Tỏa sáng những “miền di sản”

08:28, 20/11/2009

HGĐT- Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn tỉnh lần thứ VI và công bố năm du lịch 4 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn - hai sự kiện quan trọng sẽ được khai mạc tại sân vận động trung tâm thị xã Hà Giang vào sáng thứ 7 ngày 21.11.2009. Đây là lần đầu tiên Hà Giang tổ chức các hoạt động thể thao gắn với du lịch nhằm biểu dương tinh thần luyện tập TDTT, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch chung của 4 tỉnh và của mỗi “miền di sản”.


 

Lòng hồ thủy điện Nà Hang tại Thượng Tân (Bắc Mê). Ảnh: Khánh Toàn


Những ngày này, người dân nơi miền sơn cước Hà Giang đang nô nức chuẩn bị cho sự kiện trọng đại - Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VI và công bố năm du lịch 4 tỉnh vùng núi phía Bắc. Lễ khai mạc sẽ được tổ chức hoành tráng với 2.640 người (12 đoàn) tham gia diễu hành biểu dương lực lượng. Màn đồng diễn gồm các nội dung: Hương sắc cao nguyên Hà Giang, khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hà Giang điểm hẹn nơi cực Bắc và Hà Giang - Tuyên Quang - Cao Bằng - Bắc Kạn cùng hội nhập phát triển sẽ thể hiện rõ chủ đề “Hà Giang cùng cả nước và khu vực hội nhập phát triển”. Đại hội TDTT tỉnh Hà Giang lần thứ VI có 275 VĐV tham gia thi đấu ở 10 môn. Trong đó, có 6 môn thể thao hiện đại là việt dã, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, điền kinh; 4 môn thể thao dân tộc gồm bắn nỏ, tung còn, kéo co, đẩy gậy. Cùng với các hoạt động chuẩn bịcho Đại hội, ngườidân Hà Giang thân thiện, mến khách cũng đang mở rộng vòng tay chào đón các đoàn đại biểu T.Ư, khách quốc tế và các tỉnh bạn về dự Đại hội và công bố năm du lịch “Qua những miền di sản” của 4 tỉnh miền núi phía Bắc. Sự hiện diện của các đoàn đại biểu đã mang về bầu không khí ấm nồng, xua đi cái giá lạnh đang ngự trị trên mảnh đất Hà Giang.


Trong sâu thẳm trái tim, sâu thẳm tình cảm của mỗi con dân nước Việt, mảnh đất biên cương Hà Giang, điểm đầu Tổ quốc luôn là niềm khát khao, mong mỏi được đặt chân đến. Hà Giang - nơi đó một vùng biên cương điệp trùng đá núi, hùng vĩ và linh thiêng. Nơi đó, cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng người dân vẫn anh dũng, kiên cường bám trụ, giữ vững từng mảnh đất, nhành cây, ngọn cỏ quê hương. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của T.Ư, Hà Giang đang phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển KT-XH. Những năm gần đây, mảnh đất Hà Giang đang trỗi dậy, trở thành điểm đến mới, đầy quyến rũ trên hành trình khám phá vẻ đẹp cung trời phía Bắc Việt Nam. Sức hấp dẫn của Hà Giang toát ra từ những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, từ tập quán lao động, sản xuất và sinh hoạt văn hóa đậm giá trị nhân văn, giàu bản sắc. Thiên nhiên tuy khắc nghiệt nhưng cũng ban tặng cho Hà Giang một Cao nguyên đá - kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ chứa đựng trong mình nhiều di sản có giá trị nghiên cứu khoa học, khai thác du lịch. Đó là một đỉnh Lũng Cú được ví như “vầng trán kiêu hãnh của Tổ quốc”; những thị trấn miền sơn cước với ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi; những rừng đá, nương đá trùng trùng, điệp điệp; một dòng Nho Quế trong xanh, thơ mộng; một đỉnh Mã Pì Lèng - đệ nhất hùng quan... Cao nguyên đá Đồng Văn đang được các ngành chức năng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất và di sản thiên nhiên thế giới.


