Thêm động lực để Du Già phát triển kinh tế - xã hội
HGĐT- Xã Du Già (Yên Minh) là một trong những địa phương triển khai, thực hiện Dự án Phân cấp Giảm nghèo (DPPR). Từ khi triển khai Dự án, xã đã có thêm nhiều động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Một hộ dân ở Du Già được hỗ trợ nuôi lợn nái sinh sản. Ảnh: CTV |
Là một xã nằm cách xã trung tâm huyện vài chục cây số, người dân nơi đây còn hạn chế trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất… Do đó, Dự án DPPR đã tập trung vào Hợp phần: Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua nhiều hoạt động như đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ công cụ sản xuất; tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho người dân. Cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng thôn, bản, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện để phát triển.
Trong Hợp phần Hỗ trợ sản xuất, từ khi triển khai đến nay, Dự án đã tập trung vào hoạt động đào tạo tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn để người dân nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Đã thực hiện nhiều mô hình trồng giống cây, con mới cũng như mô hình sử dụng các tiến bộ kỹ thuật. Trong năm 2009, toàn tỉnh tích cực thực hiện chỉ đạo thâm canh và xây dựng cánh đồng mẫu trong vụ Mùa. Hưởng ứng chương trình đó, BQL Dự án xã triển khai mô hình “Cải tạo đất, bón phân thâm canh cây lúa thuần” tại thôn Làng Khác B. Đến nay mô hình đã kết thúc, ngoài lợi ích về kinh tế mà các hộ thực hiện mô hình hưởng lợi, cái thu được lớn nhất đó là người dân trực tiếp thực hiện mô hình cũng như các hộ trong thôn đã nắm được quy trình kỹ thuật cải tạo đất, bón phân cân đối, thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập trong sản xuất lúa. Đi đôi với thực hiện các mô hình trình diễn, hàng nghìn lượt người dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cây trồng, phát triển chăn nuôi. Từ đó họ trở đó về vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Dự án cũng đã quan tâm hỗ trợ giống cùng một số dụng cụ sản xuất cho bà con như: Cung ứng hàng nghìn giống cây lê xanh, hồng không hạt cho các hộ cải tạo vườn tạp; cung cấp 5 tấn giống cỏ cho bà con trồng để phục vụ chăn nuôi trâu, bò hàng hoá; hỗ trợ hàng trăm thiết bị sản xuất như xà beng, búa tạ, cuốc chim cho các hộ nghèo…Những công cụ sản xuất, giống vốn không những giúp các hộ nghèo có điều kiện để mở rộng sản xuất mà con nâng cao mức thu nhập. Trong Hợp phần này, nổi bật nhất vẫn là hoạt động hỗ trợ lợn nái, bò sinh sản cho các hộ nghèo nuôi quay vòng nhân rộng. Trong xã đã có hàng chục hộ nghèo được hỗ trợ giống bò, giống lợn, bước đầu con giống đã sinh sản và chuẩn bị quay vòng cho các hộ nghèo trong xã chăn nuôi. Cùng với đó, các Nhóm tín dụng tiết kiệm đã duy trì và hoạt động tốt. Trong 9 tháng, các thành viên đã vay trên 65 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn cho xã, Dự án cũng đã tập trung nguồn lực để xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, kênh mương, cầu cống…Tổng tiền phục vụ cho Hợp phần này trong cả chu kỳ là trên 3 tỷ 260 triệu đồng, đến nay cơ bản các hạng mục đầu tư đã hoàn thành, bao gồm: Mở mới 2 đường dân sinh dài trên 10 km từ Nà Liên đến Ngải Sảng B và đường vào Giàng Trù B; 2 tuyến kênh mương cộng với đập đầu nguồn Giàng Trù C+B; xây mới điểm trường thôn Khau Rịa; đường tràn liên hợp thôn Làng Khác A; hỗ trợ tấm lợp và bàn ghế cho các điểm trường…Tất cả những công trình đã đầu tư đều được vận hành tốt, phát huy được hiệu quả phục vụ đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân. Ngoài ra, trong Hợp phần Xây dựng năng lực có sự phân cấp, Dự án cũng đã đầu tư nhiều trang, thiết bị cho các trường học cũng như các vật dụng sinh hoạt cho người dân…
Ý kiến bạn đọc