cho các huyện, thị trong tỉnh trồng theo quy hoạch vùng hàng hóa. Riêng giống khoai tây “nếu” được giao trách nhiệm trồng để nhân giống, bảo quản “kho lạnh” tại chỗ, thì trung tâm sẽ cung ứng đủ giống khoai tây trồng vụ Đông cho toàn tỉnh, giá thành chỉ bằng 1/2 so với giá hiện nay. Đối với cây mới là cải dầu trồng năm qua có 3 loại, thì chỉ duy nhất loại giống cải cao sản trồng chính vụ mới có khả năng cho năng suất. Tuy nhiên, việc trồng cây cải dầu còn nhiều vấn đề cần bàn, đó là: Thời vụ trồng và thời gian cho thu hoạch rất dài tới 7 tháng mới cho thu hoạch. Nếu trồng không tính toán hợp lý sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng cây lương thực, ảnh hưởng tới an ninh lương thực địa phương. Do đó, việc mở rộng diện tích cây cải dầu rất cần cân nhắc tính toán và quy hoạch cẩn thận, chi tiết. Còn nói đến việc phục tráng để nhân rộng giống xu hào Hà Giang vốn đã có thương hiệu trước đây, Giám đốc Trung tâm Phùng Viết Vinh cho biết: Phải có cơ chế chính sách hỗ trợ và phải làm 3 năm liền chọn lọc mới cho được giống thuần chủng cấp I, lúc đó mới có “giống chuẩn” để trồng nhân rộng. Thực tế cho thấy, công ty giống rau quả T.Ư hiện đang mua giống xu hào Hà Giang về đóng mác Công ty Rau quả T.Ư bán giá tương đương 1,2 triệu đồng/kg hạt, đây là điều bất cập và đang làm mất, làm giảm tuy tín, chất lượng về giống cây rau củ đặc sắc của vùng cao Hà Giang, rất cần chấn chỉnh lại, nếu chưa nói đến việc vi phạm bản quyền về đăng ký chất lượng, xuất xứ hàng hóa? Đối với cây khoai tây trồng, nhân giống tại Phó Bảng sẽ làm gia tăng giá trị sản xuất vụ đông cho đồng bào, làm giảm chi phí bảo quản lạnh tới 1/2 so với thời gian bảo quản vùng xuôi, nên giảm giá thành đầu vào, tạo thêm việc làm, lại chủ động hoàn toàn giống vụ đông cung ứng cho tỉnh, các huyện, thị và quan trọng hơn là sau thu hoạch khoai tây vào tháng 4 mỗi năm, đồng bào vẫn có đất trồng ngô chính vụ, kịp vụ. Đầu năm hỏi chuyện Giám đốc Trung tâm Phó Bảng về mong ước điều gì trong năm mới, được biết: Nếu tỉnh có cơ chế hoặc đầu tư hỗ trợ trung tâm có 1 xe lạnh để chở hoa hồng, rau quả đặc sản Phó Bảng, Đồng Văn về xuôi và xây dựng 1 kho lạnh để trồng, bảo quản, cung ứng giống khoai tây vụ đông cho tỉnh thì còn gì bằng? Có xe lạnh, kho lạnh, có chính sách quy hoạch vùng hoa, vùng chuyên rau quả, vùng chọn tạo giống xu hào để Trung tâm vừa áp dụng, vừa chuyển giao, vừa cung ứng giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào Hà Giang và vượt qua đó vươn ra các tỉnh ngoài để khẳng định mình và đó cũng là điều ước muốn rất đáng ghi nhận đầu năm trong chuyến đi về vùng đá của tôi đầu Xuân, xin được chia vui, chia sẻ với những người làm việc vì một nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh với công tác phụ trách xã khó khăn
HGĐT- Sủng Trái là một trong những xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ đói nghèo trên 50% của huyện Đồng Văn. Xã có tổng diện tích tự nhiên 2.509 ha, trong đó diện tích đất canh tác 417,2 ha, chủ yếu diện tích trồng ngô. Toàn xã có 13 thôn, bản với số 914 hộ, 5.460 khẩu, 100% là dân tộc Mông.
15/01/2010
Công cụ thực hiện giảm nghèo bền vững
HGĐT- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Hoàng Đình Châm, khẳng định: Ngân hàng CSXH tỉnh là một đơn vị có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực sự nghiệp XĐGN cho vùng nghèo, vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, với số dư nợ cho vay tăng hơn năm 2008 là 54,5%, trong đó cho
14/01/2010
Đồng Văn “mùa” thiếu nước
HGĐT- Vào những ngày đầu tháng 1 của năm 2010, chúng tôi có dịp trở lại Đồng Văn công tác. Khi đặt chân lên địa phận xã Sà Phìn, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là từng tốp, từng tốp người dân gùi trên lưng là những chiếc quẩy tấu và bên trong là những chiếccan. Cùng với những tốp người đi bộ, là những chiếc xe máy cõng trên mình cũng từ 2 cho đến 4 chiếc can chạy ngược,
14/01/2010
Mèo Vạc nỗ lực thực hiện Nghị quyết 30a/CP
HGĐT- Trên cơ sở Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ và Hướng dẫn của các Bộ, ngành T.Ư, tỉnh, huyện Mèo Vạc đã khẩn trương thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện các chương trình XĐGN của huyện.
14/01/2010