Hà Giang còn hấp dẫn du khách qua những nét văn hóa độc đáo, đậm chất nhân văn của 22 dân tộc sinh sống trên mảnh đất này. Các lễ hội truyền thống như Chợ tình Khau Vai, nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn, lễ cúng thần rừng của người Nùng, cấp sắc của người Dao…các làng văn hóa dân tộc, các làn điệu dân ca, điệu múa mang đậm bản sắc đã tạo lên sự gắn kết cộng đồng của người Hà Giang. Hà Giang cũng là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa với các di chỉ khảo cổ thời tiền sử được phát hiện như hang Đán Cúm, Nà Chảo (Bắc Mê), di chỉ Đồi Thông (thị xã Hà Giang), bãi đá khắc cổ Nấm Dẩn (Xín Mần), di tích lịch sử cách mạng khu Trọng Con (Bắc Quang), Căng Bắc Mê. Nhiều di sản của Hà Giang đã được xếp hạng cấp tỉnh, Quốc gia, tới đây tỉnh tiếp tục khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ đề nghị công nhận thêm nhiều di sản ở cả các lĩnh vực, cấp độ để những di sản đó phát huy giá trị và luôn tỏa sáng.


Chúng tôi đã có đôi lần đặt chân đến Cao Bằng và hết sức ngỡ ngàng trước cảnh sắc, con người nơi đây. Cao Bằng cũng được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc nằm trên sông biên giới Việt Nam - Trung Quốc, là thác hùng vĩ, đẹp vào bậc nhất Đông Nam á; động Ngườm Ngào hình thành do sự phong hóa lâu đời của đá vôi với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ ảo. Một địa danh không thể không nhắc đến trên mảnh đất Cao Bằng đó là hồ Thăng Hen với 36 hồ lớn, nhỏ trên núi và rất nhiều hang động kỳ vĩ. Cao Bằng cũng có những lễ hội đậm bản sắc dân tộc như lễ hội pháo hoa, hội Nàng Hai, trọi bò, các làn điệu hát si, lượn, then, đàn tính. Đặc biệt, Cao Bằng là “địa chỉ đỏ” của đất nước với di tích lịch sử Pắc Bó nơi Bác Hồ từng sống, làm việc, vạch ra con đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ Pắc Bó, “tuyến du lịch đỏ” sẽ đưa du khách đến khu di tích rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngoài ra còn nhiều di tích gắn với truyền thống đấu tranh, bảo vệ dân tộc như quần thể khu di tích lịch sử Lam Sơn - nơi Bác Hồ cùng các đồng chí hoạt động cách mạng, nơi in Báo Việt Nam độc lập đầu tiên; khu di tích chiến thắng Đông Khê, núi báo Đông - nơi Bác Hồ trực tiếp chỉ huy chiến dịch biên giới 1950.


Ai đã một lần về với Bắc Kạn sẽ nhớ mãi câu ca “Bắc Kạn có suối đãi vàng, có hồ Ba Bể có nàng áo xanh” - vùng đất này nổi tiếng với hồ Ba Bể nằm ở trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể. Đây là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất thế giới. Hồ Ba Bể nằm trên núi đá, xung quanh có thảm thực vật nguyên sinh và quần thể phức hợp dạng địa hình cat - xtơ nhiệt đới. Đến Bắc Kạn, du khách còn được chiêm ngưỡng, tìm hiểu các địa danh lịch sử chiến thắng Phủ Thông - Đèo Giàng, Nà Tu - Cẩm Giàng nơi Bác Hồ tặng thanh niên Việt Nam 4 câu thơ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Khi hòa mình vào những bản làng của đồng bào dân tộc, được tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghe những tiếng đàn tính tha thiết của người con gái Tày…ta sẽ cảm nhận được sự bình an, ấp áp trong lòng.


Hành trình “Qua những miền di sản” sẽ rất hấp dẫn khi du khách dừng chân ở mảnh đất Tuyên Quang. Thành cổ Tuyên Quang được xây dựng dựng từ thời nhà Mạc, năm 1552 sẽ lưu luyến du khách ngay khi mới đặt chân đến mảnh đất này. Khám phá các điểm du lịch lịch sử Tân Trào - ATK với trên 17 di tích như lán Nà Lừa, đình Tân trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, mỗi người chúng ta sẽ hiểu thêm về lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc. Qua đó, càng yêu quý, biết giữ gìn, phát huy để những giá trị lịch sử luôn tỏa sáng. Đến với các khu du lịch sinh thái Na Hang, Hàm Yên, du lịch lịch sử cách mạng và sinh thái Chiêm Hóa, suối khoáng Mỹ Lâm…lại cho ta cách tiếp cận, cảm nhận mới về đất và người nơi đây. Mảnh đất Tuyên Quang thực sự là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên hành trình đến với các vùng đất.


Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình du lịch “Qua những miền di sản” được tổ chức song song với các nội dung thi đấu thể thao như trưng bày, giới thiệu tiềm năng du lịch của 4 tỉnh; thi thuyết minh viên du lịch; trình diễn trang phục các dân tộc của 4 tỉnh; triển lãm ảnh các danh lam thắng cảnh và con người của 4 tỉnh; hành trình khảo sát du lịch qua “những miền di sản” được tổ chức trong thời gian 8 ngày 7 đêm…là những điểm nhấn quan trọng để quảng bá tiềm năng du lịch của mỗi địa phương. Qua đây cũng sẽ mở ra cơ hội liên kết, hợp tác để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, mở rộng hợp tác của 4 tỉnh với khu vực Tây Bắc và vùng Tây Nam (Trung Quốc) nhằm thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, tạo bước phát triển mới cho du lịch của vùng.


Hà Giang - Tuyên Quang - Cao Bằng - Bắc Kạn có nhiều nét tương đồng trong sắc màu văn hóa, có nhiều thuận lợi để mở rộng hợp tác, giao lưu nhất là trong lĩnh vực khai thác tiềm năng du lịch. Nhưng các hoạt động này chưa có sự liên kết chặt chẽ thành tua, tuyến nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh đó, doanh thu từ du lịch - dịch vụ còn chiếm phần rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Từ những tiềm năng, thế mạnh riêng của mỗi tỉnh khi có sự liên kết chặt chẽ với nhau, nó sẽ tạo thành sức mạnh chung để khai thác hiệu quả, tạo sự phát triển KT-XH. Và như vậy, “những miền di sản” sẽ luôn tỏa sáng.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả từ các mô hình Thanh niên phòng, chống tệ nạn xã hội ở Hà Giang
HGĐT - Hiện nay, toàn tỉnh có 264 đoàn cơ sở với 3.068 chi đoàn, 190.000 thanh niên, chiếm khoảng 28% dân số của tỉnh. Những năm gần đây, cùng với chính sách mở cửa và chuyển đổi vận hành nền kinh tế thị trường ở nước ta, bên cạnh những thành tựu to lớn về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được, các mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã làm hồi phục, nẩy
30/10/2009
Mèo Vạc nỗ lực xóa nhà tạm
HGĐT - Năm 2009, huyện Mèo Vạc có 750 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xoá nhà tạm (XNT), một con số không nhỏ. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, trong khi nhiều huyện đã tìm được sự giúp đỡ không nhỏ của các đơn vị, doanh nghiệp đỡ đầu thì đối với Mèo Vạc, cấp uỷ, chính quyền và người dân nghèo nơi đây đang bước vào “mùa xây tổ ấm” với nhiều gian nan, nhất là khi nhiệm vụ này
30/10/2009
Mặt trận Tổ quốc tỉnh với công tác xóa đói, giảm nghèo
HGĐT- Thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh nhà, trong 9 tháng đầunăm nay, MTTQ tỉnh, Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, tập trung nguồn lực triển khai giúp đỡ xây dựng nhà đại đoàn kết, xoá nhà dột nát cho các hộ nghèo, với mức hỗ trợ
28/10/2009
Trao tặng giống gia súc, phản nằm, màn cho hộ nghèo xã Vần Chải
HGĐT- Ngày 26.10, tại trụ sở UBND xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, Sở Lao động – TBXH và các đơn vị, doanh nghiệp được tỉnh phân công đỡ đầu xã đã tổ chức trao tặng giống gia súc, phản nằm, màn hỗ trợ 106 hộ nghèo trên địa bàn xã.
28/10/2009